Không như mọi năm, giải Cống Hiến năm nay đã đột ngột gây bão khi hé lộ danh sách đề cử khá lạ lùng. Theo đó, chàng ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP chiếm tổng cộng 4/8 đề cử, tại những hạng mục thuộc dạng quan trọng nhất. Đặc biệt hơn, trong giải thưởng Ca sĩ của năm, chàng ca sĩ thần tượng xuất thân từ giới Underground còn được vinh dự đứng “chung sân” với những tiền bối trong nghề như Hồng Nhung, Trần Thu Hà hay Tùng Dương. Sự phá cách này ngay lập tức đã tạo ra rất nhiều những ồn ào và sự ồn ào ấy không chỉ gói gọn trong âm thanh tung hô từ fan của Sơn Tùng…
Rất nhiều nhân vật “ít nói” trong làng giải trí đã lên tiếng, rất nhiều luồng quan điểm trái chiều đã được đưa ra xung quanh việc liệu Sơn Tùng có hay không xứng đáng với giải thưởng vốn vẫn được mặc định dành cho giới “hàn lâm” trong nghệ thuật? Gay gắt hơn, thậm chí có nhiều ý kiến đã cho rằng Cống Hiến đang thay đổi và trở nên “mất giá”, khi mà tiêu chí đề cử và trao giải của nó đang trở nên hệt như vô số các giải thưởng âm nhạc nhan nhản trong showbiz Việt. Những người bình tĩnh hơn thì cho rằng, đề cử chưa nói lên điều gì cả, nhưng chuyện một chàng ca sĩ trẻ chiếm tới 4/8 đề cử lớn của một giải thưởng nặng về cống hiến xem ra gây không ít thú vị.
Tại sao ngôi sao trẻ không có quyền “cống hiến”?
Nói một cách công bằng thì những cống hiến trong nghệ thuật không chỉ gói gọn ở một loại hình nghệ thuật nào. Không chỉ mỗi Opera, nhạc kịch hay dòng nhạc chính thống mới được quyền vỗ ngực tự hào rằng “tôi đã cống hiến cho khán giả“. Bất kỳ loại hình âm nhạc, nghệ thuật nào có thể mang tới cảm xúc, niềm vui, sự hào hứng cho người nghe, nó đều có quyền kiêu hãnh rằng mình cũng đã cống hiến ít nhiều cho khán giả. Bởi xét cho cùng, mục đích cuối cùng của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng chỉ là phục vụ cho khán giả, mà khán giả thì không phải ai cũng nghe và hiểu được những thứ cao xa…
Sẽ là phi lý và kỳ thị khi phân chia sự cống hiến của giới nghệ sĩ theo những quy ước mơ hồ. Ai dám đảm bảo một bài nhạc thị trường không có giá trị riêng của nó đối với người nghe? Ai dám nói một chàng ca sĩ thần tượng sẽ có đóng góp ít hơn một cây đại thụ trong làng nhạc, nếu xét về cảm xúc và niềm vui họ mang lại cho khán giả? Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, bởi khi mỗi nghệ sĩ khi được công nhận bởi một số lượng đông đảo người nghe cũng đồng nghĩa với việc họ đang cống hiến! Không có cái gọi là “cống hiến đích thực” hay “cống hiến nửa vời”, mà chỉ có một khái niệm cống hiến trong mắt khán giả mà thôi. Khái niệm đó có thể dùng chung cho tất cả những nghệ sĩ đang mang lời ca, tiếng hát và tài năng của mình để phục vụ cuộc đời!
Trong trường hợp của Sơn Tùng, chàng nghệ sĩ trẻ hoàn toàn xứng đáng với những đề cử vừa nhận được. Trong suốt một năm vừa qua, những gì mà Sơn Tùng làm được rất đáng được ghi nhận một cách trân trọng, từ nỗ lực không biết mệt mỏi cho tới cố gắng hoàn thiện bản thân, sự tiến bộ trong âm nhạc và sự trưởng thành trong nhân cách. Thậm chí, nếu xét một cách thẳng thừng thì trên bảng đề cử Ca sĩ của năm, người nên ngần ngại vì “chưa xứng đáng” sẽ không phải là Sơn Tùng, mà phải là một ai đó khác! Ít nhất thì người ta cũng có quá nhiều thứ để nói về Sơn Tùng trong suốt một năm qua sau chỉ vài giây suy nghĩ, chứ không phải “tìm đỏ mắt” để kiếm được một điểm cộng trong suốt quãng thời gian lặng im của một số ngôi sao lớn!
