
Ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đang đứng trước một thách thức chưa từng có – đó là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tạo ra, sao chép và thậm chí là “mạo danh” các tác phẩm nghệ thuật. Dù các nghệ sĩ, hãng thu âm và nhà lập pháp đang nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cuộc chiến này vẫn đang diễn ra trong thế bị động và đầy gian nan.
Sony Music – một trong những tập đoàn âm nhạc lớn nhất thế giới – gần đây tiết lộ rằng họ đã yêu cầu xóa bỏ hơn 75.000 video deepfake. Những video này sử dụng hình ảnh, âm thanh hoặc thậm chí cả giọng hát của các nghệ sĩ để tạo nên các sản phẩm giả mạo đến mức khó phân biệt với bản gốc. Con số này phần nào phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn nạn.
Theo công ty bảo mật âm thanh Pindrop, các bản nhạc do AI tạo ra thường chứa những "dấu hiệu cảnh báo" dễ nhận biết nếu phân tích kỹ. Tuy nhiên, ở góc độ người nghe phổ thông, các bài hát này vẫn tràn ngập trên các nền tảng trực tuyến như YouTube hay Spotify. Đơn cử, bạn có thể dễ dàng bắt gặp một đoạn rap giả của huyền thoại 2Pac về pizza, hoặc một bản cover ca khúc K-pop của Ariana Grande – dù cô chưa từng thể hiện bài hát đó.
Pindrop cho biết: “Ngay cả khi nghe rất thật, các bản nhạc tạo bởi AI vẫn thường có những lệch lạc nhỏ về nhịp điệu, tần số hoặc kết cấu âm thanh – những điều mà con người hiếm khi mắc phải khi biểu diễn”.

Các nền tảng phát nhạc lớn đang cảm nhận được áp lực. Sam Duboff, người đứng đầu mảng chính sách của Spotify, cho biết công ty đang tích cực nghiên cứu các công cụ công nghệ mới để đối phó với làn sóng nội dung AI. YouTube cũng đang nỗ lực cải thiện khả năng phát hiện nội dung nhân tạo, và hứa hẹn sẽ công bố các giải pháp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Jeremy Goldman từ công ty Emarketer, các bên sử dụng công nghệ AI “đi trước một bước”, buộc ngành âm nhạc phải luôn trong tư thế bị động. Ông nói: “YouTube, với lợi nhuận hàng tỷ đô mỗi năm, chắc chắn có động lực lớn để giải quyết vấn đề này. Họ không muốn bị xem là nền tảng tiếp tay cho các sản phẩm deepfake tràn lan”.
Tuy vậy, vấn đề không chỉ nằm ở các sản phẩm giả mạo. Một mối lo khác đang nổi lên rõ ràng hơn: việc sử dụng các bản ghi âm có bản quyền để đào tạo các mô hình AI tạo sinh, như Udio, Mubert hay Suno. Năm ngoái, một nhóm các hãng thu âm lớn đã khởi kiện công ty mẹ của Udio lên tòa án liên bang tại New York. Họ cáo buộc công ty này dùng trái phép kho dữ liệu âm nhạc để phát triển công nghệ lôi kéo người dùng và cạnh tranh không lành mạnh.

Vụ kiện tương tự với Suno cũng đang diễn ra tại Massachusetts, nhưng cho đến nay, cả hai vụ đều chưa tiến triển rõ ràng. Trọng tâm tranh chấp xoay quanh khái niệm "sử dụng hợp lý" – cho phép sử dụng một phần nội dung có bản quyền trong những trường hợp nhất định mà không cần xin phép. Theo giáo sư luật Joseph Fishman từ Đại học Vanderbilt, đây vẫn là một vùng “xám” pháp lý đầy bất ổn, có thể kéo dài đến tận Tòa án Tối cao nếu các bên không đạt được thỏa thuận.
Ngay cả khi các phán quyết được đưa ra, chúng cũng không thể kịp thời kiểm soát làn sóng AI đang liên tục được cập nhật và cải tiến. Fishman nhận định: “Các mô hình mới xuất hiện nhanh chóng, khiến việc áp dụng một bản án cho toàn ngành là điều vô cùng khó khăn”.
Trong khi chờ tòa án đưa ra phán quyết, giới lập pháp cũng chưa tạo được đột phá. Một số dự luật về AI và bản quyền đã được đề xuất tại Quốc hội Mỹ nhưng vẫn chưa được thông qua. Tại cấp bang, Tennessee – cái nôi của nhạc đồng quê – là một trong số ít nơi đã ra luật bảo vệ nghệ sĩ trước deepfake. Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là sự chậm trễ và thiếu đồng thuận.
Thêm vào đó, chính trường Mỹ có thể sắp đối mặt với rào cản mới: Donald Trump – người có quan điểm ủng hộ việc giảm quy định, đặc biệt là với AI – có thể sẽ không đứng về phía các nghệ sĩ nếu ông quay lại Nhà Trắng.

Các tập đoàn công nghệ lớn như Meta cũng đang tích cực vận động để chính quyền Mỹ "chính thức công nhận quyền sử dụng dữ liệu công khai để đào tạo AI là hợp pháp". Nếu chính phủ ủng hộ quan điểm này, các hãng thu âm có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình.
Tại Anh, tình hình cũng không khả quan hơn là bao. Chính phủ nước này đang cân nhắc thay đổi luật theo hướng cho phép các công ty AI tự do sử dụng nội dung của người sáng tạo trên mạng, trừ khi có yêu cầu từ chối cụ thể từ phía chủ sở hữu bản quyền. Để phản đối, hơn 1.000 nghệ sĩ – bao gồm Kate Bush và Annie Lennox – đã phát hành một “album im lặng” vào tháng 2 với tên gọi "Is This What We Want?" như một hình thức phản kháng biểu tượng.
Đối với nhà phân tích Goldman, ngành âm nhạc sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi AI chừng nào nó chưa tìm được tiếng nói chung. “Ngành này quá rời rạc và phân mảnh”, ông nói. “Và chính điều đó khiến họ yếu thế trong việc bảo vệ những giá trị mà nghệ thuật đáng ra phải được gìn giữ”.