Âm Nhạc

Từ viết tắt phản cảm bài mới của ERIK: Đừng lạm dụng sự tò mò để đi quá xa!

Ngọc Nghiên
Chia sẻ

Việc làm này của Erik liệu có thể xem như là "giọt nước làm tràn li"?

Với việc Erik chính thức tung teaser cho sản phẩm mới của mình vào tối qua, cộng đồng mạng lại một phen nữa dậy sóng, vì dòng hashtag mà Erik viết tắt cho ca khúc - #DCM - có vẻ đã đi quá xa, chạm đến giới hạn của khán giả. Ngay trong thời điểm một bộ phân đông đảo khán giả đang có thành kiến không nhỏ với những tựa đề bài hát dễ gây hiểu lầm.

Teaser cho MV mới nhất của Erik.

Trong đoạn teaser, mọi thứ đều hoàn hảo và không có gì có thể để chê được: phần hình ảnh bắt mắt, giai điệu cũng vô cùng bắt tai, hứa hẹn sẽ gây bão thời điểm ra mắt. Tất cả đều ổn thỏa, chỉ trừ duy nhất một thứ, dòng viết tắt của ca khúc DCM quả thực có thể ví như là… giọt nước làm tràn li.

Từ một trào lưu…

Ở thời buổi mạng xã hội trở thành công cụ đắc lực trong việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ cho mọi ngành nghề, những người làm nghệ thuật cũng tận dụng không gian này để đưa đứa con tinh thần của mình đến với khán giả gần hơn. Ngoài việc chỉ đơn thuần đăng tải hình ảnh, thông tin lên trang mạng xã hội, thì có thêm một chức năng đi kèm được gọi là hashtag ra đời hỗ trợ rất nhiều cho việc quảng bá, lan truyền nội dung.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trào lưu hashtag viết tắt tên ca khúc nở rộ, gần như nghệ sĩ nào ra mắt ca khúc hay MV mới đều sử dụng phương thức này nên khán giả dễ dàng nhìn thấy ở khắp nơi, từ Facebook, Instagram hay cả Youtube… Xu hướng các ca sĩ tận dụng hashtag để tạo sự thu hút, bí ẩn khiến khán giả tò mò hơn về sản phẩm ngay từ những ngày đầu “nhá hàng”. Nếu trước đó, các nghệ sĩ dùng cách viết liền tên bài hát để tạo thành hashtag, thì bây giờ, họ lại làm cho khán giả bằng cách viết tắt các chữ cái trong đầu tên bài hát để mọi người “xoắn não” đoán mò. Từ đó, hàng loạt những tên bài hát ra đời mà nghe thôi là đã “cười bò” thông qua trí tưởng tượng vô bờ bến của người hâm mộ.

Có lẽ vì vậy, dễ dàng nhận thấy thời gian gần đây, các nghệ sĩ thường xuyên sử dụng hashtag viết tắt tên MV như Chi Pu dùng #ESRAXLED (Em sai rồi anh xin lỗi em đi) có thể xem như là một trong những trường hợp đầu tiên khởi nguồn nên trào lưu này. Còn nhớ vào thời điểm ra mắt, chỉ tựa đề ca khúc thôi cũng khiến cho cư dân mạng dậy sóng và kéo theo vô số bình luận và đồn đoán.

Em sai rồi anh xin lỗi em đi - một trong những ca khúc đầu tiên đi đầu trong trào lưu viết tắt.

Tóc Tiên với #CATENA (Có ai thương em như anh) ,… Vì tên bài hát đến tận 6 chữ khó đoán hơn nên óc hài hước của fan càng tăng cao, hàng loạt đáp án dễ khiến ta “té ngửa” như “Chán anh thì em né anh”, “Cô ấy thay em nuôi anh”, “Chắc anh tưởng em nhớ anh” thay vì tựa đề chính xác lại vô cùng ngọt ngào Có ai thương em như anh. Tuy nhiên, đây là một trường hợp điển hình của việc sử dụng thành công hashtag và tên bài hát, vì rõ ràng, cụm từ hashtag viết tắt “đọc cũng thấy hay hay” và rất thuận miệng, tạo nên một hiệu ứng không hề nhỏ.

Có ai thương em như anh đến từ Tóc Tiên.

Một sản phẩm càng khiến công chúng phải để tâm đến và bàn tán về nó thì càng dễ lưu sâu vào tâm trí của họ. Thậm chí, nếu khán giả không thể nhớ đến tên bài hát gốc mà chỉ nhớ đúng cụm từ được hashtag thì đó cũng là một thành công trong việc gây ấn tượng đối với khán giả. Ngắn gọn, dễ nhớ và gây tính tò mò chính là ưu điểm khi sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, giá như mọi chuyện đã có thể dừng lại ở đó. Nhưng, như một quy luật tất yếu, điều nào bị lạm dụng thì đều xuất hiện những mặt tiêu cực.