Tương tự, rất nhiều những ngôi sao trẻ khác cũng có quyền được ghi nhận những nỗ lực, cống hiến họ đã bỏ ra. Không thể vì lý do dòng nhạc họ theo đuổi “rẻ tiền”, “thị trường” hay vì họ là những ngôi sao của chỉ riêng giới trẻ - theo một thứ đánh giá cảm tính và phi lý - để sổ toẹt đi tất cả. Có rất nhiều cách khác nhau để cống hiến và họ chỉ đơn giản là cống hiến theo cách của riêng mình! Hãy nhìn sự đón nhận của khán giả dành cho họ, người ta sẽ hiểu được rốt cuộc, những ngôi sao trẻ ấy đã cho đi những điều gì…
Đừng tự treo giá quá cao!
Giải Cống Hiến chỉ là một trong rất nhiều giải thưởng âm nhạc hiện đang có mặt tại Việt Nam. Xét về bản chất, nó không khác biệt quá nhiều so với các giải thưởng khác và nếu có, sự khác biệt chỉ tới từ… cái tên và thói quen, tiêu chí lựa chọn, trao giải có đôi nét “hàn lâm”. Như một thông lệ, những nghệ sĩ được vinh danh tại Cống Hiến thường là những nghệ sĩ tên tuổi, được đông đảo công chúng và giới nghệ thuật công nhận. Quan trọng hơn, họ luôn là những nghệ sĩ thuộc dòng “chính thống” - một thứ khái niệm “nặng nề” nhưng lại rất đỗi mơ hồ tại showbiz Việt…
Cũng chính vì những “thông lệ” này, Cống Hiến đang bị thu hẹp dần không chỉ phạm vi trao giải, mà còn cả sự quan tâm, chú ý từ khán giả. Thực tế, những thứ “hàn lâm” thường không mấy ăn khách tại Việt Nam, từ nghệ sĩ, chương trình biểu diễn cho tới bây giờ là giải thưởng! Suốt những mùa trao giải của mình, những cái tên được xướng lên tại Cống Hiến quanh đi, quẩn lại đều là những “người quen” trong làng nhạc. Những sự chú ý, quan tâm từ khán giả cũng ngày một nhạt nhòa và hờ hững, khi mà họ không nhận thấy có điều gì thu hút và thú vị. Giải thưởng này đang thiếu đi một tiếng vang, một cú hích và thậm chí, cả một lý do để mà tiếp tục tồn tại và phát triển, nếu cứ mãi loanh quanh không lối thoát giữa mớ bòng bong “hàn lâm”, “cống hiến”…
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, Cống Hiến đang “cần tới” những ngôi sao trẻ, hơn là các ngôi sao trẻ cần tới giải thưởng này! Nhất là trong tình trạng “nhà nhà tổ chức, người người trao giải” như hiện tại, khi những nghệ sĩ đang có quá nhiều lựa chọn và cơ hội vinh danh, việc một giải thưởng tự treo mình quá cao có phần hơi nực cười và không thực tế chút nào. Rõ ràng, khi cái tên Sơn Tùng lọt vào danh sách ứng cử viên, chưa bao giờ sự chú ý giành cho Cống Hiến được đẩy lên cao trào tới thế! Sự mạo hiểm của ban tổ chức giải thưởng này đã thành công, khi không chỉ tạo nên tiếng vang lớn cho giải thưởng, mà còn mở ra cả một cửa thoát sáng dành cho Cống Hiến những năm sau! Dẫu sao thì với sự xuất hiện tiên phong của Sơn Tùng M-TP, một thứ tiền lệ thông thoáng hơn đã được ra đời và hẳn, người ta có quyền tạm thở phào khi nghĩ về tương lai của Cống Hiến. Ít nhất, ban tổ chức của giải thưởng cũng sẽ không phải đau đầu khi buộc phải chọn một cái tên quen thuộc để mà trao giải…
Nghệ sĩ có thể không cần giải thưởng, nhưng giải thưởng thì bắt buộc phải cần nghệ sĩ. Cống Hiến cũng vậy. Hãy cứ xem nó là một giải thưởng âm nhạc bình thường và có tên là Cống Hiến mà thôi. Đừng quá nặng nề về chuyện ai cống hiến, cống hiến ra sao, vì đó là câu chuyện để những tiêu chí rõ ràng quyết định. Sơn Tùng M-TP, Tiên Tiên… hay bất kỳ ngôi sao trẻ nào khác có quyền được công nhận nếu như họ mang lại những giá trị thực sự tích cực cho thị trường.