Âm Nhạc

Sân khấu 'Gấm' của Hương Giang tại Siêu mẫu Việt Nam 2018: không chỉ là âm nhạc, mà còn tha thướt nhiều tầng nghĩa đậm hồn Việt!

Minh Khôi
Chia sẻ

Bạn có hiểu hết được những thông điệp và ý nghĩa đằng sau màn trình diễn "Gấm" của Hương Giang tại Chung kết Siêu mẫu Việt Nam 2018?

Có lẽ đến tận thời điểm hiện tại, những dư âm về đêm Chung kết Siêu mẫu Việt Nam 2018 tối ngày hôm qua vẫn còn đọng lại trong tâm trí của khán giả. Không chỉ là một bữa tiệc thời trang thịnh soạn với những siêu mẫu sáng bừng sàn catwalk mà còn là một đại tiệc của thanh âm và ánh sáng với những sân khấu đỉnh cao từ loạt khách mời. Trong đó, không thể không nhắc đến màn trình diễn Gấm của HLV - Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế Hương Giang!

Trọn vẹn sân khấu Gấm của Hương Giang tại đêm Chung kết Siêu mẫu Việt Nam 2018 vừa qua.

Gấm là một ca khúc thuộc thể loại world-music với cảm hứng dân gian đương đại, sáng tác bởi Hương Giang và Lưu Thiên Hương, được trình diễn lần đầu tiên đến công chúng tại chương trình Hòa âm Ánh sáng (The Remix) 2017, nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả ngay thời điểm ra mắt. Với ca từ đậm chất Việt Nam, đẹp như một bài thơ, đong đầy trong đấy là loạt hình ảnh về hoa gấm giang sơn, không lạ gì khi ca khúc nhanh chóng đi vào lòng khán giả một cách dễ dàng.

Sân khấu 'debut' của Gấm tại The Remix 2017.

Tại đêm chung kết Siêu mẫu Việt Nam 2018, Gấm đã được phối lại với một tinh thần mới, nhiều năng lượng hơn và sôi động hơn, phù hợp với không khí nóng hừng hực của sàn catwalk.

Không chỉ dừng lại ở đó, Hương Giang đã chứng tỏ tài năng nghệ thuật của mình khi vừa hát vừa thực hiện động tác vũ đạo khó nhằn cùng dải lụa đỏ thướt tha, tạo nên một sân khấu đậm hồn Việt.

Bên cạnh đó, yếu tố trang phục trình diễn của vị HLV cũng là một điểm đáng chú ý. Với trang phục đậm chất Á Đông, nhìn qua tưởng chừng vô cùng đơn giản, nhưng có thể thấy nhà thiết kế cũng như người mặc đã vô cùng dụng tâm, toát lên vẻ cao sang và quyền quý.

Chiếc áo của Hương Giang mặc đã sử dụng họa tiết chim phượng hoàng trên nền vàng đầy cao quý. Chim phượng theo quan niệm Á Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng là vua của các loài chim, là loài chim cao quý và thiêng liêng nhất. Theo truyền thuyết, phượng hoàng chỉ đậu trên cây ngô đồng khi có bậc minh quân giáng thế, báo hiệu điềm lành: quốc gia hưng vượng, thiên hạ thái bình. Bên cạnh đó, hình tượng chim Phượng hoàng còn là biểu tượng của bậc mẫu nghi thiên hạ - vì thế chỉ được dùng trên áo và vật dụng của các bậc Hoàng Thái hậu và Hoàng hậu ngày trước.

Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu triều Nguyễn trong triều phục Phượng quan thêu hình chim Phượng tinh xảo và mũ Cửu Phượng quan với 9 con chim Phượng bằng vàng ròng.

Hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu trong triều phục với Phượng bào thêu hình chim Phượng tinh xảo và mũ Cửu Phượng quan với 9 con chim Phượng bằng vàng ròng.

Quan sát kĩ hơn, ta có thể thấy hình tượng Phượng hoàng trên chiếc áo của Hương Giang đang mặc được cách điệu từ hoa văn chim Phượng thời Nguyễn, không lẫn vào đâu được. Vào thời Nguyễn, họa tiết chim Phượng là độc quyền thêu trên áo của các bậc Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu và Trưởng Công chúa và Công chúa. Các bậc Phi tần và Mệnh phụ Phu nhân dù cao quý đến như thế nào cũng chỉ có thể sử dụng họa tiết chim Loan, ít cao quý hơn một bậc.

Họa tiết Phượng ổ trên áo Phượng bào Công chúa triều Nguyễn.

Áo Nhật bình của Công chúa (phục dựng) với họa tiết Phượng ổ. Nguồn: Nam Văn Hội quán.

Chiếc trâm phượng bằng vàng cực kì tinh xảo, thuộc về một phi tần thời chúa Nguyễn.

Như vậy, với một chi tiết nhỏ thôi, nhưng cũng đủ làm cho màn biểu diễn Gấm của Hương Giang thêm phần lí thú, khiến cho khán giả thêm trân quý những di sản văn hóa cha ông để lại.

Chúc Hương Giang luôn tỏa sáng để góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam khắp năm châu!

Chia sẻ

Bài viết

Minh Khôi

Tin mới nhất