Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Ẩm thực mua sắm

Đặc sản Hưng Yên có hình thù lạ, xưa ít ai ăn giờ được ưa chuộng

Vài năm trở lại đây, đặc sản này được người dân ở các tỉnh thành ưa chuộng nhiều.

Bánh tẻ (hay còn gọi là bánh răng bừa) là đặc sản nổi tiếng của người dân xã Phụng Công (Văn Giang). Cứ giáp Tết Nguyên đán, các gia đình làm nghề ở đây lại tất bật sản xuất bánh để đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Bánh tẻ có lớp vỏ bột gạo mềm dẻo bọc lấy nhân thịt, hành, mộc nhĩ giòn thơm. Nhưng để thợ cho ra lò một mẻ bánh không phải dễ, trải qua nhiều công đoạn khác nhau. 

Đặc sản Hưng Yên có hình thù lạ, xưa ít ai ăn giờ được ưa chuộng Ảnh 1
Bánh tẻ có lớp vỏ bột gạo mềm dẻo bọc lấy nhân thịt, hành, mộc nhĩ giòn thơm

Người dân Phụng Công cho biết, bánh tẻ được làm từ những nguyên liệu đơn giản như: gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, lá dong. "Thợ sẽ chọn loại gạo tẻ dẻo, thơm, ngâm trong nước lạnh khoảng 1 giờ rồi đem xay với nước vôi trong. 

Bột ráo, họ sẽ chuyển qua khâu quan trọng nhất - đó là pha lượng nước và bột vừa phải. Tiếp đó, họ bắc lên bếp để lửa nhỏ và luôn tay khuấy đều để bột không bị vón cục cho đến lúc bột đủ độ dẻo", chị Lan (30 tuổi) - người dân xã Phụng Công cho biết. 

Cũng theo người phụ nữ, lá gói bánh tẻ phải là lá dong trồng ở vùng đất bãi phù sa xã Đông Kết (Khoái Châu). Nó mềm, dai. Sau đó họ chuẩn bị nhân bánh gồm: thịt lợn thái nhỏ trộn với hành khô, mộc nhĩ và nêm các gia vị như hạt tiêu, muối vừa phải rồi đem xào chín. 

Đặc sản Hưng Yên có hình thù lạ, xưa ít ai ăn giờ được ưa chuộng Ảnh 2
Bánh tể được làm khá công phu với nhiều công đoạn khác nhau

"Khác với các loại bánh khác, bánh tẻ khi gói đòi hỏi người thợ phải khéo tay, bột phết đều, gọn trong lòng lá, nhân đặt chính giữa. 

Bánh gói xong giống hệt cái răng bừa, ở giữa phình ra, hai đầu nhỏ lại. Vì thế từ nhỏ chúng mình đều đùa nhau rằng, đã là con em Phụng Công thì ai cũng phải biết... bừa", chị Lan nói. 

Bánh sau khi gói xong sẽ được đem đi luộc nước sôi. Chừng 15-20 phút sau, bánh chín toả ra hương thơm ngào ngạt đậm chất vùng quê. Khi đó, nó sẽ có màu trong pha chút xanh của lá dong, bóng đẹp, vị giòn, dai ngon, nhân dậy mùi thơm. 

Đặc sản Hưng Yên có hình thù lạ, xưa ít ai ăn giờ được ưa chuộng Ảnh 3
Đặc sản này xuất hiện tại các mâm cỗ, mâm cơm trong ngày Tết của người Phụng Công

"Xưa người dân quê mình chủ yếu sản xuất bánh tẻ phục vụ những địa phương lân cận. Nó xuất hiện trong các mâm cỗ, ngày Tết cổ truyền. 

Vài năm trở lại đây, nó được người dân ở các tỉnh thành ưa chuộng nhiều. Người ta coi chúng như một thức quà quê hoặc thứ quà ăn vặt vào buổi sáng", chị Lan nói. 

Hiện tại, người dân sản xuất bánh tẻ với số lượng lên tới hàng nghìn chiếc/ngày, xuất đi khắp mọi nơi ở khu vực phía Bắc. Chị Lan cho biết, gia đỉnh chị làm chừng 500 - 700 chiếc/ngày. Riêng Tết, nhà chị nấu khoảng 3.000 – 4.000 chiếc, giá bán từ 3.000 -  4.000 đồng/chiếc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khai Tâm

Được quan tâm

Tin mới nhất
Megan Fox khoe bầu với váy mỏng dính
Cuộc sống của ca sĩ Lê Hiếu ở tuổi 40