Ngày 2
Bánh mì xíu mại chấm Hoàng Diệu
Mọi người thường nói vui, chỉ cần đến bánh mì xíu mại chấm Hoàng Diệu, bạn sẽ gặp tất cả người quen của mình ở Đà Lạt. Không chỉ nổi tiếng với dân địa phương, bánh mì ở đây còn rất được lòng du khách đến thăm Đà Lạt.
Tụi mình đến đây vào tầm 7 giờ sáng thì hầu như không còn bàn trống, phải đợi tầm 15 phút mới đến lượt. Đến khi thức ăn được dọn ra thì quả không thất vọng với công chờ đợi. Chén xíu mại nóng hổi, nổi nhẹ trên bề mặt là lớp dầu sa tế the nhẹ xua tan cái lạnh cuối xuân Đà Lạt. Nước chấm xíu mại dễ ăn, có thơm mùi tiêu gắt nhẹ ở cuống họng, ăn kèm với bánh mì nướng giòn xốp và ruột mỏng rất hợp. Đây quả thực là món quà sáng nhẹ nhàng, chắc bụng và đậm chất Đà Lạt nhỉ.
Tàu hủ nóng chùa Ve Chai
Dường như quãng đường hơn 50 cây số tính từ trung tâm thành phố đi trang trại Cầu Đất đã làm tụi mình tiêu hết toàn bộ số thức ăn ban sáng. Vừa đến chùa Linh Phước, cả bọn lập tức sà vào hàng đậu hũ nóng bên đường để lấp đầy chiếc dạ dày đang réo gọi inh ỏi.
Món ăn có vị thơm hoa nhài nhẹ nhàng, điểm thêm là chút gừng tươi xắt và đậu hũ non thơm ngon mát lành. Khác với cách ăn của đậu hũ Sài Gòn và tàu phớ Hà Nội, có thể cảm nhận được sớ đậu của Đà Lạt có phần dày hơn, lưỡi có thể cảm nhận được từng thớ đậu mịn màng và tan ra trong miệng. Như để phù hợp với cái lạnh vùng cao và làm ấm bụng thực khách, người bán đã cố tình cho vào bát đậu hũ khá nhiều gừng tươi xắt dày hoà quyện cùng nước đường hoa nhài thơm phức. Bát đậu hũ tuy đơn sơ giản dị nhưng lại rất vừa miệng và khó quên.
Cu Tây
Nếu khách du lịch đổ xô nhau đến Cu Đức vì món nướng ngói độc đáo thì người dân bản địa Đà Lạt lại đến Cu Tây để nhâm nhi chai bia bên bạn bè. Nướng ngói từ lâu đã rất quen thuộc với người dân Sài Gòn, nhưng để thưởng thức đúng vị của món ăn độc đáo này thì chỉ có khi đang ở Đà Lạt mới có thể cảm nhận được trọn vẹn hương vị của nó.
Vừa ngồi vào, tụi mình đã chọn ngay món chẳng dzừng và gù bò nướng. Chẳng dzừng chính là phần lườn heo, bình thường rất khó mua ở chợ hoặc siêu thị mà chỉ có thể đặt riêng ở lò mổ mà thôi. Chẳng dzừng ở đây đặc biệt rất ngon, nướng lên cực thơm và giòn, có thể nói là một phép lai hoàn hảo giữa nầm heo, ba chỉ và thịt đùi nhé. Gù bò cũng là một trong những món nên thử khi đến với Cu Tây vì thịt rất mềm, mọng nước và thơm nữa.
Nem nướng Bà Hùng
Có thể nói, một nửa niềm đam mê ẩm thực Đà Lạt đã được đặt vào nem nướng Bà Hùng. Món này đối với một số người có thể xem là một món bình dân, nhưng đối với người đã trót phải lòng thì lại yêu thích không kém gì sơn hào hải vị.
Một phần nem đầy đủ bao gồm rất nhiều các loại rau tươi, nem nướng, bánh tráng chiên và bánh tráng phơi sương. Thế nhưng, chiếm trọn “linh hồn” của cả phần ăn chính là loại nước chấm được hoà quyện từ tương hột xay và nước xương hầm nấu kỹ. Sau khi cuộn gọn gàng các nguyên liệu trong chiếc bánh tráng mỏng, mọi giác quan dường như dừng lại khi nếm thử các hương vị hoà lẫn trong cùng một cuốn nem.
