Cuối tháng 3/2021, Dương Vũ Tân (bên phải), sinh năm 1992 có dịp hành hương tại 6 nhà thờ khác nhau khi đến tỉnh Lâm Đồng. Anh đến giáo xứ B’đơr ở huyện Bảo Lâm và ấn tượng với kiến trúc công trình nơi đây. Linh mục Gioan Baotixita Trần Đức Long (bên trái), quản xứ nhà thờ B’đơr dẫn anh tham quan và giới thiệu đôi nét về ngôi giáo đường giữa Tây Nguyên đại ngàn.
Nhà thờ B’đơr tọa lạc tại ấp Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, cách ngã ba chợ cũ Lộc An trên QL 20 khoảng 4 km. Nhà thờ được thành lập vào năm 1962, ban đầu chỉ là một nhà nguyện nhỏ dùng làm nơi tổ chức thánh lễ hàng tuần cho người K’ho, được lấy tên theo buôn B’đơr. Năm 2003, nhà nguyện được xây cất mới với bê tông cốt thép như nhà thờ hiện nay, thiết kế theo mô hình nhà rông cách điệu.
Nhìn từ bên ngoài, ngôi giáo đường nổi bật với màu sơn nâu vàng chủ đạo, mái chữ chữ A cao hơn 14 m là điểm nhấn cho công trình, gợi nhớ đến nếp nhà của người K’ho ở Tây Nguyên. Mặt chính nhà thờ có thêm một lớp mái đồng dạng nhưng thấp hơn, ngoài cửa chính là hai trụ cột được phủ lớp sơn giả gỗ, chạm khắc hình 12 vị tông đồ trong Kinh thánh.
Bên trong nhà thờ được chia làm 5 không gian chính: gian cung thánh, không gian phụ hai bên cánh, lòng nhà thờ, khu vực ca đoàn, không gian phụ trợ phía sau. Gian cung thánh nổi bật với tượng Thánh giá Chúa Giêsu, phía sau là phần gạch ốp, các chi tiết tỉ mỉ như chum vại, thổ cẩm... mang đến cảm giác Thiên Chúa ở gần với đời sống cư dân bản địa.
Cửa ra vào nhà thờ được làm bằng kính trong, bên trên là tranh kính màu, ánh sáng bên ngoài rọi vào làm nổi bật những câu chuyện trong Kinh thánh Công giáo.
Điểm đặc biệt ở nhà thờ B’đơr là phía trên tường giáp mái được thiết kế các ô lấy ánh sáng, thông gió dạng hình tròn, bằng gốm và hở hai mặt, lấy ý tưởng từ các vòng đeo tay hoặc chén ăn, chum vại. Chúng được đặt theo hình ziczac, gợn sóng như các chi tiết thổ cẩm trên trang phục của người K’ho.
Hiện nhà thờ có hơn 2.200 giáo dân đang theo đạo, đa số là người dân tộc K’ho. Cuối nhà thờ là khu vực ca đoàn, có cầu thang dẫn lên trên. Các ô sáng tại khu vực này có hình ngôi sao, biểu trưng là Chúa Ba Ngôi cùng mặt trời, mặt trăng, đối xứng hai bên là bình chum vại, ý chỉ sự liên kết mật thiết giữa Thiên Chúa và con người.
Trần nhà thờ được lợp bằng tôn có gân sóng nghiêng 45 độ để hạn chế sự truyền nhiệt, tông màu tôn trắng xám đối lập với màu gỗ càng thêm thẩm mỹ cho công trình.
Nhà thờ được thiết kế 2 tầng, tầng trệt và khu hành lễ. Bên ngoài hành lang có các bức phù điêu mô tả câu chuyện trong Kinh thánh theo cách rất bản địa.
Các mảng tường tại nhà thờ được ốp gạch, các mảnh lu, ché trang trí họa tiết nhà rông, con đường đất đỏ, hình ảnh vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người bản xứ rất tỉ mỉ.
"Được tham quan và tận mắt chứng kiến kiến trúc của nhà thờ mới cảm nhận được nét thô mộc, đậm chất bản xứ của ngôi thánh đường. Kiến trúc có nhiều chi tiết từ các vật dụng thân quen của người bản địa nhưng vẫn giữ được tính uy nghiêm và biểu tượng tôn giáo của nhà thờ. Nét đẹp của nhà thờ không dừng ở sự thẩm mỹ mà còn ở tính linh thiêng, nhiệm màu", anh Dương Vũ Tân chia sẻ cảm nghĩ sau chuyến đi của mình.