Chợ Tân Định ngày trước được xem như một nơi phồn hoa của những người Sài Gòn giàu có vì giá cả hàng hóa cũng như chất lượng có phần nhỉnh hơn những nơi khác, vậy nên có những người còn gọi chợ này với cái tên là chợ nhà giàu. Những mặt hàng buôn bán ở đây rất đa dạng, hầu như không thiếu bất cứ thứ gì từ vải vóc, quần áo, phụ kiện đến những món ăn và lương khô vô cùng phong phú, không hề thiếu bất cứ một mặt hàng nào.
Nói về sự đa dạng, chắc chắn sẽ là một thiếu sót nếu không đề cập đến khu ẩm thực nổi trội chiếm trọn phần mặt tiền của khu chợ. Những ai đi ngang qua mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cầu nhất định sẽ vừa cảm thấy choáng ngợp, vừa thấy bối rối với các biển hiệu của sạp thức ăn nằm san sát lẫn nhau. Món ăn đầy đủ từ món nước đến món khô, hủ tiếu, phở, mì, bún các loại đều có đủ. Cơm sườn, súp cua, gỏi cuốn hay các loại bánh Huế cũng không hề thiếu.
Bạn thức dậy và đi dọc ra chợ như đọc một cuốn thực đơn, phân vân lật mãi trang này đến trang khác vẫn không biết ăn món gì vì món nào cũng có, giá cả cũng không hề chênh lệch nhau nhiều, từ 10.000 đồng đến 40.000 đồng cho mỗi món ăn, không khó để tìm cho mình một bữa ăn chất lượng ở chợ Tân Định.
Tuy nhiên, có hai hàng quán mà cứ đến chợ Tân Định là người ta lại ghé vào dành một chút để thử, một phần vì chất lượng của món ăn, một phần vì phong cách phục vụ niềm nở, lúc nào cũng thân thiện cởi mở rất Sài Gòn.
Xe mì Giang Lâm Ký - Mì Chú Cẩu
Xe mì Giang Lâm Ký, hay còn được biết đến rộng rãi với cái tên thân mật hơn - Mì Chú Cẩu - là một trong những xe mì có thâm niên cao bậc nhất Sài Gòn, đã hơn 70 năm kể từ những ngày đầu tiên họ làm ra tô mì hoành thánh nổi tiếng. Đây cũng là một trong những chiếc xe mì hiếm hoi vẫn còn giữ được những nét hoa văn của người Hoa trên mảnh đất Sài Gòn.
Xe mì giữ một ví trí khá khiêm tốn ngay tại lối ra vào chợ, rất dễ thấy. Xe mì nhỏ, chỉ vừa đủ cho 5 đến 6 người ngồi xung quanh nhưng luôn được lau dọn sạch sẽ, gọn gàng. Mì Chú Cẩu bán các loại mì, hủ tiếu và hoành thánh, nhân tôm, gan, cật, thịt, trứng đúng vị, còn có cả bánh tôm chiên giòn ăn kèm, rất vui miệng. Nước dùng mang vị ngọt thanh, không bị ngọt quá nhiều do gia vị như bột ngọt hay đường mà vị ngọt được tiết ra từ xương hầm trong khoảng thời gian dài.
Các loại rau sống và giá ăn cùng được chần kỹ, nước lèo có phần hơi nhạt, thực khách có thể nêm thêm cho phù hợp với khẩu vị. Sợi mì ở đây cũng khá dai và tươi, tuy tọa lạc tại một địa điểm nhỏ ở quận 1 nhưng chắc chắn sẽ cảm thấy như mình đang ăn một tô hủ tiếu mì ở khu người Hoa thật sự. Giá cả cũng ở mức trung bình, phù hợp với chất lượng món ăn, dao động từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng.
Hơn nữa, một trong những lý do khiến xe mì này trở nên nổi tiếng và luôn giữ được lượng khách ra vào ổn định chính là vì thái độ bán cực kì niềm nở của người chủ. Anh rất vui vẻ chào mời khách và hiếm khi có thái độ khó chịu ngay cả khi khách đông hay gọi món nhiều lần. Hương vị gần gũi, phong cách bán hàng vui vẻ, giá cả phải chăng như vậy, không ngạc nhiên vì sao xe mì này đã tồn tại được qua vài thập kỉ.
Chè Bà Mười
Những hàng quán bán đồ ngọt thường ít khi nào mở sớm như hàng chè của Bà Mười. Mỗi ngày đều đặn từ 7h sáng, các nồi chè nóng hổi nghi ngút khói đã được bà xếp gọn ghẽ ngay tại sạp của mình. Vừa có nhiều loại chè, vừa bán các loại xôi, và cả cơm rượu cũng có. Giá của mỗi loại chè là 10.000 đồng, chất lượng rất đáng để thử. Được biết rằng đã từ rất lâu, một phần chè vẫn được duy trì với giá cả như vậy và hàng chè này cũng chưa hề có ý định sẽ tăng giá.
Người ghé dừng chân lại ăn tại chỗ cũng nhiều mà người mua mang về cũng không ít. Những người mua mang về thậm chí còn mua với số lượng lớn được tính theo kí, tuy không đông khách nhưng bà chủ ít có khoảng thời gian ngơi tay. Chè của bà cũng rất đa dạng nhiều loại như chè thưng, chè khoai môn, chè bắp, chè đậu ngự, chè chuối, chè trôi nước,.. Hơn nữa, mỗi ngày bà đều thay đổi thực đơn chè của mình, chỉ giữ lại một vài món cố định cho thực khách dễ tìm đến.
Đặc biệt tại hàng chè này, nếu may mắn, bạn sẽ tìm thấy một loại chè lạ hiếm khi bắt gặp ở bất kì hàng chè nào khác, chính là chè bánh canh ngọt.
Nhắc đến bánh canh, nhất định chúng ta đều liên tưởng đến món nước hay ăn vào buổi sáng. Từng sợi bánh thon dài này được làm từ bột năng và bột gạo, có màu trong, vị dai sần sật. Nước chè là nước đường thốt nốt được nấu với gừng và lá dứa, thơm ngào ngạt. Thêm một ít nước dừa béo ngậy để cân bằng vị ngọt của chèn chè, một ít đậu xanh và mè rang phía trên, khiến món ăn thêm đậm vị.
Món chè không quá ngọt vì đã được nước dừa cân bằng lại, hương vị cũng rất thơm từ lá dứa, ăn ấm bụng nhờ có gừng. Cảm giác ăn chè này vào buổi sớm như một chén súp ngọt ấm bụng, khởi đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng.
Tuy nhiên loại chè này chỉ được bán vào các ngày cố định là thứ hai, thứ năm và chủ nhật nên nếu muốn ăn thì phải đến đúng ngày mới có. Hương vị vừa lạ miệng cũng vừa thấy có chút quên thuộc của thôn quê dân dã. Nếu đã chán các loại chè thông thường, có thể đổi vị bằng món chè này, rất đáng để thử vì tìm chỗ có bán chè bánh canh ngọt không hề dễ
Các hàng quán không chỉ nhộn nhịp vào ban ngày mà đến buổi tối vẫn giữ được nhịp độ sôi nổi, ổn định của mình. Thực khách vẫn tấp nập ghé vào ăn rất đông, dù đã là 9 - 10 tối, quả không mệnh danh thành phố không bao giờ nghỉ. Nhất là các xe hủ tiếu mì và hàng chè vẫn còn sáng đèn cho những khách có nhu cầu đi ăn đêm, xe đậu kín khắp một phần của con đường. Nếu ai có dịp ghé qua khu chợ nhộn nhịp này nhất định phải khám phá khu ẩm thực ‘ăn mãi cũng không thể hết' này nhé!