Khi những cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt và nắng ấm dần lên cũng là lúc Mộc Châu đến lại chìm trong sắc trắng tinh khôi của hoa ban nở rộ. Các thảm hoa ban trắng lô xô trên các đỉnh núi, nối dài thành những thác ban chảy tràn từ đỉnh núi qua các vách đá, rừng cây xuống sát mặt đất là cảnh sắc đặc trưng Mộc Châu trong tháng 3.
Với khí hậu mát mẻ, thảm thực vật phong phú, cảnh sắc như bích họa, Mộc Châu là một trong những điểm đến vô cùng thu hút giới trẻ. Đến với cao nguyên xanh này, đừng quên nếm thử ẩm thực ở đây nhé. Chắc chắn, các món ăn ăn Mộc Châu sẽ núi chân bạn “quên cả đường đi lối về”!
Cá suối nướng
Cá suối nướng là một trong những món hấp dẫn của du khách khi tới đây. Trong những ngày thời tiết tháng 3 mát mẻ, được nếm thử món ăn này chắn chắn sẽ khiến bạn cảm thấy rất tuyệt.
Người dân ở Mộc Châu thường gọi những loại cá nướng ở đây là cá suối, chúng không có một cái tên nào cụ thể. Chỉ biết, những con cá này chỉ bé bằng 2 ngón tay, tròn lẳn. Cá được sinh sản tự nhiên nên hương vị vô cùng thơm ngon.
Cá sau khi được đánh bắt về sẽ sơ chế sạch, đem ướp với gia vị như mắc khén, rau thơm rừng, sả, ớt rồi kẹp trong kẹp tre, nướng trên than hồng để thịt cá săn và chắc lại. Với cách này, hương vị của món ăn sẽ được giữ lâu hơn.
Thịt trâu gác bếp
Đây là một món ăn đậm vị núi rừng Tây Bắc và chắc chắn không phải là món ăn xa lạ khi thực khách đến với Mộc Châu.
Thịt trâu gác bếp Mộc Châu là đặc sản của người Thái đen. Đây là một trong những cách bảo quản thực phẩm và là một trong những món ăn được người Thái đen xem là “quý như vàng” dành cho những ngày đi rừng đồ ăn khan hiếm.
Ngày nay, thịt trâu gác bếp đã phổ biến hơn nhưng người dân nơi này vẫn luôn luôn tự hào giới thiệu trong mâm cơm mời khách. Thịt trâu gác bếp được chế biến rất công phu và tốn nhiều thời gian. Thịt trâu được lựa chọn phần bắp, thăn… rồi cắt ra những thớ nhỏ ướp gia vị theo công thức đặc biệt. Khi đã đủ thời gian ướp sẽ được bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đem treo lên gác bếp, hun khói cho óng đen, “chín” đến quắt khô rồi bảo quản.
Thời gian để cho ra thành phẩm là từ 8 tháng - 1 năm. Thớ thịt trâu gác bếp Mộc Châu có màu nâu hồng bắt mắt, khi mới ăn sẽ thấy có cảm thấy mùi khói bếp ám lâu ngày. Nhai miếng thịt trâu gác bếp trong miệng, người ta sẽ cảm giác được vị ngọt, thơm, béo bùi nơi đầu lưỡi đọng lại sẽ khiến bất cứ ai phải say sưa.
Nậm pịa
Là một món ăn truyền thống có từ lâu đời và rất được bà con dân tộc Thái yêu thích. Trong tiếng thái “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là chất sền sệt trong ruột non. Nguyên liệu chính của món ăn này chính là tiết đông, đuôi, dạ dày, cuống tim, ruột non của bò hoặc dê được nấu sền sệt. Theo cách khác thì nậm pịa là món cứt non của con dê ăn kèm với ngũ tạng đã đun kỹ có mùi vị và màu sắc đặc trưng.
Trong tinh hoa ẩm thực của người Thái, nậm pịa là món ăn độc đáo và khó ăn nhất nhưng lại là món ăn có hương vị ấn tượng nhất. Cách chế biến khá đơn giản nhưng đòi hỏi phải có đầy đủ gia vị của món ăn để tạo được hương vị đặc biệt đấy.
