Món bánh mì giòn rụm bên ngoài, mềm thơm bên trong với đủ thứ loại nhân từ lâu được coi là món ăn đặc trưng của Việt Nam.
Đối với khách du lịch, đến Việt Nam không thể bỏ qua bánh mì bởi đây món ăn này có mặt trong top 10 món sandwich ngon nhất thế giới, từng được đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Michael Bourdain ví von như một bản giao hưởng nhằm mô tả sự hòa quyện tuyệt vời của các thành phần khác nhau trong đó.
Bánh mì chả nức danh phố Lê Đại Hành.
Ở Hà Nội, mỗi buổi sáng, trên khắp các con phố, những tủ kính bánh mì lại được bày ra với đủ thứ loại: bánh mì trứng, bánh mì pate, bánh mì xúc xích,… có nhiều cửa hàng còn thêm bánh mì chả cho đa dạng. Thế nhưng ít có quầy hàng nào bánh bánh mì chuyên chả bởi đó không phải là sự lựa chọn của nhiều người. Song vẫn có một hàng bánh mì chỉ kẹp chả nhưng lại vô cùng đông khách từ hàng chục năm nay - quán bánh mì chuyên chả ở phố Lê Đại Hành.
Nghệ thuật làm bánh mì chả trứ danh trên phố Lê Đại Hành
Dân công sở quanh khu vực Lê Đại Hành hẳn chẳng còn xa lạ với món bánh mì chả, bánh giầy chả hấp dẫn của chú Lê Văn Dũng. Thậm chí có thể nói không ngoa chính nhờ bánh mì mà giò, chả của cửa hàng được biết đến nhiều hơn.
Quán bánh mì ở đây hơi khiêm nhường, nằm lui vào con ngõ nhỏ trên phố Lê Đại Hành thế nhưng mọi người không khó có thể tìm thấy.
Tuy quán chủ yếu bán cho khách mua mang về nhưng vẫn có khoảng không gian bên trong với 3 chiếc bàn khá sạch sẽ để phục vụ người đến ăn. Ở đây bán đủ món ăn liên quan đến giò chả, mọi người có thể mua giò, chả, chả cốm,… về ăn với cơm hoặc có thể mua bánh giầy kẹp chả, xôi chả và đặc biệt bánh mì chả - món ăn yêu thích của nhiều người khi ghé qua đây.
Với nhiều cửa hàng bán bánh mì sẽ có chiếc bếp nướng để bánh mì nóng, giòn, thơm ngon thế nhưng quán bánh mì chả này lại không có chiếc bếp “thần thánh” ấy. Bánh mì ở đây “bán đến đâu nhập đến đấy” nên luôn giòn, thơm, ấm nóng.
Chả được coi là món đặc sắc nhất của quán được nhiều người yêu thích bởi chả luôn mới, thơm, ngọt, chắc thịt, chuẩn vị và không béo ngậy. Miếng chả to, mềm, mịn, dài và dày luôn được giữ nóng trong một chiếc thúng rồi được người bán cắt cho vào bánh mì khi khách đến mua.
Có lẽ việc giữ chả nóng là công đoạn kỳ công nhất nên “nghi lễ” kẹp chả bánh mì luôn phải “nhanh thoăn thoát” để khi cất miếng chả vào thúng, trên thớt vẫn còn hơi nóng vấn vương.
Chính vì vậy, bánh mì chả ở đây đến tay thực khách luôn nóng và ngậy. Chả hơi đậm đà hơn bình thường để không cần nêm thêm gia vị. Vị chả và bánh rất hài hòa với nhau.
Đặc biệt, chiếc bánh mì chả trứ danh đầy ụ nhân giò, chả và su hào, cà rốt, đu đủ muối vừa miệng khiến cho người ta phải say đắm, tận hưởng hương vị trong vòng “một nốt nhạc”.
Ngoài chả làm nhân bánh mì, điều mà nhiều thực khách công nhận sự khác biệt của bánh mì ở đây chính là nước sốt béo béo, ngậy ngậy giống như mayonnaise nhưng lại thơm mùi trứng gà kết hợp với rau nộm khiến người ta phải vừa ăn vừa xuýt xoa.
