Thể thao

Từ sợi dây chằng 1,4 tỷ đồng của Công Vinh đến bi kịch mang tên 'nghệ sỹ' Tuấn Anh

Văn Nhân
Chia sẻ

Cả hai cùng đứt dây chằng và phẫu thuật nhưng trở lại thi đấu hoàn toàn khác biệt nhau. Công Vinh không bao giờ tái phát chấn thương, còn Tuấn Anh là bi kịch cho cả nền bóng đá...

Sợi dây chằng giá 1,4 tỷ của Công Vinh

Năm 2010, Công Vinh dính chấn thương dây chằng đầu gối phải trong buổi tập luyện của CLB Hà Nội. Chân sút người xứ Nghệ được CLB Hà Nội cho sang Bồ Đào Nha để phẫu thuật và điều trị phục hồi với tổng thời gian 10 tháng.

Tổng chi phí để chữa trị chấn thương của Công Vinh khoảng 1,4 tỷ đồng. Một con số đắt đó đối với việc điều trị chấn thương đứt dây chằng của một cầu thủ Việt Nam.

Công Vinh từng bị đứt dây chằng.

Chi phí điều trị đắt và thời gian phục hồi lâu có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp của Công Vinh, khi anh không bao giờ tái phát chấn thương và có thể chơi với 100% phong độ để gặt hái thêm nhiều thành công.

Công Vinh giải thích cụ thể: “Nhiều người có thể mất 6 tháng hồi phục nhưng có người phải đến 10 tháng. Trường hợp của tôi là hơn 10 tháng. Khi trở lại, tôi có thể chơi với 95% - 100% phong độ.

Ở Việt Nam mổ dây chằng xong thì mình 'tự bơi' nhưng tôi tập ở nước ngoài thì đó là sự khác biệt. Bình thường mổ dây chằng ở Singapore sẽ lấy sợi gân ở đùi sau nhưng bác sĩ mổ cho tôi lại lấy gân của xương bánh chè.

Công Vinh đến ngày giải nghệ cũng không tái phát chấn thương.

Đó được xem là sợi gân chắc nhất trên cơ thể người. Tuy nhiên, mổ như thế thì cần thời gian hồi phục lâu hơn người khác. Dây chằng để lâu hơn thì độ bền tốt hơn. Những cầu thủ khác mất 6-7 tháng sẽ đá lại nhưng tôi cần khoảng 10 tháng mới có thể trở lại.

Chứng tỏ tôi mất thời gian nhiều hơn, có chế độ tập hồi phục tốt hơn và tập với cường độ cao hơn. Thời điểm đó, tôi tập ở trung tâm hồi phục thuộc thành phố Porto với giá 40 euro cho 1 tiếng đồng hồ và mỗi ngày tập 2 tiếng. Tôi còn tập thêm buổi sáng ở bể bơi. Chỗ tôi tập có nhiều cầu thủ nổi tiếng từng đến như Kaka, Anderson…”.

Đến nỗi đau mang tên Tuấn Anh

Thái 11/2012, Tuấn Anh kết thúc chuyến tập huấn ở London. Anh được HLV Wenger của Arsenal đánh giá cao nhất về tài năng và muốn giới thiệu sang Hy Lạp chơi bóng. Thế nhưng, giấc mơ của tiền vệ biệt danh “Nhô” mãi mãi không thể trở thành hiện thực vì dính chấn thương đứt dây chằng trước tết Nguyên đán năm 2012.

Chấn thương đứt dây chằng cũng khiến cho Tuấn Anh phải phẫu thuật và không bao giờ có thể chơi bóng với khả năng tốt nhất. Hậu quả nhãn tiền là tiền vệ người Thái Bình kể từ đó đến bây giờ luôn sống cùng chấn thương, dù bầu Đức từng khẳng định: “Tuấn Anh là số 1”.

Tuấn Anh là tiền vệ tài hoa nhưng liên tiếp chấn thương.

Tài năng chơi bóng của Tuấn Anh có thể gọi gọn qua các danh hiệu anh liên tiếp được thừa nhận: Cầu thủ xuất sắc nhất U19 ĐNÁ 2013, Cầu thủ xuất sắc nhất giải U21 năm 2014, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2014.

Đẳng cấp và trình độ chơi bóng của Tuấn Anh hoàn toàn khác biệt so với Xuân Trường. “Nhô” có thể cầm trịch và điều tiết lối chơi cực tốt. Tuấn Anh có kỹ thuật toàn diện nên giữ bóng cực tốt, ban bật và phát động tấn công cực hay. Ngoài ra, “Nhô” tham gia hỗ trợ phòng ngự, đánh chặn và cắt những pha tấn công của đối thủ.

Tóm lại, Tuấn Anh là mẫu tiền vệ toàn diện bậc nhất mà bóng đá Việt Nam may mắn sản sinh. Nếu không bị chấn thương đứt dây chằng hồi năm 2012 thì tài năng chơi bóng của “Nhô” có thể mang chạm đến đẳng cấp khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại.

Thế nhưng, số phận của Tuấn Anh là một bi kịch thực sự với bầu Đức, khi “Nhô” phải lần thứ 2 lên bàn phẫu thuật với chấn thương sụn chêm hồi cuối năm 2016. Ca chấn thương này cũng khiến cho Tuấn Anh trở thành cầu thủ “dễ vỡ” nhất bóng đá Việt Nam hiện tại, với 2 đầu gối bị phẫu thuật.

Bi kịch của Tuấn Anh là bài học cho cả một nền bóng đá.

HLV U21 Yokohama thẳng thắn cho biết Tuấn Anh rất khó chơi bóng đỉnh cao. Điều phải phụ thuộc cực lớn vào ý chí chiến đấu của “Nhô” nếu muốn “lột xác” trong thời gian tới, thay vì đá vài trận phải bầu bạn cùng chấn thương.

Có một điều dễ thấy là Tuấn Anh gần như không được bảo vệ ở mức tốt nhất. Khi so sánh với ca phẫu thuật dây chằng của Công Vinh - cựu tiền đạo ĐTVN trở lại sau chấn thương gần như có thể chơi bóng với 100% khả năng, còn Tuấn Anh hứng chịu hậu quả đến tận bây giờ, thậm chí trong tương lai chưa biết điều gì chờ đợi “Nhô”.

Bi kịch của Tuấn Anh cũng là bài học cho cả nền bóng đá Việt Nam. Bởi rất nhiều cầu thủ dính thương đứt dây chằng thì sự nghiệp đi xuống, vì không được điều trị tốt nhất cũng như biết cách bảo vệ đầu gối hồi phục hoàn toàn trước khi trở lại chơi bóng.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất