Dưới đây là 6 kinh nghiệm hữu ích giúp cho những chuyến tham quan bảo tàng tại châu Âu của bạn trở nên dễ dàng, thuận tiện và tiết kiệm hơn:
1. Cơ hội tham quan miễn phí
Nếu bạn dưới 25 tuổi và có visa sinh viên thuộc khối châu Âu còn hiệu lực, bạn sẽ được miễn phí vé vào cửa tại hầu hết tất cả các bảo tàng ở châu Âu.
Nếu không, hãy dành chút thời gian kiểm tra thông tin mới nhất về điều kiện tham quan và giá vé trên website chính thức của bảo tàng. Thông thường, các bảo tàng ở châu Âu đều có quy định miễn hoặc giảm giá một ngày trong tuần hoặc một khung giờ nhất định trong ngày.
2. Mua vé trước để không phải xếp hàng, chờ đợi lâu
Các bảo tàng nổi tiếng tại châu Âu như bảo tàng Lourve ở Paris (Pháp) hay bảo tàng Van Goh và nhà Anne Frank ở Amsterdam (Hà Lan) luôn là những điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Dù vào bất kỳ mùa nào, bạn sẽ luôn nhìn thấy hình ảnh các khách du lịch xếp hàng dài chờ đến lượt vào tham quan.
Có 2 cách để tránh tình trạng phải xếp hàng, chờ đợi lâu như trên:
Thứ nhất, đến sớm từ 30 phút đến 1 tiếng trước giờ mở cửa bán vé hoặc đến vào suất tham quan muộn nhất trong ngày (thường là sau 18h).
Thứ hai, mua vé online hoặc các loại thẻ du lịch tích hợp các dịch vụ đi lại, tham quan trong thành phố để được miễn xếp hàng và đi vào cửa soát vé đặc biệt dành cho khách đã mua vé trước.
3. Chú ý các quy định của mỗi bảo tàng
Hầu hết bảo tàng ở châu Âu đều yêu cầu khách tham quan ăn mặc lịch sự và kín đáo để thể hiện sự tôn trọng dành cho không gian lưu giữ các giá trị văn hóa và lịch sử của họ. Do vậy, bạn nên chú ý mặc quần dài qua gối và áo có tay để không phải hụt hẫng khi bị từ chối vào cửa do trang phục không phù hợp.
Một số bảo tàng còn có quy định không cho phép quan khách chụp ảnh hiện vật như bảo tàng Orangerie (tiếng Pháp: Musée de l’Orangerie), nơi trưng bày những kiệt tác của danh họa Monet hoặc không được phép chạm vào hiện vật để đảm bảo tính toàn vẹn của tác phẩm. Bạn nên chú ý đọc những bảng thông báo về các quy định tham quan được đặt trước cửa soát vé và bên trong bảo tàng.
4. Lập kế hoạch tham quan hợp lý
Các bảo tàng Châu Âu đều rất rộng và trưng bày nhiều bộ sưu tập đồ sộ. Bạn nên dành ra vài phút để nghiên cứu sơ đồ các khu trưng bày và lập kế hoạch tham quan cũng như phân bố thời gian tham quan hợp lý.
Nên xác định những vị trí đặt các tác phẩm mà bạn yêu thích để ưu tiên tham quan trước, sau đó mới đến các tác phẩm khác nếu còn thời gian.
5. Hướng dẫn viên kiểu mới
Nếu ở các bảo tàng trong nước, khách tham quan thường phải nhờ đến sự hỗ trợ thông tin từ các hướng dẫn viên hoặc người thuyết minh thì các bảo tàng châu Âu lại mang đến cho du khách những trải nghiệm chủ động, tân tiến và thú vị hơn.
Khách tham quan có thể thuê audio guide, một thiết bị đi kèm tai nghe thuyết minh với nhiều ngôn ngữ tùy chọn hoặc tải ứng dụng thuyết minh về điện thoại di động để phục vụ cho chuyến tham quan của mình.
Với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại trên, bạn vừa có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm trưng bày vừa được cung cấp những thông tin hữu ích như tiểu sử tác giả, quá trình hoàn thành tác phẩm, các phân tích về tác phẩm…
6. Đừng bỏ lỡ những buổi triển lãm, chương trình biểu diễn ngắn hạn
Bên cạnh những bộ sưu tập cố định, các bảo tàng châu Âu còn thường xuyên tổ chức những đợt triển lãm hoặc chương trình biểu diễn nghệ thuật ngắn hạn để phục vụ du khách. Những buổi triển lãm dạng này thường có sự tham gia của các tác giả. Tại đây, họ sẽ trực tiếp giao lưu và giới thiệu với khán giả về các tác phẩm của mình.
Những buổi trình diễn nghệ thuật khác như nhạc kịch, hòa nhạc hay chiếu phim kinh điển thường được phục vụ miễn phí tại các phòng hội trường trong bảo tàng.
Bạn nên tìm hiểu lịch sự kiện trên website của các bảo tàng hoặc trên các tờ rơi có thể tìm thấy tại phòng thông tin của bảo tàng.
Với những “bí kíp” bỏ túi trên, Saostar hy vọng các bạn sẽ có những chuyến tham quan bảo tàng tại châu Âu thật thú vị và đáng nhớ.