Cứ mỗi dịp đêm giao thừa hàng năm, đông đảo người dân Việt Nam đều có thói quen tập trung trước màn hình TV để cùng nhau xem các Táo tổng kết những vấn đề nổi cộm trong năm. Tuy nhiên, năm nay đã không còn các Táo vì Táo Quân đã dừng phát sóng sau 16 năm trong sự tiếc nuối của người hâm mộ, nhưng thay vào đó, người người lại háo hức xen lẫn tò mò về chương trình thay thế Táo Quân là Gặp nhau cuối năm 2020. Như đã hứa trước đó, vẫn là những gương mặt quen thuộc như NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Chí Trung, NSND Tự Long,…nhưng xuất hiện với những vai diễn hoàn toàn khác, không còn hình ảnh các Táo xuống chầu Ngọc Hoàng như mọi năm mà là bối cảnh làng Vũ Đại dưới thời hội nhập với tên gọi “thời thượng” - Vũ Đại Homestay. Vẫn là những màn “cà khịa” thâm sâu, là những cuộc trò chuyện duyên dáng, là những bài học về cuộc đời đầy ý nghĩa và những bản nhạc chế đầy hài hước.
Chí Phèo Xuân Hinh lên án ô nhiễm nguồn nước bằng hit của Hoàng Thùy Linh
“Đặc sản” của Táo Quân chính là những bài nhạc chế dùng để báo cáo tình hình mỗi năm được các Táo trình bày vô cùng hài hước và văn minh, năm nay tuy không còn các Táo nhưng những bài nhạc chế vẫn tạo được ấn tượng lớn, một trong số đó chính là bài ca “Để mị chửi cho mà nghe” do nhân vật Chí Phèo thể hiện dựa trên ca khúc Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh, lời bài hát là những vấn đề đáng quan tâm trong năm qua như ô nhiễm nguồn nước, thông qua những “câu chửi” hài hước như: “Tôi làm gì có muốn chửi ai, tôi còn hiền quá đây này. Gần đây tôi hay lên Face nhìn người dân dùng nước loang dầu tôi ra tay”, vấn đề được truyền tải nhanh chóng và khiến cho ai nghe xong một lần là nhớ ngay ca từ. Việc lên án một thực trạng bằng nhạc chế đã không còn mới, nhưng những nghệ sĩ liên tục sáng tạo và thêm thắt giai điệu, ca từ độc lạ khiến cho mỗi bài hát trở nên vô cùng mới mẻ.
“Để Mị chửi cho mà nghe” của Chí Phèo Xuân Hinh
“Bài ca câu view” của hai đệ tử ông hoàng truyền thông “Ngàn Like” Chí Trung
Chưa hết, vấn đề nhức nhối trong năm vừa qua như Youtuber bất chấp nội dung bẩn để “câu view” như bắt động vật quý hiếm để nấu những món độc lạ… cũng được truyền tải khéo léo và hài hước thông qua bài nhạc chế được biểu diễn bởi hai đệ tử của ông hoàng truyền thông “Ngàn Like” Chí Trung là Duy Nam và Trung ruồi. Thông qua bản nhạc chế Bài ca câu view có thể thấy rõ được những vấn đề cụ thể liên quan đến vấn nạn câu view trên Youtube hiện nay như bất chấp cởi đồ, đánh nhau, cãi nhau chỉ để thu về những con số lượt xem “khổng lồ”
Bài ca câu view của hai đệ tử ông hoàng truyền thông “Ngàn Like” Chí Trung
Có thể thấy năm nay các nghệ sĩ đã không sử dụng nhiều các ca khúc nhạc trẻ để chế lại mà lấy chất liệu là những bài dân ca quen thuộc, xuyên suốt vở diễn là những âm hưởng truyền thống khiến cho đêm 30 Tết trở nên gần gũi và ấm áp hơn bao giờ hết. Những bài ca mang tính trào phúng được khéo léo được các diễn viên thể hiện, bên cạnh đó, màn múa minh họa với những trang phục đặc trưng của người con gái Việt Nam như áo dài, tứ thân, yếm đào, bà ba cũng là một điểm sáng ấn tượng ở Gặp nhau cuối năm năm nay.
Sân khấu hoành tráng kết hợp nhiều thể loại vũ đạo truyền thống
Gặp nhau cuối năm 2020 đã tái hiện khung cảnh đậm chất dân gian với cổng làng, hồ sen cùng những nhân vật gắn liền với văn học Việt Nam như Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, Lão Hạc, Thị Màu, Thị Nở, Chí Phèo, anh Mõ…Bên cạnh chờ đón nội dung, một phần không thể thiếu làm nên sức hút của Gặp nhau cuối năm chính là âm nhạc. Có thể thấy năm nay những màn trình diễn được đầu tư vô cùng ấn tượng, giai điệu truyền thống được hòa chung với những âm thanh hiện đại, cùng kết hợp hàng loạt thể loại vũ đạo hoành tráng như múa dân gian, múa đương đại, belly dance, múa ballet, nhạc kịch đã tạo nên một cảm xúc khó tả. Về phần dàn dựng sân khấu, có thể thấy năm nay những màn trình diễn được đầu tư hơn cả với hiệu ứng ánh sáng ấn tượng, thể hiện chân thực từ những tiểu cảnh nhỏ nhất thông qua màn hình Led được bố trí khéo léo, tạo nên một sân khấu hùng hồn mang đậm bản sắc dân tộc.