Ăn thử miếng đầu tiên của nậm pịa sẽ thấy vị đắng. Ăn miếng thứ hai, thứ ba sẽ để lại vị thơm của mắc khén, vị đắng của pịa, vị ngọt của thịt. Nậm pịa ăn kèm với thịt luộc, rau bạc hà, rau chuối và chút rượu nồng là tuyệt.
Những du khách ngồi xì xụp nậm pịa ở các phiên chợ ngày lạnh ở Mộc Châu là một trong những hình ảnh quá đỗi quen thuộc khi đến với cao nguyên này. Nồi nậm pịa lớn bốc khói nghi ngút chắc chắn sẽ níu chân du khách.
Bê chao
Một đĩa bê chao nghi ngút khói với màu vàng ươm bắt mắt, mùi thơm hấp dẫn. Cắn một miếng bê chao thì chắc chẵn “đã miệng” trong thời tiết se lạnh của tiết tháng 3.
Nguyên liệu để làm món ăn nổi tiếng này là bê đực chưa từng ăn cỏ. Thịt bê được lựa chọn phải đủ cả nạc lẫn mỡ và bì. Tất cả được thái mỏng, chần qua nước sôi và ướp qua gừng, tiêu, sả, sa tế.
Nguyên tắc để tạo nên món bê chao ngon và thơm vị là khi thả thịt bê vào khi dầu đang sôi và nóng, nhúng nhanh vào rồi vớt ra ngay bởi nếu chao lâu quá thịt bê sẽ bị dai, mất đi vị ngọt của thịt, còn nếu non lửa bê sẽ bị sống.
Cho thịt bê ra đĩa, rắc thêm chút vừng rang và lá chanh thái sợi chắc chắn sẽ vô cùng hấp dẫn. Nhâm nhi miếng thịt bê chao chấm nước tương nhấm nháp kèm theo một ngụm rượu táo mèo chắc chắn hương vị núi rừng sẽ khiến du khách không thể nào quên được.
Sữa bò non
Du khách đến Mộc Châu thường rủ tai nhau rằng, về Mộc Châu được uống sữa bò non mới thực sự là hạnh phúc. Đây là thức sữa nhiều chất dinh dưỡng, béo ngậy và thơm nhất.
Thật tuyệt biết mấy khi thời tiết còn hơi se lạnh, sáng sớm sau khi vệ sinh cá nhân xong cầm cốc sữa nóng trên tay nhấp 1 ngụm, chắc chắn hương vị tuyệt vời của món sữa này sẽ khiến bạn cảm giác ấm áp và sảng khoái.
Một món ăn được chế biến từ sữa non nữa chắc chắn sẽ khiến bạn ngạc nhiên mà ồ à sao ngon đến vậy. Với lượng sữa được vắt ngay sau khi bò đẻ, người ta sẽ không đun nóng như bình thường mà sẽ đem hấp cách thủy. Món sữa hấp sẽ đông lại. Xắt từng miếng ra chấm kèm với muối ợt thì phải gọi là “tuyệt cú mèo”.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn để lại cho người ta ấn tượng khó phai nhất bởi hình thức bắt mắt, hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng.
Được gọi là xôi ngũ sắc bởi vì đĩa xôi có rất nhiều màu. Thông thường, món xôi này sẽ có 5 màu: đỏ, xanh, vàng, nâu, trắng. Các màu xôi đều có một ý nghĩa tâm linh sâu sắc và rất tốt cho sức khỏe cho người ăn.
Xôi ngũ sắc đã có từ lâu và ngày nay đã trở thành biểu tượng cho văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc phía Bắc. Hương vị ngọt, béo cùng với các màu sắc hấp dẫn trong đĩa xôi ngũ sắc sẽ chứa đựng nhiều mong ước mùa màng bội thu, ước mong cuộc sống no đủ cũng như tấm lòng hiếu khách của gia chủ.