Và khi nhà nhà ai cũng dùng…

Với việc ca sĩ Hương Tràm dùng #DML để “nhá hàng” cho ca khúc Duyên mình lỡ, mọi thứ dường như bắt đầu trở nên méo mó. Ca khúc Duyên mình lỡ khi ra mắt chính thức là một bản ballad sạch sẽ, hoàn toàn không có bất kì từ ngữ hay hình ảnh nào phản cảm. Tuy nhiên, với cụm từ viết tắt #DML quá sức nhạy cảm như trên, trước thời điểm ra mắt, nữ ca sĩ đã mặc sức để người hâm mộ đuổi theo những suy nghĩ rất riêng của mình.

Ca khúc Như lời đồn - #NLĐ của Bảo Anh.

Với ca khúc mới nhất, Như lời đồn với cụm từ viết tắt #NLD, Bảo Anh đã khiến mạng xã hội dậy sóng với màn nhìn hashtag đoán tên,… Những cái tên cười ra nước mắt đã trở thành trào lưu thu hút sự chú ý của mọi người. Tuy nhiên, từ những lời đùa vui nhẹ nhàng lúc ban đầu đã dần dần “biến tướng” thành những cụm từ… khá khó nghe. Và thời điểm Như lời đồn chính thức được ra mắt, đã xuất hiện hẳn một trào lưu tẩy chay ca khúc khi tên ca khúc này, đọc thật nhanh sẽ thành một cụm từ lóng khá khiếm nhã.

“Chị đại” Thu Minh cũng không nằm ngoài trào lưu với hashtag cho Cô ấy sẽ không yêu anh như em.

Bất cứ trào lưu nào cũng sẽ có những mặt trái đi kèm với lợi ích, và hashtag viết tắt tên ca khúc cũng không ngoại lệ. Khó có thể phủ nhận đây là công cụ hiệu quả để nghệ sĩ quảng bá rộng rãi hay tạo sự chú ý cho sản phẩm âm nhạc của mình thế nhưng, cái gì nhiều quá lại gây ra nhàm chán, dần mất đi sự hào hứng, tò mò của khán giả.

Cũng chính vì xuất hiện tràn lan như vậy, lâu dần hashtag viết tắt tên ca khúc lại gây sự nhàm chán trong mắt khán giả. Không ai ăn mãi một món ăn mà không thấy ngán, lặp đi lặp lại một hoạt động vẫn giữ được sự hào hứng ban đầu và trào lưu này cũng vậy. Khi mới xuất hiện, khán giả có thể cực kì thích thú, tò mò suy đoán, “chế” ra những cái tên khác nhau cho cụm từ viết tắt đó nhưng dần dần, mức độ quan tâm cũng giảm dần và không còn tạo được hiệu ứng như trước nữa.

Nói không ngoa khi có thể nhận xét rằng, các cụm từ viết tắt này đã hoàn toàn không còn tác dụng nữa. Trừ một trường hợp ngoại lệ duy nhất gần đây là #ADODDA, khi cái tên viết tắt đã được e-kíp của Hương Giang khai thác một cách triệt để, và đó chính là điểm mấu chốt ở đây: ADODDA không chỉ là một cụm từ viết tắt cho Anh đang ở đâu đấy anh, mà đó còn là homestay ADODDA trong MV ca khúc, và còn là một cụm từ đặc trưng được nhắc đi nhắc lại trong suốt quá trình quảng bá cho ca khúc.

Ca khúc Anh đang ở đâu đấy anh - ADODDA.

Liệu có còn những trường hợp sau?

Có thể thời điểm ra mắt cái tên viết tắt DCM của Erik là hoàn toàn không thích hợp, nhưng có vẻ như ta không nên dành quá nhiều sự tiêu cực cho chàng trai trẻ sinh năm 1997 này. Và gần như chắc chắn 100% rằng, khi ca khúc chính thức ra mắt, đó sẽ là một tựa bài hát rất hiền lành, và không có bất kì ngôn ngữ dễ gây hiểu lầm nào.

Erik luôn được biết đến là một nam ca sĩ chỉn chu, các sản phẩm của anh luôn có sự đảm bảo nhất định về mặt chất lượng cũng như hình ảnh - vì thế, nên việc tạo nên một “lùm xùm” không đáng có trước giờ ra mắt sản phẩm âu cũng là một chuyện thừa thãi và không nên chút nào. Vì với các sản phẩm trước, Erik hoàn toàn chứng minh được, không cần phải chiêu trò, vẫn có thể đưa ca khúc của mình thành hit!

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Nghiên

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất