Cơm Nị Cà Púa
Cơm Nị Cà Púa là món ăn truyền thống của người Chăm ở An Giang. Đây thực chất chính là sự cộng hưởng của hai nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực của người Chăm thuộc miền Tây Nam Bộ - cơm nị và cà púa. Chính sự tỉ mỉ trong khâu chọn lựa nguyên liệu và cách chế biến mà món cơm nị cà púa trở thành món ăn đặc trưng của người Chăm mà bạn nhất định phải thử khi du lịch Châu Đốc – An Giang.
Để làm được món ăn này, người nấu phải chọn lọc rất kĩ từ khâu chọn nguyên liệu, cơm nị phải chọn loại gạo thơm, có độ dẻo vừa phải, sau khi vo sạch sẽ được xào cùng bơ, quế và đinh hương để tạo mùi thơm. Tiếp đó, người ta trộn thêm chút dầu điều để tạo màu vàng ươm cho cơm. Khi nấu, nước dùng sẽ được pha cùng muối, cari và đường, chờ khi gạo chín thì rưới thêm nước cốt dừa. Chính nhờ sự cầu kì trong khâu đun gạo nên cơm nị khi ăn vừa thơm, vừa béo ngậy, rất đặc biệt.
Cà púa ăn kèm cơm nị cũng được chế biến chỉn chu không kém, người Chăm khi nấu món này thường chọn thịt bò tươi, được khử bằng gia vị và gừng để giảm mùi nồng đặc trưng của bò. Sau đó xào cùng cà ri, ớt, hành… cho đến khi thịt săn và thấm đều gia vị. Cuối cùng hầm nhừ cùng nước cốt dừa. Khi ăn, cà púa sẽ được rắc thêm chút đậu phộng rang, hành tím và dừa nạo.
Hai thành phần cơm nị và cà púa vốn khi đứng riêng rẻ đã rất đặc biệt, hấp dẫn. Bởi thế mà khi kết hợp lại trở thành một bản giao hòa ẩm thực hoàn hảo, kích thích vị giác.
Bún cá Châu Đốc
Bún cá vốn không quá xa lạ với người miền Tây, nhưng bún cá Châu Đốc lại có nét đặc trưng riêng khi nước lèo được nấu cùng với mắm ruốc hòa cùng vị ngọt của xương cá, khi ăn không hề tanh mà lại rất đậm đà, trọn vị. Bún cá khi ăn sẽ được ăn cùng với thịt heo quay, thịt cá tách xương, rau ăn kèm bún rất đa dạng nào là rau đắng, rau muống bào, hoa chuối… và đặc biệt nhất chính là bông điên điển – loại hoa quen thuộc được người miền Tây dùng làm nguyên liệu chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc. Nếu có dịp du lịch Châu Đốc, nhớ đừng bỏ qua món ăn trứ danh của vùng đất thiêng này.
Lẩu trâu
Không ăn lẩu Trâu thì tức là chưa biết mùi An Giang, đây là món đặc sản cực kì nổi tiếng ở Châu Đốc. Thịt trâu tươi được nấu cùng xương, sả, ớt trái rất ngọt nước, dậy mùi thơm, ăn kèm với đủ loại rau tươi các loại. Khi ăn dùng kèm với bún tươi, mì tôm. Khi ăn, thịt trâu sẽ được chấm với nước cơm mẻ, vị ngọt dai của thịt kèm với vị chua chua, ngọt ngọt của cơm mẻ, chỉ thưởng thức ngay miếng đầu tiên thôi cũng đủ khiến thực khách “đứng hình” và không thể cưỡng lại sức hút của món ăn lạ miệng này.
Bò bảy món núi Sam
Du lịch Châu Đốc nhớ ghé qua núi Sam để thưởng thức món bò bảy món bạn nhé. Đi dọc khu núi Sam, khi gọi bò bảy món, bạn sẽ được chiêu đãi combo gồm 7 món ăn được làm từ thịt bò, mà món nào cũng rất đặc sắc: lòng bò luộc, cháo đầu bò, bò đun bánh hỏi, bò xào lá vang, bò khía bánh mì, bò bít tết, bò lúc lắc. Thịt bò ở Châu Đốc chủ yếu được nuôi thả tự nhiên nên không chỉ thịt chắc mềm mà còn có vị ngọt tự nhiên nên dù có chế biến theo kiểu gì cũng rất ngon. Ngoài bò bảy món thì món bò xào lá giang cũng khá nổi tiếng ở vùng núi Sam, Châu Đốc. Thịt bò có vị ngọt quyện vị chua thanh của lá giang, thêm chút cay thơm từ tiêu bột, cay nồng từ ớt, béo ngậy của nước cốt dừa, khi thưởng thức rất “hao cơm”.
Bún nước kèn
Bún nước kèn được xem là tinh túy của ẩm thực An Giang. Nước dùng bún có màu vàng tươi hơi ngã đục, nếu không tinh ý bạn có thể nhầm lẫn với cà ri. Điểm đặc biệt của bún kèn chính là nguyên liệu chế biến được nấu từ cá rô đồng, tạo độ ngọt thanh cho nước dùng. Để tăng thêm vị đậm đà, người ta cho thêm những gia vị như đinh hương, quế, bột cá, cà ri, đặc biệt là bột kroeung của người Khmer. Khi ăn, bún kèn sẽ được ăn kèm với các loại rau như xà lách, hoa chuối, lá quế….
Bánh bò thốt nốt
Khi du lịch Châu Đốc, bạn sẽ thấy dọc theo những trên đường thuộc địa phận An Giang có rất nhiều cây thốt nốt. Thân cây thốt nốt được người dân bản xứ tận dụng trong sản xuất công nghiệp và thủ công mỹ nghệ, còn phần trái được dùng nhiều trong sản xuất đường hay làm nguyên liệu cho các món ăn, trong đó nổi bật nhất phải kể đến là món bánh bò thốt nốt trứ danh.
Ngoài ra, bột để làm nên món bánh bò này cũng rất đặc biệt, bánh muốn ngon thì bột bánh phải được làm từ gạo Nàng Nhen – loại gạo chỉ canh tác được ở Bảy Núi, trái thốt nốt được làm bánh phải chọn loại cơm dày và không có mỏng cùi.
Bánh bò thốt nốt chuẩn phải có màu vàng ươm tự nhiên, dậy mùi thơm của thốt nốt, khi ăn được chan thêm chút nước cốt dừa để tăng thêm vị ngậy và béo.