Nấu ăn ngon và nấu được nhiều món vốn vẫn là niềm mơ ước của các cô gái chưa chồng, các bà nội trợ. Và để đạt được đến cảnh giới này thì cũng phải yêu cầu các “gia chủ” phải tập luyện khá cật lực với vô số lần thực hành hỏng cũng như tốn một mớ tiền để mua nguyên liệu.
Thanh Huyền, cô gái Thái Nguyên chính hiệu và cũng là một đầu bếp tại gia chính hiệu. Cô nàng có thể nấu được vô số món ăn ngon từ đơn giản cho đến phức tạp và cũng hoàn toàn tự tin vào tài năng của mình. Tuy nhiên, sự tự tin đó lại bất chợt bị lung lay khi cô nàng vào miền Nam đi học. Tại đây, sau khi nấu cho các bạn ăn thì Huyền lại bị nhận xét là dở tệ khiến cô nàng thực sự thấy hoang mang vô cùng.
“Thấy mọi người khoe đồ ăn nên mình cũng mạn phép khoe tí. Mình là người Bắc vô Sài Gòn sống một thời gian nhưng hầu hết không hợp khẩu vị vì ngọt quá. Chỉ có một số món mình thấy ngon nhưng lại không biết nấu nên toàn tự mua đồ về nấu theo kiểu miền Bắc cho dễ ăn. Mình đã từng rất tự tin về trình độ nấu ăn của mình cho đến khi nấu cho các bạn người Nam ăn thì lại bị họ chê dở tệ. Theo mọi người thì Bắc, Trung, Nam đồ ăn ở đâu có hương vị ngon hơn?”.
Câu hỏi này của Huyền chắc cũng giống như nhiều cô gái Bắc khác khi vào miền Nam sinh sống. Bởi sự khác biệt về khẩu vị cho nên đồ ăn thức uống ở hai miền cũng không thể giống nhau. Nếu như người Bắc hay nấu đồ mặn mặn thì người miền Nam lại hảo ngọt hơn nên món ăn nào hầu như cũng có đường. Vì lý do này mà những người đi xa xứ bao giờ cũng phải mất một khoảng thời gian để làm quen và thích nghi.
Kèm theo lời than thở, Huyền còn đăng hàng loạt những mâm cơm tự nấu, từ những bữa ăn gia đình đủ các món rau, mặn, xào, canh như thịt kho tàu, giả cầy, canh riêu cua, nem rán Hà Nội… cho đến các món ăn vặt như bún măng vịt, bún đậu mắm tôm… Đây đều là những món ăn đặc trưng và khá cầu kỳ của miền Bắc. Ấy vậy mà sau khi được người miền Nam thưởng thức thì nó lại thành ra không ngon.
Lý giải cho điều này, Bình Minh bình luận: “Mỗi miền mỗi khẩu vị nên vậy đó mà. Người miền Nam mê đường ngọt thì cho rằng món Nam ngon và người Bắc thì từ bé đã ăn kiểu khác rồi thì đương nhiên là không giống nhau. Riêng mình thì món nào cũng ăn được, miền nào cũng thấy ngon”. Hay như bạn Ngân Lâm thì cho hay:”Thật ra các bạn của bạn cũng chỉ chê theo cảm tính thôi vì họ không hợp chứ nếu được đúng người đánh giá thì mình nghĩ bạn sẽ nhận được lời khen. Chưa nói đến khẩu vị chứ mình thấy bạn bày biện cũng rất đẹp và bắt mắt, nhìn là đã thấy ngon rồi”.
Còn về phần Thanh Huyền, cô nàng cho hay bản thân là người Thái Nguyên nhưng đã vào Sài Gòn để đi học. Vốn mê nấu ăn từ nhỏ nên cô nàng luôn coi đây là sở thích cũng là đam mê không thể nào từ bỏ. “Mình cũng không đi học mà toàn tự mày mò trên mạng để làm. Được cái bố mình cũng ăn nhậu suốt cho nên suốt ngày vào bếp cũng thành quen. Điều đặc biệt ở nhà mình là mẹ thì không biết nấu mà toàn bố làm vì trước bố là bộ đội nên nấu nướng khéo lắm. Bình thường bữa cơm nhà nếu không phải bố thì sẽ là mình vào bếp chứ mẹ thì không.
Mình vào Sài Gòn cũng được một thời gian rồi nhưng vẫn chưa quen khẩu vị lắm cho nên những lần đi ăn cùng mọi người mình cũng ít ăn, toàn mua về nhà tự nấu. Ở trong này mọi người không ăn bột canh mì chính mà chỉ dùng muối và đường làm gia vị chủ yếu thôi, còn mình nấu ở nhà thì vẫn theo vị miền Bắc cho dễ ăn”.
Đúng là chuyện ăn uống thì mỗi nơi mỗi kiểu và có đi nhiều, có trải nghiệm nhiều thì mới thấy ẩm thực của nước mình thật là phong phú. Có những cô gái từ miền Nam lấy chồng ra Bắc hoặc ngược lại, ban đầu cứ nghĩ thôi thì tuyệt thực cho xong hoặc là ở nhà nấu nướng cả đời nhưng đến lúc ở lâu cũng thành quen, người ta lại đâm ra yêu cái bản sắc ở nơi mình sinh sống và cảm nhận cái ngon của đồ ăn thức uống từng vùng miền.