Chẳng phải lâu đài tráng lệ, hay căn hộ cao cấp đủ đầy tiện nghi, nằm giữa lòng miền Nam của nước Đức, khu vườn của gia đình chị Dung (Hanni Dee, 38 tuổi, gốc Việt sống tại Đức) lại khiến bao người trầm trồ ngưỡng mộ.
Từng chia sẻ về “khu vườn cổ tích” của mình lên diễn đàn mạng xã hội, chị Hanni Dee ngọt ngào coi đó là “nơi trốn” sau những bộn bề, vất vả của cuộc sống, đơn giản, nhẹ nhàng nhưng giữ cho tâm hồn luôn được bình yên. Hơn thế, bằng một cách diệu kỳ nào đó, vườn hồng còn là “người thầy” dạy người phụ nữ gốc Việt ở nơi xứ người này cách kiên nhẫn khi trở thành mẹ.
Khu vườn “cổ tích” nằm giữa lòng miền Nam nước Đức của người mẹ Việt
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau tốt nghiệp chị Dung có cơ hội được sang Đức du học và đây cũng là nơi kết duyên cho chị và chồng. Không chỉ ở Đức, chị Dung còn sống và làm việc ở nhiều nước khác như: Hàn Quốc, Singapore,…
Trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau như vậy, cuối cùng gia đình chị quyết định chọn Đức là nơi xây dựng tổ ấm lâu dài. Khu vườn xinh xắn, tuyệt đẹp cũng bắt đầu được vun vén từ đó.
Nói về vườn hồng đẹp như tranh vẽ của mình, chị Dung cho biết khu vườn có diện tích khoảng 300m2. Vườn chị và ông xã chăm sóc cẩn thận với các loại cây hoa cho cả 4 mùa, để không mùa nào buồn. Mùa xuân có hoa bạch tử đằng, hoa tử đinh hương, hoa mẫu đơn và rất nhiều tulip.
Hè đến cả khu ngập sắc hồng. Thu sang cây phong đỏ lá phủ khắp sân vườn “chill” hết nấc. Mùa đông thì còn rặng thông quanh vườn ở lại, vẫn xanh tươi cả mùa đông và khi tuyết phủ trắng, trên cây nhìn như những bông hoa tuyết lấp lánh rất đáng yêu.
Để có khu vườn tuyệt đẹp đến vậy, chị Dung bảo vợ chồng chị chăm vườn như chăm con, chăm sóc tưới tắm từng chút một. Nhưng với chị điều đó luôn là niềm vui, hạnh phúc. Vì vậy dù có bận rộn đến mấy người mẹ gốc Việt này vẫn rất đam mê với khu vườn.
Đặc biệt là những mùa sâu bệnh, phá hoại cây hoa. Lúc đấy chăm hoa mà chị Dung buồn rối ruột, tìm đủ mọi cách để chữa cho cây mau khỏe. “Không thể tránh được hoàn toàn lúc cây bị bệnh, những lúc ấy, mình cũng buồn và thương cây lắm ý. Mình buộc phải cắt hết lá bệnh, đợi cây tự chống chọi lại trước đã. Sau đó chị sẽ thử những dung dịch pha từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà bếp như nước rửa bát, baking soda để diệt bọ trĩ”, chị Dung kể.
Không chỉ dịu xoa tâm hồn, vườn cây còn là "người thầy" tận tâm dạy những bài học về tính kiên nhẫn
Ai cũng có rất nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để về, đó là nhà. Ở đó, mình được yếu lòng nhất, được cởi bỏ những mệt mỏi. Khu cườn cũng dạy chị Dung học được tính kiên nhẫn. Kiên nhẫn chờ đợi từ khi cây chỉ là những bộ rễ, đến những mầm lá, rồi nụ rồi hoa. Cũng là một người mẹ, vườn cây đã dạy chị cách kiến nhẫn với các con của mình. Để đồng hành cùng hai bạn bé.
Chị Dung hạnh phúc cho rằng khu vườn là nơi kết nối tình cảm gia đình chị rất hiệu quả. Ông xã và các con thay vì ở trong nhà nằm dài trên sofa thì mỗi ngày đều hào hứng ra vườn cùng nhau tỉa cành, tưới cây. “Từ khi có vườn, 2 bạn bé nhà chị đã biết yêu thương những mầm cây từ khi nó mới nhú, 2 bạn ra vườn hàng ngày sau khi đi học về để ngó cây và thông báo với mẹ là cây lớn thêm được bao nhiêu rồi. Các bạn cũng biết thêm tên nhiều loại cây, loại hoa. Cuối tuần, khi bố mẹ cắt cây tỉa cành thì các bạn rất hào hứng đẩy xe cắt cỏ hoặc tưới cây”.
Sống ở nơi đất khách quê người với nhiều lo toan vất vả là thế, chị Dung cảm thấy biết ơn vì đã có khu vườn bầu bạn, chữa lành tâm hồn những lúc căng thẳng.
“Cả 2 vợ chồng mình đều làm việc liên quan rất nhiều đến các con số, nên vườn là nơi làm cân bằng lại mọi nhiễu loạn trong đầu, để mình nạp năng lượng cho những bộn bề khác của cuộc sống”. – Chị Dung nói.
Người ta thương bảo: “Nhà là nơi để về sau những gông bão”, với chị Dung câu nói đó “chẳng quá” chút nào, vì vườn hồng và gia đình thực sự là nơi bình yên nhất, an toàn nhất và vỗ về tâm hồn người mẹ Việt ở xứ người này.
Xem thêm: Tiếng khóc xé lòng giây phút đưa bé gái 3 tuổi đi hoả táng: 'Đau đớn quá'