Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Âm nhạc

Từ A-Z sân khấu MMA 2018 của BTS: Múa trống Samgo-Mu, múa quạt Buchaechum, múa mặt nạ Talchum và nhiều hơn thế…

Điều gì khiến cho màn trình diễn của BTS trở nên đặc biệt đến mức ấy?

Nếu BTS có thể có một dấu ấn rực rỡ nhất trong sự nghiệp của họ, đó chỉ có thể là sân khấu mới nhất của họ tại Melon Music Awards 2018! Sân khấu của các chàng trai nhà Big Hit tại sự kiện đêm qua đã vượt xa tiêu chuẩn thông thường của một nhóm nhạc Kpop, mà họ đã thực sự trở thành những Đại sứ Văn hóa của Hàn Quốc, đem tất cả những tinh hoa và vẻ đẹp cổ truyền của xứ sở này đến cho khán giả toàn thế giới.

Toàn bộ phần intro đầy vi diệu của BTS và phần trình diễn Idol.

Đặc biệt, những chi tiết về văn hóa truyền thống Hàn Quốc được các thành viên BTS lồng ghép một cách cực kì khéo léo, không hề khiến cho khán giả một cảm giác “trả bài” - mà ngược lại - bừng bừng sức sống, trẻ trung và hiện đại. Có thể bạn sẽ có những thành kiến, có thể sẽ có những quan điểm trái chiều, nhưng BTS đã vừa mang đến thế giới một trong những sân khấu ấn tượng nhất, mở cánh cửa cho chúng ta nhìn vào cả một nền văn hóa lâu đời của xứ sở kim chi!

Phần trình diễn mở màn với các thành viên BTS xuất hiện từ phía dưới sân khấu đầy huyền bí, trong bộ trang phục truyền thống của Hàn Quốc - Hanbok. Lúc này, sân khấu đã được chuyển sang một bầu không khí đậm chất cổ phong, với các vũ công hóa thân trong những bộ hanbok truyền thống sử dụng trong các dịp trang trọng của phụ nữ Hàn Quốc. Và các họa tiết được sử dụng trên background: xanh lá, cam, xám và đỏ chính là bốn màu sắc chủ đạo trong kiến trúc cung điện truyền thống của Hàn Quốc, hiện tại chúng ta vẫn có thể thấy rõ màu sắc này trên phần mái và đấu củng của các công trình thuộc Cảnh Phúc cung và Xương Đức cung, thủ đô Seoul.

Đặc biệt, không chỉ thỏa mãn khán giả về phần nhìn, mà BTS còn đẩy trải nghiệm thính giác của khán giả lên cao độ khi sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc vào trong bản phối nhạc điện tử. Tạo nên một bản mix vừa sôi động, căng tràn năng lượng nhưng vẫn thể hiện đúng tinh thần cổ phong cho màn trình diễn.

Lần lượt, thông qua 6 phút của màn Idol, 7 chàng trai nhà Big Hit đưa khán giả đến với một bầu trời văn hóa Hàn Quốc. Gửi gắm đến chúng ta thông điệp của quá khứ giữa lòng cuộc sống hiện đại, nhưng một cách tài tình và tràn đầy sức sống đương đại.

Múa trống - Samgo-Mu (삼고무 오고무)

Đầu tiên, chính là màn múa trống truyền thống của Hàn Quốc. Múa trống là một giai điệu hào hùng và mang đến sự phấn khởi, rộn ràng trong các dịp lễ, hội xưa của người Hàn Quốc. Chiếc trống mang lên sân khấu cũng được đầu tư kĩ lưỡng khi sử dụng đúng loại trống cổ truyền trong nghệ thuật Hàn Quốc: hai đầu trống được vẽ biểu tượng thái cực, treo trên một chiếc giá sặc sỡ với trang trí hai bên là chiếc đầu rồng.