Điểm trừ là suất ăn hơi ít và chưa đầy đặn lắm. Một người ăn mạnh có khi phải hai ba phần mới tạm gọi là đủ no.
Cafe Panorama
Tụi mình tình cờ chạy ngang Paranoma khi trên đường trở về từ Đồi chè Cầu Đất. Tuy cách xa trung tâm thành phố khoảng 8km nhưng sau khi ăn tối, tụi mình vẫn quyết định đến Paranoma ngắm trại mát mùa trăng tròn.
Và quả thật đây chính là quyết định vô cùng sáng suốt của tụi mình. Tối tầm 7 giờ, khu vườn hoa Vạn Thành và trại mát từng cụm nhà kính sáng rực lên giữa rừng, lên đèn cực lung linh và huyền ảo. Từng tốp người ngồi co ro trong quán cafe nhỏ xíu, uống ly ca cao nóng hổi và ngắm nhìn khung cảnh phóng tầm ra trước mắt rất nên thơ và ảo dịu đó.
Có một lưu ý nhỏ là đường lên Panorama buổi tối sẽ hơi lạnh vì băng qua khu vực rừng thông. Các bạn chú ý nhớ mang đầy đủ quần áo để giữ ấm cơ thể nhé.
Ngày 3
Bánh căn cây bơ
Sáng chủ nhật đẹp trời tụi mình đến bánh căn cây bơ ở góc đường Tăng Bạt Hổ. Ở đây bán 2 món là bánh căn trứng cút và bánh căn trứng vịt, có thể ăn kèm với xíu mại mắm nêm. Viên xíu mại tròn tròn rất đầy đặn. Bánh căn thì ngon khỏi nói, trứng cút béo ngậy còn trứng vịt thì thơm phức luôn. Bật mí là cô chú bán hàng rất dễ thương và thân thiện.
Ai không quen ăn mắm nêm có thể đổi sang nước mắm pha, nhưng mình khuyên các bạn nên thử mắm nêm sẽ đúng chất Đà Lạt hơn nhé.
Cafe Tùng
Sáng Chủ nhật, tụi mình đi dạo quanh chợ Đà Lạt nên sẵn ghé vào cafe Tùng ở đường Khu Hoà Bình. Quán cafe nhỏ xíu nhưng đông khách, nổi tiếng là nơi lần đầu tiên nhạc sỹ Trịnh Công Sơn gặp danh ca Khánh Ly đó. Quán phát nhạc thập niên 80, 90 rất có không khí, bạn nào có sở thích nghe nhạc kiểu xưa chắc chắn sẽ cảm thấy cực thích Tùng luôn.
Món “đinh” cực nổi tiếng của cafe Tùng chính là yogurt phô mai đựng trong chiếc ly thuỷ tinh nhỏ, có lớp váng sữa béo ngậy và mùi sữa cực thơm, hãy nhớ gọi cho mình một phần để nhâm nhi thưởng thức các bạn nhé.
Có một lưu ý nhỏ là quán cho phép hút thuốc nên bạn nào không thích khói thuốc nên cân nhắc khi đến!
Bánh ướt lòng gà Trang
Điểm đến cuối cùng của tụi mình chính là bánh ướt lòng gà Trang ở đường Tăng Bạt Hổ, rất gần với cafe Tùng. Tầm khoảng 2 giờ chiều thôi nhưng khách đã đến rất tấp nập, ngồi kín cả không gian tầng một.
Bánh ướt ở đây cực ngon, lòng được xử lý kỹ nên không còn mùi khó chịu. Nước mắm được quán chan sẵn vào bát, một phần gồm lòng heo và thịt gà xé rất đầy đặn. Ăn tô bánh ướt lòng gà vừa ngon lành vừa chắc bụng, tụi mình chào tạm biệt Đà Lạt trong niềm vui và cả sự tiếc nuối.
Xin tạm biệt và hẹn gặp lại Đà Lạt trong một ngày gần nhất. Đà Lạt không những nhiệt tình chào đón du khách bằng những ngày thời tiết mát mẻ dễ chịu mà còn bằng những món ăn ngon lành, độc đáo và không thể nào quên. Có lẽ chính các bạn cũng nên đến Đà Lạt, theo danh sách này mà một lần thưởng thức cho bằng hết những món ngon không thể cưỡng lại trên, để biết rằng mình còn phải quay lại đây nhiều lần nữa mới không thẹn với lòng.