Nhắc đến Ninh Bình, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến quần thể danh thắng Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư hay Chùa Bái Đính,… nhưng ngoài những điểm tham quan nổi tiếng, Ninh Bình còn có mùa thu rực rỡ nắng vàng buổi chiều hoàng hôn vô cùng đẹp.
Chàng trai Nguyễn Hoàn Hảo chỉ với 2 ngày 1 đêm nhưng đã thưởng thức trọn vẹn được gió trời mùa thu của mảnh đất cố đô này. Anh chia sẻ: “Mùa thu thời tiết ở Ninh Bình khá dễ chịu và có những cơn gió nhẹ nhàng thoáng qua, khiến nơi đây mát mẻ hơn sau những đợt nắng nóng của mùa hè oi ả. Điều mình rất thích ở mùa này của Ninh Bình đó chính là lượng khách du lịch rất ít nên việc di chuyển cũng như ngắm cảnh khá thuận lợi”.
Ghé qua những điểm đến nổi tiếng trong khu quần thể di tích, chàng trai đã làm nổi bật lên một góc ảnh rất khác về Ninh Bình. Những ngôi chùa, những hang động và những quả núi cao, tất cả đều được nhuộm một ánh màu vàng nhẹ nhàng của hoàng hôn mùa thu.
Tam Cốc
Nguyễn Hoàn Hảo chủ đích đến đây từ 17 giờ để ngắm hoàng hôn đổ trên Tam Cốc, anh chia sẻ: “Thật may mắn hôm ấy thời tiết thật sự đẹp làm mình phải bồi hồi mãi với hoàng hôn nơi đây. Những hang động núi đá vôi ngày thường vốn đã sừng sửng vĩ đại, nay lại hòa thêm vào ánh tà dương trông nguy nga tráng lệ vô cùng”.
Tam Cốc còn được biết đến với cái tên khác như “Vịnh Hạ Long trên cạn”, toàn bộ khu vực này bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần. Quần thể danh thắng Tràng An - Tam Cốc đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản thế giới.
Chùa Bích Động
Bích Động nằm cách bến Tam Cốc khoảng 2 km, tên gọi của nó có nghĩa là “động xanh”, do tể tướng Nguyễn Nghiễm đặt cho vào năm 1773. “Đã đến Ninh Bình, ghé qua Tam Cốc mà không đến Bích Động thì quả là không nên. Trước khi vào chùa, có một cây cầu đá bắc ngang ao sen tàn, đây là địa điểm chụp ảnh yêu thích của mình”, anh kể lại.
Bích Động là một trong những thắng cảnh nằm trong nhóm được người xưa gọi là “Nam thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ hai trong số ba động đẹp nhất trời Nam). Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi (nơi đặt chùa Bích Động) và một hang động nước đâm xuyên qua lòng núi (gọi là Xuyên Thủy Động). Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa.
Động Am Tiên
Phần lớn khu vực Động Am Tiên là một vùng trũng ngập nước được bao bọc bởi những vách núi đá. Trước đây, Động Am Tiên ở lưng chừng núi, phải leo qua 205 bậc đá qua vách núi nhưng hiện nay đã có đường hầm xuyên núi vào động. Động có hình giống như miệng con rồng nên còn được gọi là hang rồng. Nhiều nhũ đá có hình cây thóc, cây tiền, trái phật thủ, nụ hoa sen rủ xuống cùng những giọt nước.
“Động Am Tiên còn được gọi là “Tuyệt Tình Cốc”. Để vào được động, sau khi qua cổng lại đi xuống một lối đi bên phía tay trái, cạnh hồ nước trong veo với rong, hoa sen, hoa súng, cá rô mà người dân dùng để tưởng niệm nơi đây từng là ao nuôi cá sấu thời xưa để xử người có tội”, chàng trai Nguyễn Hoàn Hảo cho biết.
Hang Múa
Nơi đây với gốc tòa tháp quen thuộc chắc hẳn bạn đã một lần thấy qua. Hang Múa là trong vùng lõi Quần thể di sản thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Hang Múa có đặc điểm địa chất, địa mạo đặc trưng của vùng núi đá vôi có tuổi đời hàng triệu năm. Điểm nhấn của khu du lịch Hang Múa là phong cảnh đẹp trên con đường dẫn lên đỉnh núi Múa được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc Vạn Lý Trường Thành với gần 500 bậc thang đá.
Cố đô Hoa Lư (Đền Vua Đinh Tiên Hoàng)
Đền Vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng từ thời nhà Lý và đại tu lần nữa từ thời Hậu Lê theo kiểu nội công ngoại quốc và mô phỏng kiến trúc kinh đô xưa. Trước mặt đền Vua Đinh là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ Vua Đinh.
Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam thế kỷ 17 và là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn, như gạch xây cung điện có khắc chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký,…
Chùa Bái Đính
Quần thể Chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư.
Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống. Chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng. Khu chùa Bái Đính mới được các báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á.
Chia sẻ thêm về chuyến đi lần này, anh Nguyễn Hoàn Hảo cho biết “tổng thiệt hại” trong 2 ngày 1 đêm là 1,5 triệu đồng, đã bao gồm homestay, tiền thuê xe và lấp đầy cái bụng ăn uống không kiểm soát.
“Một điều khiến mình thích nơi này là vì các điểm tham quan tương đối gần nhau, nên mình không bị mất quá nhiều chi phí cho xăng xe đi lại tại chỗ, thậm chí khi di chuyển từ homestay đến Hang Múa mình đi xe đạp luôn, vừa thư giãn, vừa không mất tiền.
Nơi xa nhất là chùa Bái Đính, từ nơi mình ở phải đi xa 13 km mới đến được, tuy vậy khoảng cách này cũng không quá xa và chỉ đi trong chưa đầy nửa tiếng. Mùa thu Ninh Bình thật sự đẹp. Nếu lần sau có dịp ghé lại chắc chắn bạn hãy dành một ngày tại đây để đi hết những điểm tham quan”, anh cho biết thêm.