Ăn - Chơi - Khám phá

Lang thang Sài Gòn ngày cuối tuần thưởng thức ẩm thực hấp dẫn quên lối về

Như Khánh
Chia sẻ

Là thành phố đa văn hóa, các món ăn ngon ở Sài Gòn du nhập từ nhiều nơi như chè người Hoa, bún bò Huế hay bánh xèo miền Tây.

1. Bánh mì

Bánh mì là một trong những món gần gũi, dễ ăn và thuận tiện. Ở Sài Gòn, bánh mì có nhiều biến tấu, giúp thỏa mãn vị giác của đa dạng thực khách. Bạn có thể thử như bánh mì xíu mại, bánh mì bì, bánh mì chả cá sợi, bánh mì heo quay, bánh mì bò nướng, bánh mì gà xé.

Lang thang Sài Gòn ngày cuối tuần thưởng thức ẩm thực hấp dẫn quên lối về Ảnh 1

2. Bánh tráng trộn

Bánh tráng trộn Sài Gòn làm từ miếng bánh tráng đã được phơi sương, cắt nhỏ từng sợi. Bánh sau khi cắt sợi được trộn chung với xoài xanh bào sợi, rau răm cắt nhuyễn, muối tôm Tây Ninh và vắt nước tắc vào. Thêm vào bịch bánh tráng một chút mỡ hành được phi thật thơm với đậu phộng, tép rang để tăng hương vị. 

Lang thang Sài Gòn ngày cuối tuần thưởng thức ẩm thực hấp dẫn quên lối về Ảnh 2

Ngoài ra, món ăn này sẽ mất ngon nếu thiếu trứng cút và sợi bò khô. Tùy theo khẩu vị mà người làm sẽ cho nhiều hoặc ít sa tế.

3. Bánh xèo

Bánh xèo là món ăn phải thử khi ghé Sài Gòn. Tại thành phố giao thoa nhiều văn hóa, ẩm thực vùng miền, bánh xèo ở Sài Gòn chia thành hai loại chính bánh xèo miền Trung và bánh xèo miền Tây. 

Lang thang Sài Gòn ngày cuối tuần thưởng thức ẩm thực hấp dẫn quên lối về Ảnh 3

Bánh xèo miền Trung là loại nhỏ đường kính chưa đến một gang tay, phần nhân có đậu xanh, giá đỗ kết hợp với một số hải sản hoặc thịt heo. Bánh xèo miền Tây kích thước lớn, phần nhân có tôm, thịt ba chỉ, giá đỗ và đậu xanh. Một số tiệm bánh xèo miền Trung còn phục vụ loại vỏ mỏng, không nước cốt dừa và bột nghệ nên vỏ có màu trắng sữa.

4. Bún bò

Bún bò Huế từng được đầu bếp lừng danh Anthony Bourdain công nhận là một trong những món ăn ngon nhất thế giới. Tô bún hấp dẫn với vị nước lèo đậm đà, cay, bên trong là thịt bò kèm giò heo, rau tươi. Bún bò theo chân người Huế vào Sài Gòn, trong quá trình du nhập đã hình thành ba kiểu phổ biến. Kiểu thứ nhất là tô bún nhiều thịt, nhiều chả, trông đầy đặn hơn ở Huế, nước dùng có vị ngọt của đường, làm giảm mùi nồng của mắm ruốc.

Lang thang Sài Gòn ngày cuối tuần thưởng thức ẩm thực hấp dẫn quên lối về Ảnh 4

Kiểu thứ hai giữ nguyên vị món ăn gốc ở Huế, nước dùng đậm vị sả, mắm ruốc. Còn một kiểu bún bò nữa thường không có hoặc bỏ ít mắm ruốc, nước dùng trong. Topping là giò lụa cắt khoanh, thịt bò, giò heo miếng lớn.

5. Cơm tấm

Cơm tấm là món ăn quen thuộc với bao thế hệ người dân ở Sài Gòn. Bạn có thể ăn cơm tấm vào điểm tâm, buổi trưa hay tối đều được. Một đĩa cơm tấm ngon sẽ gồm một chút cơm hạt nhỏ, khô, thêm vài lát dưa leo, đồ chua và phía trên là miếng sườn nướng, bì, chả. 

Lang thang Sài Gòn ngày cuối tuần thưởng thức ẩm thực hấp dẫn quên lối về Ảnh 5

Cơm tấm ở Sài Gòn cũng có đủ mức giá, món ăn bình dân này đi từ vỉa hè vào đến nhà hàng hạng sang. Linh hồn của món ăn này phải kể đến phần nước mắm ngọt, sánh kẹo. Thực khách chan nước mắm thấm đẫm phần cơm nóng hổi, ăn cùng các topping gọi kèm. Một phần cơm tấm cơ bản như món cơm tấm sườn trứng có giá dao động 40.000-45.000 đồng. Tùy vào lượng cơm, kích cỡ miếng sườn, số lượng topping gọi thêm mà giá phần cơm khác nhau.

6. Ốc

Khác với Hà Nội, Sài Gòn không chỉ có món ốc vặn, ốc nhồi luộc chấm mắm ớt gừng mà còn có nhiều loại khác như ốc hương, ốc giác, ốc cà na. Mỗi loại ốc cũng có cách chế biến món ốc phong phú như hấp, luộc, xào, chiên, rang, nướng mọi, sốt trứng muối, sốt me.

Lang thang Sài Gòn ngày cuối tuần thưởng thức ẩm thực hấp dẫn quên lối về Ảnh 6

Ngoài ốc, có nhiều loại hải sản khác cho thực khách thưởng thức như các loại sò, cua, ghẹ, tôm, mực.

7. Phở

Lịch sử của phở có thể bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20 ở các tỉnh miền Bắc với Hà Nội được cho là nơi đầu tiên xuất hiện món ăn này. Phở du nhập vào Sài Gòn, dần trở thành món ăn quen thuộc với người dân và du khách nơi đây. Các hàng phở ở Sài Gòn chia thành hai trường phái phở Nam và phở Bắc. 

Lang thang Sài Gòn ngày cuối tuần thưởng thức ẩm thực hấp dẫn quên lối về Ảnh 7

Các tiệm phở gốc Bắc có nước dùng nhạt, trong, thanh và ít ngọt. Phở Bắc chú trọng vào hương vị tự nhiên, do đó chất lượng thịt bò tươi ngon là điểm nhấn. Phở Nam thường ngọt và đậm đà hơn. Nước dùng sẫm màu hơn do có thêm hành tím nướng và nhiều gia vị kết hợp. Phở Nam thường dùng kèm giá đỗ, rau sống, hành tây thái lát, tỏi và nước tương.

Chia sẻ

Bài viết

Như Khánh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất