1. Văn hóa bán hàng rong của Singapore
Vào Tháng 12/2020, UNESCO đã công bố quyết định ghi Văn hóa bán hàng rong của Singapore vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, sau hai năm quốc gia này trình đề cử.
Để ăn mừng sự kiện này, Thủ tướng Lý Hiển Long đã gửi lời cảm ơn đến những người bán hàng đã "nuôi dưỡng quốc gia" và khuyến khích người dân ăn mừng bằng cách đặt món.
Xem thêm: Top 10 đất nước khiến các tín đồ ẩm thực ao ước được đặt chân tới
2. Nghệ thuật làm bánh Pizza Napoli
Tháng 12/2017, "Nghệ thuật làm bánh Pizza Napoli" đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể. Khác với những chiếc bánh pizza quen thuộc mà bạn hay đặt mua từ các cửa hàng nổi tiếng, Napoli là nghệ thuật làm bánh pizza đặc trưng của vùng Neopolitan nước Ý. Họ giữ truyền thống nấu pizza của địa phương bằng lò đốt củi thay vì nướng nhiệt hiện đại.
Pizza Napoli gồm một lớp vỏ mỏng được nướng bằng củi với hai loại bánh truyền thống là Marinara (cà chua, tỏi, rau, dầu) và Margherita (cà chua, phô mai mozzarella, lá húng quế).
3. Cà phê Thổ Nhĩ Kì
Vào năm 2013, văn hóa thưởng thức cà phê Thổ Nhĩ Kì đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Ở Thổ Nhĩ Kì, người ta chỉ sử dụng duy nhất loại cà phê Arabica thuần chủng. Loại cà phê này thường được rang và nghiền nhuyễn, sau đó được người dân sử dụng pha chế cà phê theo kiểu nấu sôi. Điều đặc biệt là cà phê sẽ được đun hai lần và bã cà phê cũng được rót ra luôn cùng với hỗn hợp cho hương vị đậm đà lưu trữ thật lâu trong khoang miệng.
4. Văn hóa bia Bỉ
Vào ngày 30/11/2016, UNESCO đã đưa Văn hóa bia Bỉ vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ở một quốc gia nhỏ với dân số khoảng 10 triệu người nhưng Bỉ có đến hơn 1.600 loại bia khác nhau từ màu vàng nhạt đến nâu sẫm, từ có vị ngọt đến đắng... cùng với đó là hàng trăm nhà máy sản xuất bia.
5. Bánh mì Lavash của Cộng hòa Armenia
Lavash là một dạng bánh mì dẹt truyền thống của người Armenia. Nguyên liệu chính của nó là bột, nước và muối. Khi bột được nhào đến độ sánh mịn nhất định sẽ được cán thật mỏng rồi đem nướng.
Năm 2014, nó được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Thông thường tại Amernia, các bà các mẹ sẽ cùng nhau làm và nướng bánh lavash. Nó thường ăn cùng phô mai, rau xanh, thịt và là món không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống, đám cưới.
6. Rượu vang Georgia
Georgia là đất nước nhỏ bé nằm ở phía nam dãy Caucasus, phía Bắc giáp Nga, phía Nam giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia; phía Tây giáp biển Đen và phía Đông Nam giáp Azerbaijan. Quốc gia này được xem là “quê hương” của rượu vang.
Những mẻ vang đầu tiên không phải được ủ trong thùng gỗ mà ủ trong những chum vại bằng sành. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất rượu vang của Georgia vẫn giữ kỹ thuật truyền thống, giúp hương vị rượu hoàn toàn khác biệt so với phương pháp thông thường.
7. Văn hóa muối Kimchi Hàn Quốc
Cũng trong năm 2013, Kimjang - văn hóa muối kim chi truyền thống của Hàn Quốc - đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cho đến ngày nay, kim chi ở Hàn Quốc đã có tới hơn 200 loại khác nhau. Thậm chí người ta còn xây dựng bảo tàng kim chi ở Seoul – thủ đô Hàn Quốc - để trưng bày các loại kim chi khác nhau cùng với những thông tin về lịch sử cũng như những tác dụng của món ăn này.
8. Văn hóa Washoku Nhật Bản
Washoku là văn hóa ẩm thực truyền thống của Nhật Bản, khởi sinh từ nguyên liệu thực phẩm bản địa, kết tinh suốt hàng nghìn năm. Bao gồm 7 loại nguyên liệu chính là cây trồng gốc, rau xanh, trái cây, thực vật hoang dã ăn được, thực vật biển và ngũ cốc, trong đó gạo và đậu nành nổi bật nhất. Ngoài ra còn có một số thành phần hỗ trợ bao gồm protein động vật từ cá, thịt, trứng.
Ngoài ra, Washoku còn mang 4 đặc điểm chính được xem là triết lý ẩm thực của người Nhật: Hương vị thuần túy của nguồn nguyên liệu tươi ngon, cân bằng dinh dưỡng, thể hiện vẻ đẹp tự nhiên và sự luân chuyển 4 mùa.
9. Bữa ăn kiểu Pháp
Tháng 11/2010, "bữa ăn kiểu Pháp" được UNESCO chính thức vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là lần đầu tiên nghệ thuật ẩm thực có mặt trong danh sách xếp hạng cao quý này.
Trong số các tiêu chuẩn để nghệ thuật ẩm thực Pháp được xếp hạng có nghệ thuật bày bàn, phong cách đặc biệt khi ăn, nghi thức tinh tế, ẩm thực có chất lượng cao như rượu vang hảo hạng được sản xuất ở các địa điểm danh tiếng...
Bữa ăn kiểu Pháp tuân thủ theo trình tự: món khai vị, món đầu bữa, các món chính, phô mai, món tráng miệng và kết thúc là một loại rượu.
Ngoài những thứ kể trên, UNESCO còn công nhận ẩm thực Mexico, ẩm thực Địa Trung Hải,... là di sản văn hoá phi vật thể.
Xem thêm: Bạn sẽ bất ngờ trước danh sách 10 quốc gia 'nhậu nhẹt say sưa' nhất thế giới