“Tôi không nghĩ mình chọn nhiếp ảnh mà nhiếp ảnh đã chọn tôi”, Tâm Bùi cho biết. Tốt nghiệp chuyên ngành Đông Phương học, thuộc trường Đại học Khoa học, xã hội và Nhân văn, tuy nhiên anh lại gạt hết mọi “lao xao” xung quanh để đến với nhiếp ảnh như một cái duyên đã định sẵn.
Với anh, một bức ảnh đẹp cần chuyển tải được thông điệp mà rất nhiều người muốn nói nhưng không thể diễn đạt bằng lời. Đôi khi đó là khát khao của một nhóm người, đôi khi là ước muốn của cả một dân tộc, một thế hệ. “Mỗi lần xem một bức ảnh, có thể không lung linh huyền ảo, nhưng nó làm tôi rợn người, thẫn thờ, xúc động, suy nghĩ về mình và những gì mình đã làm, rớt nước mắt, muốn thét lên hoặc thấy mình thấp thoáng đâu đó trong bức ảnh… đó đích thị là một bức ảnh đẹp”.
“Tôi là một người đam mê kể chuyện, nhưng không bằng lời mà bằng hình ảnh. Tôi muốn hình mình chụp ra trông như một lát cắt từ một phim điện ảnh”, đó là tâm huyết cũng như động lực để anh phấn đấu trong suốt thời gian qua.
Do đó, với mỗi chuyến đi anh đều kiên nhẫn, lắng nghe và chia sẻ với nhân vật của mình để tạo được không gian “nhiếp ảnh” thoải mái nhất, lúc đó một câu chuyện bằng hình ảnh sẽ được kể lại.
Song hành với công việc của một nhiếp ảnh gia, anh còn được xem là “nhà du hành thế giới” với sở thích đi du lịch với mục tiêu tìm kiếm những điểm tương đồng và khác biệt giữa con người ở những vùng đất mình đi qua.
Với người dân Myanmar, họ vô cùng dễ thương và hiếu khách. Anh cho biết: “Lần đó tôi đến Bagan vào lúc 3h sáng, không có chỗ ở vì chưa đặt khách sạn trước. Có 1 anh xe thồ tình nguyện chở tôi và chờ cho tới 6h sáng khi khách sạn mở cửa thì anh ta mới về nhà. Còn lúc đến hồ Inle cũng tầm 5h sáng và trong túi không còn tiền, ATM thì không tìm gặp, một cô chủ khách sạn đã cho tôi tá túc mà không màng đến tiền bạc”.
Hay khi đến Ấn Độ, đa phần mọi người hơi hung hăng, tất nhiên ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Ấn tượng về New Delhi trong anh là một thành phố xô bồ, không trật tự, cos khá nhiều người vô gia cư, thanh niên tụ tập ở những con hẻm nhỏ chích ma tuý và nằm la liệt. Tuy nhiên khi đi về phía Bắc Ấn Độ, tới vùng Kashmir thuộc dãy Himalaya, người Tạng ở đây hiền hoà, hiếu khách, nhã nhặn, khác hẵn người Ấn ở miền Nam…
Việt Nam, có một sự thật mất lòng nhưng chúng ta nên can đảm nhìn vào nó để sửa đổi thì mới phát triển được. “Việt Nam rất đẹp nhưng người dân ở Việt Nam không thân thiện như Thái Lan hay Myanmar, Campuchia. Người Việt Nam hay bán hàng mắc hơn cho khách nước ngoài, phân biệt đối xử hoặc tỏ ra khó chịu khi xem hàng mà không mua”, anh kể lại tâm sự của một người bạn ngoại quốc.
Tất nhiên, mỗi điểm đến đều mang lại cho chúng ta những cái nhìn tốt xấu khác nhau, không thể nào quy chụp tất cả được. Tuy vậy, biết đâu việc tiếp nhận và sửa đổi những ý kiến đến từ bạn bè quốc tế phần nào giúp cho hình ảnh của nước ta đẹp hơn thì sao?
Về cuốn sách đầu tay “Gà Trống - Gà Mái & Những kẻ mộng mơ”, Tâm Bùi cho biết đó cũng là cách anh tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam, “đó là một vẻ đẹp đương đại của thế hệ Việt Nam trẻ, dám dấn thân sống cho hạnh phúc và đam mê của mình, can đảm vượt qua những rào cản định kiến cũ kỉ nhưng vẫn không gây tổn hại đến người khác. Tôi cho rằng sự can đảm ấy và một đoá hoa đẹp và đang toả hương mỗi ngày”.
Anh cũng cho biết mình đang ấp ủ về những cuộc hành trình ra ngoài thế giới xung quanh và một quyển sách ảnh du ký đa chiều, sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới.