Là kỉ niệm của tuổi thơ, khi mà mỗi chúng ta vẫn còn ngờ nghệch về thế giới
Buổi trưa tan học nhất định phải sà vào gánh hàng trước cổng, đứa nào cũng tíu tít cô ơi cho con bịch xoài, cô ơi cho con ít bánh tráng trộn, cô ơi lấy con bịch bánh bao nho nhỏ này đi, con đói quá… Gánh cô nào cũng nhiều đồ ăn ngon, gánh cô nào cũng có sự hấp dẫn riêng cả. Người thì chất đầy hoa quả hai gánh, người thì chuyên về bánh tráng thôi, người thì bán bánh đa kẹp mạch nha với dừa nạo, mà nhiều nhất nữa phải là những gánh bán bánh bông lan, thường bán cả bánh chuối nướng và bánh tàn ong.
Ngày còn bé, nhớ nhất là những gánh tào phớ trông nặng thật nặng mà người gánh vẫn vô cùng khoan thai, uyển chuyển trong mỗi bước đi, vừa đi vừa rao “Ai tào phớ đây, ai tào phớ không?”, tiếng rao rõ mồn một vang khắp cả con hẻm nhỏ. Chén tào phớ được múc một cách nhẹ nhàng và nhanh thoăn thoắt để không bị nát hay vữa đậu.
Món này thường ăn kèm với ít nước đường và nước dừa, vị ngọt của nước đường được trung hòa bằng vị béo của nước dừa, trẻ con không đứa nào là không mê, có bữa còn canh giờ đợi cô tới để được ăn. Ngày mưa còn ăn hẳn ba chén no nê, bỏ cả cơm nhà. Món ăn nhẹ nhàng thanh thoát vậy mà gắn liền với tuổi thơ của từng đứa trẻ trong xóm.
Ngày đi học cứ hay mong tới giờ nghỉ, giờ về để được ăn bánh đa kẹp dừa. Bánh đa nướng giòn thiệt giòn, rồi được rạch một rãnh ở giữa để có thể gấp đôi bánh lại, sau đó là tới khâu kéo đường mạch nha điêu luyện của các cô bán hàng. Trông tưởng vô cùng khó và nặng tay nhưng các cô vẫn làm rất nhanh, phủ đều những dây đường lên bánh rồi rắc thêm ít dừa sợi, lũ trẻ chỉ cần đứng nhìn thôi cũng đã nuốt nước bọt trong cổ họng.
Độ hút khách của gánh bánh tráng là dữ dội nhất. Gánh bánh tráng luôn đầy đủ các loại từ bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, bánh tráng muối ớt hay cả bánh tráng cuốn, bánh tráng chiên, ăn cùng với loại sốt đặc sệt tùy theo sự sáng tạo của người bán, người lớn lẫn các em học sinh không thể nào cưỡng lại được sự hấp dẫn của món bánh tráng. Các món đều được làm vô cùng nhanh tay với đầy đủ sắc màu của tôm, thịt, trứng cút, rau răm, sa tế, nước bò khô,… mùi vị rất thơm và hấp dẫn.
Gánh bánh bông lan là gánh bánh phổ biến và rất dễ tìm thấy ở Sài Gòn, thế nhưng không phải gánh nào cũng ngon mềm và xốp đúng chất bánh. Bánh này thường được làm sẵn, treo đầy trên gánh trông vô cùng hấp dẫn. Để có một mẻ bánh bông lan có chuẩn, nguyên liệu chính là bơ, hoặc thay thế bằng nước cốt dừa, cùng các nguyên liệu cơ bản như trứng, bột, đường, được nướng trong khuôn tròn có 6 phần bánh nhỏ.
Những miếng bánh nhỏ, vừa miệng cũng vừa tay cầm, gánh bánh cũng đa dạng vì có cả bánh chuối nướng cũng rất thơm, bánh trái tàn ong, một phiên bản mỏng và giòn hơn của bánh waffle phương Tây, cả gánh phủ lên một màu vàng nâu ngon lành, nổi bật một góc phố.
Nguyên liệu chính của bánh tàn ong gồm trứng, bột mì và bột năng, được nướng trong một khuôn hoa năm cánh. Nếu muốn ăn bánh nóng đều có thể nhờ người bán hâm nóng hoặc làm mẻ mới vì bánh rất mau chín, người Sài Gòn nhiệt tình vui vẻ hay chiều lòng khách nhất định sẽ không từ chối.
Gánh bán trái cây thì luôn được phủ đầy những miếng xoài được xếp gọn ghẽ trong hộp, cả cóc và mận cũng có đủ. Dân văn phòng thích nhất những gánh này, vì tươi mát, dễ ăn mà cũng không có mùi. Họ cũng kết hợp bán chung các loại bánh tráng và có thể trộn tại chỗ theo yêu cầu của người ăn.
Xung quanh khu vực trung tâm thành phố nhất định sẽ luôn có những gánh dừa tươi cho khách tham quan thưởng thức, nhất là người nước ngoài, thấy cái gánh của Việt Nam rất hay, người gánh cũng điêu luyện, cả một quãng đường xa, những trái dừa nặng như vậy mà vẫn giữ được sự tươi cười niềm nở. Dừa ở đây thì cũng tùy lúc, không phải lúc nào cũng ngọt nước, mang tính thương mại nhiều hơn, và chủ yếu bán văn hóa với tinh thần hiếu khách của người Việt mình.
Sự đa dạng của các thức quà được bày bán gọn gàng chỉ trên đôi quang gánh
Gánh hàng rong rất đa dạng về thể loại. Ngoài những gánh kể trên, còn có những gánh bán bún, bán bánh canh, bánh tai yến hay bánh ống lá dứa, bánh bò dừa, cả những gánh bán bánh bột lọc bắt mắt… Mỗi gánh là mỗi hương vị đặc trưng riêng, ẩn sau là những câu chuyện thú vị về văn hóa và truyền thống của mỗi nơi.
Dù nắng hay mưa, họ vẫn đều đặn thức khuya dậy sớm rong ruổi trên khắp con phố, con hẻm nhỏ, khản cổ rao dưới trưa hè nắng nóng, và cả những lúc ngồi buồn rượi rượi lo trời mưa không bán được nhiều. Nhưng niềm vui và sự nhiệt tình của họ cũng không hề thiếu khi gặp lũ trẻ ùa ra từ cổng trường, nhìn những khuôn mặt thích thú khi được ăn ngon hay những lúc có cô khách ngồi buôn chuyện cùng.
Sài Gòn phải có họ mới đúng là Sài Gòn. Sài Gòn phải có những bước chân uyển chuyển như vậy, những tiếng rao lảnh lót như vậy. Sài Gòn nhất định phải có tào phớ, bánh đa dừa, hộp xoài keo, bánh tráng trộn, bán bông lan, mới đúng là Sài Gòn. Dù có đi đâu, mỗi khi nhác thấy hình ảnh đôi quang gánh giữa đường phố nhộn nhịp, lại nhớ đến tuổi thơ của mình ở Sài Gòn yêu thương.