Ăn - Chơi - Khám phá

Thầy giáo miền Tây lên Sài Gòn làm bảo vệ, nuôi đam mê với loại bánh độc đáo

Khải Anh
Chia sẻ

Hơn chục năm qua, ông Nguyễn Khắc Sinh (quê An Giang) đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả để duy trì niềm đam mê với bánh cống.

Thầy giáo bỏ việc để theo đuổi đam mê

Đi ngang xe bánh cống của ông Khắc Sinh, ai nấy đều bị "níu giữ" bởi mùi thơm đặc biệt từ đậu xanh ngâm, bột được xay nhuyễn từ gạo... Xe bánh cống nhỏ nằm nép mình trên một con đường tại quận 4 (TP.HCM) chính là nơi ông nuôi dưỡng niềm đam mê "lạ kì" của mình.

Từng bị nói là "gàn dở" khi từ bỏ một công việc ổn định tại quê để bôn ba khắp mọi miền đất nước bán bánh cống, đến nay, ông Sinh vẫn chưa một lần hối hận vì quyết định của mình. 

Trước đây, ông Sinh từng làm giáo viên dạy Văn tại một trường học ở Đồng Tháp. Ngày nhỏ, ông vẫn thường rủ bạn bè đạp xe để đi thưởng thức bánh cống. Đó là loại bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh ngâm, tôm tươi... rồi ăn cùng rau sống, nước mắm chua ngọt. Cứ vậy, bánh cống đã trở thành hương vị tuổi thơ và là ước mơ lớn nhất đời ông.

Ông muốn mang nó ra khỏi quê hương, giới thiệu cho mọi người cùng biết và thưởng thức. Tính đến hiện tại, ông Sinh đã chuyển đến 13 chỗ bán, trải dài từ Bình Định, Gia Lai, Tây Nguyên, Bình Dương đến TP.HCM.

Ngày mới nghỉ việc, mọi người đều e ngại vì từ bỏ một công việc ổn định vốn không phải là điều đơn giản. Ông kể: "Lúc mới lên Gia Lai, người ta còn không biết bánh cống là gì. Mọi người ăn, thấy là lạ, hay hay, thích thú mới bắt đầu mua nhiều hơn. Thời gian đó, tôi bán cùng vợ. Tuy nhiên, mùa đông lạnh nhất của Gia Lai bắt đầu, cô ấy không chịu nổi nên đã bỏ về. Tôi cũng đi theo, rồi sau đó mới tìm chỗ bán khác".

Hiện nay, xe bánh cống của ông nằm tại TP.HCM. Để duy trì vốn, ông Sinh phải đi làm bảo vệ tại một ngân hàng. Sáng sớm, ông tất bật rửa rau xanh, ngâm đậu, giã bột để chiên những chiếc bánh vàng ươm, thơm lừng. Đến cửa hàng của ông Sinh, chúng tôi ngạc nhiên vì có bộ đồng phục bảo vệ treo sẵn. Tối đến, ông sẽ bắt đầu công việc này để mưu sinh, trang trải và có tiền gửi về cho gia đình.

Nồng nàn hương vị quê nhà

Chiếc bánh cống nho nhỏ, vàng ươm trông đẹp mắt nhưng để làm ra nó là một câu chuyện dài. Bánh phải vàng giòn từ bên ngoài, mềm từ bên trong. Một chiếc bánh cống ngon cần phải chiên với chảo ngập dầu, lửa vừa phải. Nguyên liệu sẽ bao gồm thịt, đậu, cà rốt và bột. Tôm chiên cùng phải làm tôm tươi, có thế khi nóng, nó mới giữ được độ săn chắc. 

Thông thường, ông Sinh sẽ chiên bánh trong một chiếc khay. Đợi khi bánh chín bên trong, ông gỡ bánh ra và chiên cho đến khi vàng ươm.

Mỗi buổi sáng, khi pha bột, chiên bánh, ông đều đi lại tới lui để xem mùi thơm đã tỏa ra chưa. Bánh đã giòn, ông vớt ra đĩa ngay để mọi người thưởng thức cùng rau sống, bánh tráng.

Mỗi chiếc bánh ra đời được đặt để sự tỉ mỉ, nhẫn nại của người làm. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Sinh vẫn chưa bao giờ hối hận khi từ bỏ công việc ổn định tại quê để bôn ba khắp nơi theo bánh cống.

"Mong muốn lớn nhất của tôi là được giới thiệu bánh quê hương với khách hàng. Đó là niềm tự hào, đam mê và cả cuộc sống tôi", ông Sinh nói.

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất