Từ khi ”tái xuất” và thay đổi hình ảnh mạnh mẽ, Biti's đã để lại trong lòng công chúng những dấu ấn đẹp, đặc biệt là với giới trẻ, khi liên tục ”chiều chuộng” phân khúc khách hàng này bằng cách thực hiện những chiến dịch liên quan đến du lịch, dịch chuyển và trải nghiệm của thanh xuân.
Theo đà thành công, mới đây, Biti's lại tiếp tục cho ra mắt phim ngắn “Chuyến đi của thanh xuân”. Phim kể về một chuyến đi Đà Lạt của nhóm bạn thân với nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng đáng tiếc, phim ngắn này đã gây ra những hiệu ứng tiêu cực trong cộng đồng mạng với chi tiết: Bôi sơn lên đế giày rồi ”để lại dấu ấn” ở mỗi nơi nhóm bạn trẻ này đi qua cùng những chi tiết nhỏ nhặt khác.
Hình ảnh nhóm bạn trẻ bôi sơn lên giày, rồi in vết giày lên những bậc thang ở nhà văn hoá thiếu nhi, sàn gạch gần biểu tượng Atiso cạnh hồ Xuân Hương, hay những vết sơn in lại trên cây thông ở Đà Lạt…thật sự gây tranh cãi. Một số người cho rằng hành động như vậy sẽ ảnh hưởng xấu tới giới trẻ và đặc biệt là fan hâm mộ khi họ cũng học cách check-in tương tự như vậy. Điều này sẽ đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn khi một số bạn trẻ không ý thức được hành vi của mình, dẫn đến phá hoại cảnh quan tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt.
Ở một diễn biến khác, cuối phim xuất hiện có hình ảnh các bạn trẻ đang thu dọn, lau chùi lại những vết sơn mình đã bôi lên những bậc thang. Biti’s cũng đã lên tiếng xin lỗi và công bố hậu trường ghi lại hình ảnh những diễn viên, ca sĩ đã ở lại, lau chùi sạch những vết sơn. Tuy nhiên, một đoạn ngắn khoảng vài giây như vậy đã đủ để giúp những người xem hiểu được ý đồ họ muốn truyền tải? Liệu rằng sơn có dễ dàng được lau chùi đi bởi nước?
Đà Lạt đã được ưu ái xuất hiện trong rất nhiều những bộ phim hay MV của các ca sĩ. Gần đây nhất và nổi tiếng nhất là hình ảnh hùng vĩ của “cổng trời” tại chùa Linh Quy Pháp Ẩn, Bảo Lộc, Lâm Đồng xuất hiện trong MV của Sơn Tùng M-TP. Ngay sau khi được công bố, ngôi chùa đã trở nên nổi tiếng, đón tiếp hàng nghìn bạn trẻ đến chùa để chụp ảnh và check-in giống thần tượng của mình. Vô hình trung, điều này đã biến ngôi chùa cổ kính, uy nghiêm thành một cái “chợ” theo đúng nghĩa. Hình ảnh sư thầy phải đi dọn rác mà các bạn bỏ lại ở chùa đã gây nên bức xúc đối với nhiều người.
Và những hình ảnh xấu xí như thế không còn lạ lẫm với nhiều người, nó đã trở nên quá quen thuộc sau mỗi đợt nghỉ lễ, các bạn trẻ “càn quét” hay “đi phượt” trên những cung đường Tây Bắc, Sa Pa, hay Đà Lạt, Hội An. Câu chuyện “bôi bẩn” Đà Lạt trong phim ngắn của Biti’s chính là cảnh báo về văn hoá du lịch của các bạn trẻ hiện nay. Có lẽ giới trẻ, những người ham trải nghiệm mới lạ, cần nghiêm túc nhìn lại ý thức của mình khi đi du lịch.
Từ vụ việc của Biti's, hãy cùng nhìn lại những nét “xấu xí” khi đi du lịch của giới trẻ hiện nay.
Xả rác bừa bãi
Sau mỗi đợt nghỉ lễ lớn như Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc tế Lao động, Quốc khánh hay nghỉ Tết, những tụ điểm du lịch nổi tiếng đều tự động biến thành những bãi rác ngổn ngang, lẫn lộn túi ni lông, vỏ bánh, kẹo, chai nhựa hay thậm chí là lọ thuỷ tinh. Các bạn trẻ quá ”bận rộn” để trải nghiệm, quá bận rộn tìm những góc chụp ảnh thật đẹp,. Bận đến nỗi, các bạn chỉ có thể chụp ảnh và bỏ đi, để lại phía sau lưng các bạn là những đống rác lớn nhỏ ngổn ngang.
Liệu các bạn đã từng đặt ra câu hỏi “Ai sẽ người dọn dẹp đống rác đó?” hay “Nếu ai đi qua cũng vứt rác bừa bãi và không hề dọn dẹp như vậy, liệu những ngọn núi hùng vĩ, những con suối trong lành hay những điểm du lịch sẽ biến thành cái gì?” không?
Chụp ảnh check-in mọi lúc, mọi nơi
Không thể phủ nhận rằng chụp ảnh là một cách để lưu giữ lại kỷ niệm tốt nhất, thế nhưng, cùng một góc, một chỗ, chụp đến vài trăm kiểu tự sướng; hay bất cứ góc nào, bất cứ cảnh nào cũng chụp lại; hoặc trước khi bắt đầu thưởng thức món ăn, cũng phải dành rất nhiều thời gian chụp ảnh, căn chỉnh góc của đồ ăn sao cho bức ảnh lên thật sang và hấp dẫn nhất có thể. Chưa kể đến, những bức ảnh đều cần phải được đăng lên mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Zalo cùng rất nhiều những địa điểm check-in nổi tiếng - đã trở thành một hành động khá ”ngứa mắt”.
