Nói đến Tây Nguyên, người ta không chỉ nghĩ tới với vùng đất đỏ bazan hùng vĩ, cây cối bạt ngàn, thủ phủ của cà phê. Nơi đây còn là "cái nôi" của những món ăn ngon, độc đáo và lạ mắt. Trong số các món ăn ấy, phải kể đến món nhộng sâu muồng, được ví như "tôm rừng" của vùng đất cao nguyên. Nếu miền tây nổi tiếng với đuông dừa thì vùng đất Tây Nguyên có nhộng sâu muồng - món ăn không dành cho người “yếu tim”.
Theo người dân cho hay, mùa nhộng sâu muồng bắt đầu vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch, thời điểm mà Tây Nguyên nóng nhất và cũng là lúc hàng ngàn con bướm vàng bay rợp những cánh rừng muồng để đẻ trứng. Chỉ vài ngày sau, chúng nở thành những con sâu bám vào dưới các lá cây để sống.
Trước kia, cây muồng được người dân Tây Nguyên trồng quanh rẫy để chắn gió. Tuy nhiên hiện nay, người dân bắt đầu thay thế các trụ tiêu xi măng bằng các cây muồng. Vì thế, muồng được người dân trồng xen vào các vườn hồ tiêu, vườn cà phê để lấy gỗ làm trụ.
Những cây muồng cành lá xum xuê, lá non xanh mướt là nguồn thức ăn khoái khẩu của sâu muồng. Sâu muồng có thân màu vàng xanh, thoạt nhìn giống con sâu đo. Tuy nhiên, điều thú vị là loài sâu này lại lành tính, hoàn toàn vô hại, không gây ngứa hay khó chịu khi chạm vào.
Loài sâu muồng nhỏ, có lưng màu vàng, hai bên mình có sọc đen, mình trơn. Với những người Ê Đê bản địa, loài sâu muồng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Chỉ cần rảo bước quanh những gốc muồng là có thể thu về những bao sâu to đầy sụ.
Săn nhộng sâu muồng được xem là thú vui của người dân Tây Nguyên nói chung, Đăk Lăk nói riêng. Tranh thủ ban ngày hoặc trời tối lúc đi rẫy tưới tiêu, cà phê, người dân lại mang theo dụng cụ để bắt nhộng. Cây muồng thấp còn dễ bắt nhưng với thân cao vài chục mét thì người kéo cành, người cắt nhánh mới bắt được.
Để làm món nhộng sâu muồng rất đơn giản. Sâu sau khi được bắt về, bỏ thêm một ít lá cho sâu ăn, tiếp tục để chừng nửa ngày cho sâu tiến hóa thành nhộng sâu muồng. Rửa thật sạch, để chảo nóng già, phi tép hành tỏi cho thơm rồi bỏ tất cả nhộng vào xào đảo đều để tránh bị nhộng dập nát. Nêm thêm một ít muối, đường, mắm vào để vừa ăn. Để tăng thêm phần gia vị, một số nơi còn bỏ thêm một ít ớt và lá chanh thái nhỏ cho vào cùng. Người Ê Đê thường xào không để giữ lại hương vị ngọt béo đặc trưng của loài nhộng này.
Sau khi rang xong, màu của nhộng có màu vàng ươm, vỏ ngoài giòn tan, béo ngậy và vị bùi, nếu để ý kỹ bạn có thể cảm nhận được hương vị của lá cây muồng trong từng thớ thịt của nhộng. Nhộng muồng thơm và ngon hơn nhộng tằm ở chỗ ăn nhiều được mà không bị ngấy.
Ngoài là một món ăn dinh dưỡng và thơm ngon, người đồng bào Ê Đê còn truyền tai nhau về công dụng bất ngờ của món nhộng này. Nhộng sâu muồng đối với người Ê Đê còn là một phương thuốc hay để chữa bệnh sốt rét. Còn đối với những quý ông, đây là một dịp để có thể tăng cường sức khỏe, không cần phải đi xa để ra ngoài vào những ngày dịch này mà còn bổ thận tráng dương hiệu quả. Tuy nhiên thơm ngon bổ dưỡng là vậy nhưng người Tây Nguyên vẫn sẽ có lưu ý nếu ai dễ dị ứng thì không nên thử món ăn này vì nó có thể gây ngứa sau khi ăn.
Món ăn nhộng sâu muồng không chỉ là món ăn dân dã của đồng bào Ê Đê nữa mà đã trở thành niềm tự hào của Tây Nguyên, được nhiều người săn đón, ưa thích.