Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

'15.000 tỷ ra đi cùng iFan là kết quả của lòng tham và sự thiếu hiểu biết'

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vũ, đồng tác giả cuốn sách “Blockchain và đầu tư ICOs căn bản", mới đây đã có những chia sẻ về các vụ việc lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa tại Việt Nam.

Vài ngày trở lại đây, vụ việc một dự án có tên iFan lừa đảo số tiền lên tới 15.000 tỷ khiến dư luận không khỏi xôn xao. Tận dụng lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư, kẻ xấu đã chiếm đoạt được một khối tài sản lớn.

Để giúp bạn đọc có một cái nhìn chính xác hơn về token, tiền mã hóa và hoạt động đầu tư dựa trên tiền mã hóa ICOs, SAOStar.vn may mắn có được những quan điểm quý báu từ Tiến sĩ Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Phòng thương mại Việt Nam Singapore (VietCham Singapore), mentor của nhiều dự án trên nền tảng công nghệ blockchain và là đồng tác giả (cùng Tiến sĩ Lưu Thế Lợi, đồng sáng lập Kyber Network) cuốn sách “Blockchain và đầu tư ICOs căn bản.”

Ông Nguyễn Quang Vũ là đồng tác giả cuốn sách Blockchain và đầu tư ICOs căn bản cùng anh Lưu Thế Lợi, đồng sáng lập Kyber Network, một trong những dự án ICO thành công nhất năm 2017.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vũ bắt đầu buổi trò chuyện bằng việc nhấn mạnh tham gia đầu tư vào ICOs là một hoạt động mạo hiểm và cần một sự tìm hiểu, hiểu biết rõ ràng. Ông đồng thời tỏ ra bức xúc và rất tiếc với khối tài sản lớn được cho là lên tới 15 nghìn tỷ ra đi trong dự án iFan. “Hầu như bất kì ai cũng có thể tạo ra các đồng tiền mã hóa và tiến hành gọi vốn bằng ICO,” ông Vũ chia sẻ. Vì thế, khi gặp các dự án có yếu tố lừa đảo và thiếu cẩn trọng, nhà đầu tư hoàn toàn có khả năng bị mất trắng tài sản. Trong khi đó, đối với tiền tệ mã hóa, hiện tại chưa có luật định, quy định để bảo vệ nhà đầu tư và cũng không có các biện pháp bảo hiểm cho mất mát.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh cần phải coi ICOs là một hoạt động đầu tư mạo hiểm. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự thành hay bại của một dự án. Vì thế, công nghệ Blockchain hay ICOs dù có tiềm năng rất lớn, nhưng đòi hỏi ở nhà đầu tư sự cẩn trọng và khả năng tư duy tốt.

Trong những vụ việc như iFan, không khó để thấy lòng tham của nhà đầu tư là một trong những yếu tố hàng đầu khiến nhiều người dễ dàng bị lừa. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang Vũ cũng khẳng định sự thiếu hiểu biết cũng là một nguyên nhân chính khiến một số lượng lớn tài sản bị mất trắng. “Sự thiếu hiểu biết thể hiện ngay ở việc nhiều người dễ dàng tin vào một hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận mang lên tới 50% một tháng, tức là chỉ cần hai tháng bạn đã được hoàn vốn,” ông chia sẻ.

Ông Vũ khuyến khích các nhà đầu tư nâng cao hiểu biết của mình về những gì mình quyết định bỏ tiền vào đầu tư. “Gặp một công nghệ mới, hãy tìm hiểu, đừng để bị lừa hay bị hút vào vòng xoáy một cách mê muội,” ông nói thêm.

Mentor của nhiều dự án ICOs này so sánh việc đầu tư vào ICOs cũng không khác việc bạn mua một căn nhà. Nhà đầu tư lúc này luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi, chủ nhà là ai, hàng xóm ra sao, hướng nhà thế nào, tình trạng sổ đỏ có ổn không… rồi mới quyết định chốt “deal”. Tại sao khi đầu tư vào bất động sản nhiều người luôn tỏ ra thận trọng thì đầu tư vào một công nghệ hoàn toàn mới thì lại không? Ông Vũ cho rằng đây là một sự thiếu logic của các nhà đầu tư.

Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông Vũ chia sẻ thực tế có nhiều cách để nhận biết các dấu hiệu ICOs lừa đảo bằng một loạt các câu hỏi như tư cách pháp nhân nào đứng đằng sau ICOs, những cá nhân nào dẫn dắt dự án, có cách nào để xác thực danh tính của họ không, dự án có sách trắng không rõ ràng, tốc độ triển khai dự án…

Tuy nhiên, có một cách đơn giản hơn để nhận biết các dự án có yếu tố lừa đảo.

Ông Vũ chia sẻ tất cả các mô hình có liên quan đến collective investment scheme (tạm dịch: ủy thác đầu tư), tức là một nhóm các nhà đầu tư góp tiền đầu tư để được hưởng lợi từ công việc kinh doanh và có hoạt động chia lại tiền thì đều phải có giấy phép liên quan đến hoạt động chứng khoán tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nếu các dự án này sử dụng công nghệ blockchain và cho ra đời một loại token để tiến hành việc góp vốn như trên thì loại token này được gọi là “security token” và loại token này chịu sự quản lý của Luật chứng khoán.

Đối với các dự án utility token, bản chất của việc đầu tư này không liên quan đến hoạt động chứng khoán bởi không có hoạt động chia lại tiền và không có quan hệ cổ đông giữa nhà đầu tư và dự án. Lúc này, nhà đầu tư thực hiện góp tiền vào một dự án để những nhà sáng lập có nguồn vốn phát triển công nghệ. Khi dự án hình thành, token chính là một dòng vận hành chảy bên trong dự án. Dự án càng phát triển, nhu cầu về token càng tăng lên. Nhà đầu tư được lợi khi đồng tiền được niêm yết trên sàn tiền tệ số.

Như vậy, có thể rút ra một kết luận là nếu một dự án ICOs, tiền mã hóa có thực hiện chi trả thưởng, chia tiền trong khi chưa có giấy phép hoạt động liên quan đến luật chứng khoán, khả năng cao đây là một dự án “đặc biệt rủi ro”.

Theo một số thống kê, có tới 90% số dự án ICOs trên thế giới là “scam” (lừa đảo). Khi được hỏi về quan điểm của mình, ông Vũ cho biết không có trong tay một thống kê chính xác nhưng ở Việt Nam con số này có thể lớn hơn nhiều. “Số dự án ICOs hoạt động chỉnh chu ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay,” ông chia sẻ. Tuy nhiên không phải vì lý do này mà nhà đầu tư Việt bỏ qua cơ hội ở hoạt động ICOs.

Ông Vũ lấy ví dụ, năm ngoái, khi Kyber Network, dự án được đồng sáng lập bởi Tiến sĩ Lưu Thế Lợi, gọi vốn được tới 52 triệu USD từ 21.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ, “chỉ có một số lượng nhỏ người Việt Nam tham gia và điều này thực sự đáng tiếc,” ông nói. Ông Vũ nhận định số lượng dự án ICOs tốt ở Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới và hình thức ICOs thực sự là một cơ hội cho công nghệ Việt Nam phát triển cùng như một cơ hội tốt để nhà đầu tư hưởng lợi.

Kết lại buổi trò chuyện ngắn, ông Vũ chia sẻ để xây dựng được hệ sinh thái lành mạnh cần sự đoàn kết của các nhà công nghệ lành mạnh và sự hỗ trợ của các cơ quan bộ ban ngành chức năng, cũng như sự đối thoại đa chiều giữa các nhà công nghệ và các nhà lập pháp nhằm xây dựng một khung quy định và một hệ sinh thái không có các trường hợp như iFan.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Lê Nam Khánh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual