Vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang trở nên vô cùng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Đặc biệt là trong những ngày gần đây, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM đã đến mức báo động (bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ chia sẻ với Zing).
Không chỉ ở các thành phố lớn, chất lượng không khí còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của chính mỗi chúng ta, vì thế yếu tố này cần phải được kiểm tra và rà soát thường xuyên.
Rất may là với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, bạn chỉ cần một chiếc smartphone, kết hợp với các ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí, là đã có thể kiểm tra không khí quanh khu vực nhà, công ty hay bất cứ khu vực mình đang ở.
Dưới đây là những ứng dụng kiểm tra chất lượng không khí nổi tiếng được tin dùng nhất hiện nay trên iOS và Android.
1. AirVisual
AirVisual là ứng dụng sẽ cung cấp thông tin về mức độ ô nhiễm tại các thành phố trên thế giới theo thời gian thực cũng như dự đoán về tình trạng không khí tại các thời điểm trong ngày và các ngày trong tuần, từ đó cho phép người dùng sắp xếp chế độ sinh hoạt hay đi lại phù hợp. Chẳng hạn nếu vào thời điểm mức độ ô nhiễm không khí tăng cao thì nên ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường hoặc phải mang khẩu trang khi đi ra đường…
AirVisual sử dụng dữ liệu từ các trạm đo không khí được đặt khắp nơi trên thế giới để đưa ra thông số và dự đoán về mức độ ô nhiễm không khí. Hiện tại ứng dụng này hỗ trợ gần như đầy đủ các tỉnh, thành tại Việt Nam nên người dùng có thể sử dụng như một công cụ để tham khảo về tình trạng không khí tại nơi mình sinh sống.
2. Air Matters
Air Matters được ra mắt vào năm 2011, ứng dụng có khả năng cung cấp khả năng đo chất lượng không khí theo thời gian thực dựa trên chỉ số Air Quality Index (AQI), tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Các nguồn dữ liệu dành cho Air Matters thay đổi tùy thuộc thành phố, trong đó một số trạm đo dữ liệu AQI tổng thể có thể được cập nhật mỗi giờ một lần.
Trên App Store, Air Matters cho biết trong phần mô tả rằng:
- Ứng dụng sẽ hiển thị thông tin chất lượng không khí cho vị trí hiện tại của bạn.
- Hiển thị dữ liệu phấn hoa (yếu tố có thể gây dị ứng qua đường hô hấp) & dự báo tại Hoa Kỳ và Châu Âu.
- Chuyển đổi tiêu chuẩn chất lượng không khí giữa các tiêu chuẩn Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh và Ấn Độ.
- Cung cấp cảnh báo ô nhiễm và phấn hoa.
- Hiển thị chỉ số chất lượng không khí thời gian thực trên biểu tượng máy tính để bàn.
- Đã có mặt trên Apple Watch, giúp người đeo kiểm tra chất lượng không khí thời gian thực ngay trên cổ tay.
Do đó, trước khi rời khỏi chỗ ở của mình, hãy nhớ kiểm tra khu vực bạn đang muốn tới và xem phần “Tư vấn cho Sức khỏe”. Tốt nhất đừng quên mang theo khẩu trang bởi vì bạn có thể cần dùng đến nó!
3. Pam Air
PAM Air là ứng dụng thuộc IoT 'PAM' do công ty D&L từ Việt Nam nghiên cứu và phát triển. Ứng dung đã hỗ trợ kiểm tra khoảng 80 điểm đo ở một số tỉnh thành trên cả nước, trong đó Hà Nội khoảng 40 điểm. PAM Air dựa trên các thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí theo thời gian thực. Dữ liệu tại các điểm đo sẽ được thu thập, xử lý và phân tích để tính toán ra Chỉ số chất lượng không khí cho người sử dụng.
Dữ liệu chất lượng không khí của PAM Air từ 02 nguồn chính:
- Từ các thiết bị cảm biến chất lượng không khí do công ty D&L sản xuất, lắp đặt và vận hành.
- Từ các nguồn dữ liệu khác mà PAM Air được phép thu thập và chia sẻ.
Các tính năng nổi bật của PAM Air gồm:
- Tìm kiếm và xem chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo thời gian thực theo địa điểm lựa chọn trên bản đồ
- Tìm kiếm các điểm đo chất lượng không khí theo tên hoặc vị trí địa lý
- Cung cấp giá trị AQI giờ trong 24 giờ gần nhất
- Cung cấp giá trị trung bình giờ trong 24 giờ gần nhất của từng thành phần không khí được đo
- Cảnh báo người sử dụng khi không khí bị ô nhiễm
Ngoài 3 ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí ở trên bạn cũng có thể tham khảo thêm các ứng dụng khác như: Air Quality Index BreezoMeter, Air Quality: Real time AQI, Air Quality Index Near Me, AirNow,… Tuy nhiên, do các ứng dụng này chỉ hỗ trợ một số ngôn ngữ nhất định, và chỉ có trên duy nhất một nền tảng, hoặc iOS hoặc Android, nên bài viết này chỉ đề cập chi tiết đến 3 ứng dụng AirVisual, Air Matters và Pam Air.