Tuy bánh mì hơi khô nhưng ăn kèm với chả và nước sốt lại quyện với nhau tạo nên sự hoàn hảo trong chiếc bánh đúng như vị đầu bếp người Mỹ Anthony ví von như một bản giao hưởng.
Nghĩ ra món bánh mì chả sau một lần mua bánh mì cho con gái
Hơn chục năm nay, quán bánh mì chả của chú Lê Văn Dũng (56 tuổi) trên con phố Lê Đại Hành này vẫn nườm nượp khách ghé từ sáng đến tối. Chú Dũng bảo, gia đình chú bán giò chả 15 năm nay, bán bánh mì chả hơn chục năm nay. Trước đây, chú học kế toán nhưng đi làm xây dựng và “dòng đời xô đẩy” gắn bó với nghề hàng ăn đã hơn 15 năm nay.
Thời gian đầu làm nghề, chú gặp khá nhiều khó khăn bởi việc bán giò chả không đủ đảm bảo thu nhập, trang trải cuộc sống mỗi ngày.
Để có được thành công và được thực khách đón nhận như ngày hôm nay, chú Dũng cho biết, đó là một hành trình đầy gian nan và đã từng “đánh đổi” không biết bao nhiêu mẻ giò, chả hỏng.
“Thời điểm đầu, tôi làm hỏng mấy chục cân giò, chả phải cho vào bao tải mang đi đổ xa khu vực mình ở không sợ người ta phát hiện, ngại.
Mặc dù đã khắc phục được nhưng chất lượng giò vẫn chưa đẩy được lên. Mọi người mách chỗ nào ăn ngon tôi lại đến đó mua ăn thử để cảm nhận, xem điểm nào mình kém rồi tìm hướng giải quyết.
Mày mò mãi, tôi mới rút ra kinh nghiệm và thấy nó đơn giản rồi sau đó vượt cấp người ta. Thế nhưng đó cũng là cả một quá trình, không chỉ thay đổi nguyên liệu thịt, cách luộc, thời gian luộc, nước mắm tôi cũng tìm hiểu sau mỗi lần đi du lịch, đến những vùng làm nước mắm cốt đặt về thử”, chú Dũng chia sẻ.
Nói về món bánh mì chả trứ danh, chú Dũng cho biết, những sáng tạo, sự khác biệt trong chiếc bánh mì chả hôm nay của chú bắt đầu sau một lần đi mua bánh mì doner kebab cho con gái.
“Bán giò chả không đảm bảo cuộc sống nên tôi bán thêm bánh mì nhưng cũng chỉ lác đác được 15-20 chiếc. Tôi tìm hiểu và sau một lần mua bánh mì cho con gái về ăn ngon, tôi đã bắt chước làm. Mới đầu làm ai cũng chê.
Thời gian đầu, tôi cho rau bắp cải như họ để bánh mì đỡ khô nhưng rau để lâu nhanh bị nhũn, hỏng rất lãng phí. Tôi nghĩ mãi và làm đu đủ gia giảm giấm, muối hợp lý để được cả ngày không sao.
Nước sốt ngon được mọi người khen cũng là cả quá trình. Trước đây, nước sốt chỉ ăn với salad, tôi nghĩ nước sốt cho vào bánh mì sẽ ngon nhưng thời điểm đó nước sốt bán siêu thị đắt lắm. Tôi mua về cho thêm vào bánh phải tăng giá lên chút.
Về sau, tôi đi tìm hiểu, học một khóa làm nước sốt lấy lòng đỏ trứng gà, chanh, dầu ăn,… cho vào máy đánh trứng đánh cho bông lên theo bí quyết của mình. Không ngờ ngon được mọi người đón nhận, giá thành từ đó cũng giảm hơn”, chú Dũng cho biết.
Hiện nay mỗi ngày cửa hàng của chú bán được hơn 1 nghìn chiếc bánh mì chả/ngày. Ngoài tạo sự đặc biệt trong nước sốt, chú Dũng còn nghiên cứu cách để ủ chả luôn ấm nóng đến với thực khách. Chính bởi vậy, chả của cửa hàng chú luôn mềm, đậm đà, thơm, có vị ngon khác biệt và luôn là món ăn được nhiều người ưa chuộng, “ăn một lần là nhớ”. Đối với chú, thành công này là nhờ đam mê, niềm yêu thích hơn chục năm qua để tạo sự khác biệt ngày hôm nay.