Mải mê chụp ảnh tự sướng, check-in còn khiến các bạn trẻ bây giờ lãng quên mất giá trị thật sự của đi du lịch. Đi du lịch không chỉ có chụp ảnh, đi du lịch còn đồng nghĩa với việc dành thời gian để thư giãn, tận hưởng không khí trong lành xung quanh, ngắm nhìn quang cảnh mây núi hùng vĩ trước mặt. Du lịch tức là trải nghiệm, là dành nhiều thời gian hiểu bản sắc văn hoá những nơi mình đến…, chứ không phải check-in một cái cho người ta biết mình đã từng đến đây rồi thôi.
Đi “khám” đồng thời cũng “phá”
Hình ảnh bôi sơn khắp Đà Lạt trong đoạn phim quảng bá của Biti’s chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh toàn diện của câu chuyện đi du lịch, vừa khám vừa “phá”. Tiệm bánh Cối Xay Gió ở Đà Lạt với bức tường vàng đã là địa điểm check-in ưa thích của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng không biết bao nhiêu lần, chủ quán phải sơn lại bức tường vì ý thức của các bạn trẻ, chụp ảnh xong còn muốn “lưu lại” dấu ấn của riêng mình trên bức tường.
Hay những lần lên Mộc Châu, Sơn La ngắm hoa ban, hoa mai nở, các bạn trẻ không quên hái thêm vài cành hoa mang về nhà hoặc chỉ đơn giản là để chụp ảnh rồi lại vứt bỏ ngay trên đường. Hoặc phổ biến nhất là dùng bút xóa, sơn, gạch… ghi tên mình lên bất kỳ nơi nào mình đi qua. Điều này đã khiến cảnh quan trở nên xấu xí vô cùng và khiến người ta chỉ biết ngán ngẩm.
Liều lĩnh một cách không thông minh
Trong phim ngắn của Biti's, có một phân cảnh nhóm bạn trẻ đã ngang nhiên đi vào một nơi có biển cấm “Không phận sự miễn vào”. Và hành động đó cũng thể hiện một tính xấu khác khi đi du lịch của bạn trẻ hiện nay: Hành động liều lĩnh bất chấp hậu quả.
Đúng là tuổi trẻ có quyền làm những việc điên rồ, những chuyện thật đặc biệt, để sau này có thể nhớ lại hai từ “thanh xuân” và thấy tự hào. Nhưng điên rồ hay liều lĩnh chạy vào khu cấm, chui qua những hàng rào cảnh báo nguy hiểm khi đi du lịch không phải là “chuyện thật đặc biệt”, mà là chuyện dại dột. Thêm vào đó, kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã hay kỹ năng cấp cứu cơ bản thì không phải ai cũng biết.
Ham du lịch giá rẻ
Hình ảnh các bạn trẻ đi du lịch phượt, ngủ la liệt trên đường cao tốc trên cung đường lên Tây Bắc đã đặt ra câu hỏi “Liệu các bạn có ý thức được sự nguy hiểm trong hành động của mình?”. Đánh cược mạng sống chỉ vì muốn đi du lịch giá rẻ, thậm chí một số còn tin tưởng vào những câu khuyến khích như đi phượt với 0 đồng, đi du lịch không tính toán kỹ hay những chuyến đi bộc phát, theo phong trào đã để lại những hình ảnh vô cùng xấu xí trên mạng.
Hãy như mới đây, có lẽ mọi người chưa quên câu chuyện một đoàn phượt thủ dừng chân tại một quán cà phê ở Cà Mau, và kì kèo, mặc cả từng đồng, hay thậm chí bắt bẻ một cách phi lý với chủ quán cà phê. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, khi một bạn trong nhóm còn lên mạng và kể lại câu chuyện xấu xí của mình một cách sai thật. Điều này đã gây nên giận dữ trong cộng đồng mạng, và cảnh báo về ý thức ”phượt giá rẻ” cũng như văn hoá du lịch của một số bạn trẻ.
Kết
Tuổi trẻ nghĩa là còn đủ sức để gánh vác cả cơ thể; đủ liều lĩnh để có thể thử thách bản thân bằng những trải nghiệm mới lạ như leo núi, phượt; đủ ngông cuồng để có thể dám bỏ lại bộn bề công việc và học tập; cũng đủ thời gian và cơ hội để đi du lịch cùng nhau. Tuy nhiên, giá trị thật sự của du lịch có còn tồn tại nguyên vẹn trong giới trẻ hiện nay? Bằng những hành vi xả rác, phá hoại môi trường như hiện nay, liệu những tụ điểm du lịch còn tồn tại được bao lâu nữa?
Trải nghiệm không sai, nhưng trải nghiệm để lại rác và những hình ảnh xấu xí như vậy thì có lẽ giới trẻ nên nghĩ lại cách đi du lịch của chính mình, cũng như đừng quên đi giá trị thật sự của chuyện đi du lịch. Du lịch không phải đi phong trào, là check-in cho đủ để khoe khắp mạng xã hội. Du lịch, cho dù là đi phượt, đi du lịch bụi hay đi du lịch tour, cũng đều là dịp hiếm có để mở mang trí thức và hiểu biết không chỉ về địa lý, văn hoá mà còn cả con người, và văn hoá tập tục của những nơi mình đi qua. Và hãy nhớ ”Du lịch là khoản đầu tư vô cùng đáng giá mà bất cứ độ tuổi nào cũng nên đầu tư”.