Nhắc tới các thánh đường Hồi Giáo nổi tiếng của vùng đất An Giang, người ta lại nhớ ngay đến Masjid Jamiul Azhar. Đây được coi là một trong những thánh đường lâu đời và đẹp nhất ở nơi đây, và trở thành biểu tượng tôn giáo của cư dân đạo Hồi sinh sống nơi đây. Bạn sẽ dễ bị thu hút hoặc bởi vẻ đẹp kiêu sa lộng lẫy của thánh đường này.
Thánh đường Masjid Jamiul Azhar thuộc địa phận xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, được xây dựng từ những năm 1959. Năm 2012, thánh đường được trùng tu mở rộng. Cho đến năm 2014, hoàn tất chỉnh sửa và khánh thành như kiến trúc mà ngày nay mọi người được nhìn ngắm. Đây được coi là một trong những thánh đường lâu đời nhất ở mảnh đất này, và trở thành biểu tượng tôn giáo của cư dân đạo Hồi sinh sống nơi đây.
Khi đến thánh đường Masjid Jamiul Azhar, điều đầu tiên đập vào mắt chính là nghĩa trang với từng hàng bia đá giản dị, khắc tên của những người đã khuất ngay trước cổng ra vào, vừa kỳ bí nhưng cũng vô cùng cuốn hút du khách muốn tham quan.
Kiến trúc nơi đây nổi bật với 2 gam màu chủ đạo là trắng và xanh ngọc, điểm nhấn với mái vòm cao, rộng của kiến trúc Hồi giáo. Biểu tượng trăng lưỡi liềm theo lối kiến trúc cổ của đạo Hồi, khiến thánh đường trông như một tuyệt tác nghệ thuật.
Khi bước vào bên trong thánh đường, du khách lại được ngỡ ngàng hơn khi được tận mắt chiêm ngưỡng lối thiết kế độc đáo của công trình bên trong. Thánh đường được thiết kế với những cột đá, sàn nhà, đèn chùm vô cùng đặc biệt, đường nét sắc sảo, không hổ danh là thánh đường Hồi giáo đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ là nơi thờ tự mà còn được sử dụng làm trung tâm giáo dục của đồng bào Chăm.
Mọi ngóc ngách của khu thánh đường, từ cổng vào, mặt trước, mặt bên hay thậm chí là bên trong thánh đường đều có thể cho ra hàng trăm tấm hình 'sống ảo' vô cùng độc lạ.
Đến Masjid Jamiul Azhar, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng khu thánh đường đẹp nhất Việt Nam mà còn có cơ hội hòa mình vào cuộc sống của đồng bào người Chăm ở Tân Châu. Trên con đường xuyên ngôi làng nhỏ, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những người bản địa mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày, nam giới mặc xà rông, nữ giới mặc abaja và quấn khăn hijab. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo của người Chăm, nơi họ lưu giữ những truyền thống từ thuở xưa cho đến tận bây giờ.
Nếu bạn là người đam mê những công trình kiến trúc mang đậm nét tôn giáo và văn hóa, thì thánh đường Masjid Jamiul Azhar là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến An Giang. Tuy nhiên đây là thánh đường, nơi tôn nghiêm, du khách lưu ý ăn mặc kín đáo và giữ trật tự khi đến tham quan.