Lưỡi vịt không cần cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Phần lưỡi có một lớp màng bao quanh, nhiều chất nhầy nên bắt buộc phải rửa sạch, nếu không món ăn sẽ có mùi hôi. Sau đó, phải rửa bằng nước muối, trụng qua nước sôi rồi rửa lại bằng nước gừng rồi mới đem đi chế biến.
Nhiều người chắc hẳn thắc mắc, chỉ mỗi chiếc lưỡi vịt bé xíu mà quá nhiều công đoạn. Thật đúng vậy, nếu không sơ chế kỹ càng, món ăn sẽ mất đi vị ngon và hấp dẫn.
Cho chảo lên bếp cùng dầu nóng già rồi phi tỏi và hành cho vàng dậy mùi. Lần lượt đổ nước đường thắng rồi xào sệt lại, nêm gia vị vừa ăn rồi mới cho lưỡi vịt vào đảo nhanh tay. Đợi khoảng chừng 15 - 20 phút khi lưỡi vịt đã thấm nước sốt thì tắt bếp và cho rau húng quế vào trộn đều.
Ai chưa từng ăn lưỡi vịt sẽ không cảm nhận được chỉ một chiếc lưỡi bé xíu, nhưng lại có thể đem đến nhiều trải nghiệm khác nhau đến vậy. Dường như tất cả những cái ngon nhất, tinh tế nhất của con vịt dường như cô đọng lại trong chiếc lưỡi ấy.
Phần thịt của lưỡi chắc, khi nhai lại có cảm giác sừn sựt. Đầu lưỡi lại giòn giòn do phần sụn non bên trong, thân lưỡi thì mềm mềm, béo ngậy do lớp mỡ bao phủ miếng xương mỏng khiến ai nấy đều phải xuýt xoa.
Lưỡi vịt sapo không ăn vào đĩa hay bát như những món khác. Lưỡi vịt sẽ được đựng trong một chiếc thố bằng sành của người miền Nam để giữ món ăn được nóng lâu. Hương vị đậm đà, thơm ngon sẽ khiến thực khách không muốn buông đũa.
Nhiều người còn ăn kèm món lưỡi vịt sapo này với bánh mì để vừa no bụng, vừa đỡ “phí” phần nước sốt đậm đà. Dường như, đây cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị của món ăn.
Trong một ngày Sài Gòn trở gió, ghé vào quán và gọi ngay một thố lưỡi vịt sapo, mọi mệt mỏi dường như tan biến hết.