Nếu là người am hiểu về Sài Gòn, bạn hẳn cũng không thể không biết đến những xe hủ tiếu gõ vẫn luôn âm thầm tồn tại trong từng góc đường, ngõ hẻm nhỏ. Mì gõ, hủ tiếu gõ dù nhỏ bé nhưng lại là nét đẹp bình dân, giản dị nhất của thành phô này trong màn đêm.
Có mặt trên những con phố từ trước những năm 1975, thời đó, tiếng rao “xực tắc, xực tắc” cùng hình ảnh cậu bé cầm hai thanh tre dày gõ vào nhau tạo thành tiếng lốc cốc đêm nào cũng vang vọng trong đêm yên tĩnh. Từ đó tiếng gõ quen thuộc nơi góc phố lại là cội nguồn cho những xe mì gõ, hủ tiếu gõ dần xuất hiện rộng rãi tại Sài Gòn.
Một món ăn tưởng đâu đậm chất Sài Gòn là thế nhưng mấy ai ngờ rằng, những chiếc xe mì gõ, hủ tiếu gõ ban đầu là do những người gốc Quảng Ngãi mang vào Nam để khởi nghiệp. Trong dòng người đổ về thành phố phát triển nhất này để mưu sinh, họ đã mang món ăn giản dị mộc mạc của mình đến chinh phục người Sài Gòn vốn niềm nở và dễ dung nạp cái mới.
Chỉ đơn giản là một chiếc xe đẩy, một chiếc lò bắc lên cùng nồi nước lèo luôn bốc khói nóng hổi, trong xe có thêm vài ngăn để tô, muỗng đũa, rau hành và gia vị. Hủ tiếu gõ có giá rất rẻ, thế nên dù miếng thịt có được cắt mỏng tang đến mức mọi người hay đùa nhau là “quăng vào tường nó dính luôn trên đó”, còn hủ tiếu độn thêm lớp giá phía dưới cho đầy đặn như “đánh lừa” thị giác người ăn, nhưng món ăn vẫn được giới lao động ưa chuộng đầy vui vẻ. Những công nhân tan làm về muộn đói thì cứ tạt qua làm tô mì, tô hủ tiếu là đã ấm bụng cho một đêm dài. Các cô cậu sinh viên thì lại là “mối ruột” của những hàng hủ tiếu bởi giá hợp với túi tiền mà ăn lại còn vừa miệng.
Tuy đơn sơ và giá rẻ nhưng một tô hủ tiếu gõ lúc nào cũng đầy đủ mọi thành phần nguyên liệu. Thịt heo, bò viên, xương hay còn gọi là xí quách sắp xếp gọn gàng trên vắt hủ tiếu, mì sao cho cân đối trong bát. Và lẽ dĩ nhiên, cũng giống như các món nước khác, linh hồn của một tô hủ tiếu chính là hương vị của nước lèo. Nước lèo có độ ngon, ngọt tự nhiên nhất là khi được hầm từ xương và rau củ, tuỳ theo khẩu vị mỗi hàng quán mà gia giảm gia vị sao cho hợp lí. Trong tô hủ tiếu lại còn hài hoà mỗi nguyên liệu một chút ít nhưng vô cùng ăn ý để tạo ra cái lạ, cái ngon khác biệt. Sợi hủ tiếu trắng mịn thơm mùi bột gạo còn mới, cắn dai dai đã miệng, vừa kéo hủ tiếu vừa húp xì xụp những muỗng nước súp nóng hổi mà toát mồ hôi. Người bán còn hào sảng cho thêm thật nhiều hành hẹ thái nhỏ rải đều thêm sắc xanh, lại còn bỏ thêm tiêu cho dậy hết cái mùi thơm.
Thường thì vào khoảng 5 giờ chiều thì những chiếc xe hủ tiếu bắt đầu cọc cạch dọn một vài chiếc bàn nhựa nép vào một góc đường và phục vụ cho đến tận 1-2 giờ khuya hôm sau. Dường như, hủ tiếu gõ là một đại diện tiêu biểu nhất cho ẩm thực Sài Gòn về đêm. Hình ảnh những chiếc xe hủ tiếu đơn sơ bằng gỗ, được dọn ra nhanh nhẹn với thùng nước lèo tỏa khói trắng bốc lên nghi ngút ở các góc hẻm, bên cạnh xí nghiệp, trường học, hay tiếng gõ “lốc cốc” cứ bất chợt xuất hiện bên tai đã trở nên quen thuộc với nhiều người Sài Gòn suốt hàng chục năm qua.
Đối với những người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, hủ tiếu gõ dường như trở thành một phần trong kí ức tuổi thơ của họ. Mặc dù nói là món ăn dành cho tầng lớp bình dân, nhưng hương vị mộc mạc cùng cái giản dị ấm cúng mà mỗi tô hủ tiếu mang lại đều khiến cho thực khách nào cũng phải một lần thử để cùng hoà mình trong ẩm thực Sài Gòn về đêm.
Từ ban đầu, chỉ với vài miếng thịt luộc mỏng, hủ tiếu gõ ngày nay dần được nâng cấp và thêm thắt hương vị hơn với nào là móng heo, giò heo, xương,… cho người ăn nhiều sự lựa chọn chẳng thua gì một hàng quán. Hiện nay, giá của mỗi tô hủ tiếu hay mì cũng xê dịch từ 15.000 đến 20.000 đồng, giá chỉ tương đương một ổ bánh mì mà lại dễ ăn hơn vì có thêm tô nước lèo húp xì xụp, đỡ khô khan.