Để thực hiện vũ đạo này, mọi thứ sẽ bắt đầu với một tiếng trống trầm hùng từ chiếc trống lớn nhất mang tên Daego, các giai điệu từ đó bắt đầu nhanh dần lên, cho đến khi chuyển đến người xem một bầu không khí vui tươi, rộn rã. Bên cạnh đó, một trong những điều làm nên vẻ đẹp của điệu múa trống truyền thống này là việc các vũ công đồng loạt thực hiện các động tác giống nhau: xoay người, cùng đánh trống, tạo nên cảnh đồng diễn đầy ấn tượng.

Múa quạt - Buchaechum (부채춤)

Múa quạt truyền thống của Hàn Quốc khởi nguyên từ các điệu múa cung đình, chủ yếu các điệu múa quạt hiện tại xuất phát từ triều đại Joseon, triều đại Nho giáo tồn tại lâu đời nhất thế giới. Múa quạt xuất phát từ những điệu múa phục vụ trong cung đình nên cần sự tinh tế, uyển chuyển, thanh nhã và tạo nên cảm giác trang trọng.

Bên cạnh đó, một trong những điều tạo nên nét đặc biệt của múa quạt truyền thống Hàn Quốc đến từ vẻ đẹp của chiếc quạt cầm để múa. Nội dung trang trí và mô thức trang trí rất đa dạng và phong phú, thể hiện nét tài tình trong kĩ nghệ hội họa truyền thống. Khi múa, các vũ công nữ sẽ tạo nên sân khấu những “bông hoa” từ cánh quạt, với ước muốn và khát khao về cuộc sống thái bình, thịnh trị.

Múa mặt nạ - Talchum (탈춤)

Tiếp tục một trong những màn trình diễn ấn tượng chính là các vũ công trong dạng thức áo giao lĩnh truyền thống, đeo những chiếc mặt nạ lạ kì, có phần đáng sợ, xuất hiện trên sân khấu để hòa vào cùng giai điệu. Và đây chính là điệu múa mặt nạ Hàn Quốc, một điệu múa mang đậm màu sắc tâm linh, huyền bí, gắn liền với tín ngưỡng Shaman giáo của người dân xứ kim chi.

Đây không chỉ là một điệu nhảy truyền thống, mà còn mang đậm màu sắc tâm linh truyền thống, mỗi mặt nạ tượng trưng cho một nhân vật trong truyền thuyết thuở hồng hoang của vùng đất này. Những chiếc mặt nạ không chỉ với mục đích để đeo lên mặt mà còn tượng trưng cho các vị thần, các thế lực siêu nhiên mà khi vũ công đeo vào, họ sẽ có khả năng giao tiếp với các vị ấy. Điều này khá gần gũi với tín ngưỡng Thờ Mẫu của Việt Nam.

Múa sư tử - Sajamu (사자무)

BTS cũng đã mang nghệ thuật múa sư tử truyền thống của Hàn Quốc lên sân khấu. Như mọi quốc gia theo văn hóa Á Đông khác, sư tử tượng trưng cho sức mạnh, sự oai nghi. Trong điển tích Phật giáo, sư tử là loài vật thiêng với tiếng gầm oai phong, uy dũng được ví như tiếng thuyết Pháp của chư Phật và Bồ tát. Mỗi quốc gia Á Đông đều có tạo hình sư tử riêng, và Hàn Quốc cũng không phải là một ngoại lệ.

Tạo hình sư tử trong điệu múa truyền thống của Hàn Quốc có một chiếc đầu tròn vô cùng đặc trưng cùng khuôn mặt dữ tợn. Được xem là điệu múa cầu may mắn và sự che chở, không chỉ phổ biến ở Hàn Quốc mà còn vô cùng thông dụng trong văn hóa truyền thống Á Đông.

BTS - họ xứng đáng có được ngày hôm nay.

Có thể nói, BTS đã sử dụng đúng tầm ảnh hưởng và mức độ lan tỏa của họ để truyền bá văn hóa của đất nước một cách vô cùng tài tình. Tin chắc rằng, họ sẽ tiếp tục thành công và gặt hái thêm nhiều đỉnh cao mới. Và dù muốn dù không, bạn vẫn phải thừa nhận một điều: BTS chính là nhóm nhạc đã đưa văn hóa truyền thống Hàn Quốc một cách tài tình và đáng quý trọng!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất
Lời cảnh báo của Duy Mạnh