Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh những cái tên đình đám như BlackPink, Twice, Mamamo, hay Gfriend, Red Velvet đang được đánh giá là một trong những girl group sáng giá của Kpop thế hệ thứ 3. Nhóm nhạc nữ 5 thành viên liên tục cho ra mắt hàng loạt hit với màu sắc độc đáo như Red Flavor, Power Up, Russian Roulette, Bad Boy,… được đón nhận nhiệt tình, dần trở thành đối thủ đáng gườm vể mảng nhạc số và lượng view trên Youtube. Thêm vào đó, việc sở hữu nhan sắc nổi bật và tài năng ổn định với lợi thế xuất thân hiển hách dưới trướng của ông lớn SM Entertainment, Red Velvet hoàn toàn có đủ khả năng và cơ hội vượt mặt các đối thủ để vươn lên nắm giữ vị trí top đầu hiện nay.
Tuy nhiên, những định hướng về âm nhạc dạo gần đây của công ty chủ quản dành cho nhóm nhạc nữ của mình đang tạo nên những ý kiến trái chiều, thậm chí ảnh hưởng ít nhiều đến thành tích của Red Velvet trên đấu trường Kpop. Theo đó, thay vì lựa chọn phát hành những dòng nhạc dễ nghe, hợp thị hiếu của người hâm mộ thì SM Entertainment dường như đang tạo dựng cho gà cưng một hướng đi hoàn toàn khác biệt bằng thứ âm nhạc được đánh giá mang đầy tính thử nghiệm và sáng tạo cao. Nói một cách thực tế hơn, âm nhạc của Red Velvet đang dần trở nên khó nghe, khó cảm nhận, lạ tai khán giả và trái ngược hoàn toàn với những trào lưu thịnh hành đương thời. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Bước đi có phần táo bạo này có phải là rào cản lớn nhất trong chặng đường sự nghiệp của Red Velvet ở thì tương lai?
Những thất bại đang hiện hữu phải chăng là tín hiệu tiêu cực từ lối tư duy khác biệt?
Đánh giá một cách công tâm, về phía nhóm nhạc nữ, ba đại diện đến từ ba ông lớn SM, JYP, YG đang nắm nhiều lợi thế hơn hẳn trong cuộc cạnh tranh girlgroup số một Kpop. Thế nhưng nếu Twice đang giữ vững phong độ top 1 của mình với chuỗi thành tích khủng tại thị trường trong và ngoài nước suốt những năm hoạt động, BlackPink ngày càng khẳng định vị thế lớn mạnh với tốc độ “bành trướng” nhanh chóng, san bằng mọi kỷ lục, hứa hẹn công phá thị trường Kpop thì Red Velvet với phong độ kém ổn định, lại đang khá vất vả với việc chinh phục mục tiêu trên. Một trong những nguyên nhân có thể đến từ những tính toán về phong cách âm nhạc chủ đạo mà mỗi nhóm đang theo đuổi. Và yếu tố này thì những đối thủ của các cô nàng “nhung đỏ” có vẻ đang làm tốt hơn cả.
Với Twice, mặc dù có nhiều nhận định cho rằng 9 cô gái nhà JYP đang nằm trong vùng an toàn và có phần nhàm chán bởi màu sắc âm nhạc nhạc rập khuôn, không có nhiều đột phá trong mỗi lần comeback nhưng vị thế vững chắc của Twice trên đấu trường Kpop là điều không thể chối cãi, thậm chí thị trường âm nhạc khó tính như Nhật Bản cũng dần công nhận Twice như một nghệ sĩ hàng đầu tại đây. Concept và âm nhạc của Twice hoàn toàn phù hợp và gần như phản ánh đúng thị hiếu nghe nhạc của người dân Hàn: những ca khúc với giai điệu bắt tai, nội dung không quá phức tạp, hình ảnh trẻ trung, gần gũi, vũ đạo đơn giản nhưng đáng yêu và dễ trở thành xu hướng. Từ Cheer up, TT, Signal, Knock Knock, Yes or Yes hay What is love? đều công phá hàng loạt bảng xếp hạng, có sức lan toả mạnh mẽ đến khán giả ở mọi lứa tuổi chứng tỏ những gì các cô gái theo đuổi hoàn toàn đi đúng hướng phát triển.
Ngược lại, BlackPink với phong cách mang đậm dấu ấn girl crush rõ nét qua những sản phẩm cũng đang ngày càng khẳng định được mức độ phổ biến lớn của mình. Xuất thân từ YG, bên cạnh hình ảnh sang chảnh, có phần gai góc, không có gì lạ lẫm khi âm nhạc 4 cô gái ngay từ đầu đã được định hình vô cùng thời thượng, ảnh hưởng nhiều từ nền âm nhạc quốc tế với màu sắc đặc trưng của chất nhạc Dance kết hợp EDM hiện đại, được trau chuốt, phối khí kĩ càng, dồn dập và vô cùng bắt tai qua bàn tay của phù thuỷ âm nhạc điện tử Teddy. BlackPink đã vô cùng thành công trong việc thu hút một lượng người hâm mộ lớn ngay từ khi mới ra mắt, đặc biệt là những khán giả trẻ và có nhiều cơ hội trong việc tấn công vào những thị trường lớn như Mỹ với thành tích ban đầu đáng ghi nhận.
Không giống như hai đại diện kể trên vẫn trung thành và phát triển mạnh mẽ với màu sắc âm nhạc cố định, Red Velvet liên tục chịu khó thay đổi và thử nghiệm nhiều concept khác nhau theo chiều hướng mới lạ và độc đáo hơn. Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng đem lại hiệu quả. Các sản phẩm như RBB và Zimzalabim là ví dụ điển hình nhất cho hướng đi khá táo bạo mà công ty chủ quản dành cho các cô gái.
MV RBB (Really Bad Boy) - Red Velvet.
Trong khi Power Up, Red Flavor hay Bad Boy ngay từ khi ra mắt đã lập tức chinh phục tai nghe của người hâm mộ với giai điệu thu hút thì RBB hay Zimzalabim lại nhận về nhiều ý kiến trái chiều có phần tiêu cực. Dưới góc nhìn của một fan trung lập, nếu RBB được xem là một nốt trầm đáng tiếc trong sự nghiệp sau loạt hit nổi bật của các cô gái bởi cấu trúc bài hát lộn xộn, lời hát lặp đi lặp lại, không có điểm nhấn mới mẻ hay gây bất ngờ thì Zimzalabim lại đem đến thất vọng với vòng giai điệu luẩn quẩn, phức tạp và thiếu tính liên kết. Điểm chung của hai ca khúc này là đều bắt đầu tụt hạng khá nhiều trên bảng xếp hạng sau một khoảng thời gian ngắn yên vị ở top đầu, dẫn đến những thành tích khiêm tốn về mảng nhạc số và lượng view Youtube so với những ca khúc phát hành trước đó. Thậm chí, trên địa phận Youtube, ca khúc mới nhất Zimzalabim nhận về lượng dislike rất lớn từ người xem, đánh dấu một bước “thụt lùi” đáng kể trong chặng đường hoạt động của Red Velvet.
Zimzalabim - Red Velvet.
Chơi “dao hai lưỡi”: Là khôn ngoan hay chấp nhận đương đầu?
SM Entertainment trước giờ được xem là một công ty nổi tiếng với khả năng du nhập và dẫn đầu nhiều xu hướng âm nhạc. Đặc biệt từ năm 2013 trở đi, những tư duy thông minh đó dần được triển khai và áp dụng một cách triệt để với các ca khúc dưới chất liệu âm nhạc tuy còn lạ lẫm với thị hiếu người Hàn nhưng lại vô cùng phổ biển và thịnh hành ở các nước châu Mỹ hay châu Âu như Deephouse, Electropop, Dubstep,…. SNSD, Super Junior hay SHINee là những đại diện tiên phong và đều đạt được thành công lớn trong việc đổi mới, cập nhật và nâng tầm phong cách để mở rộng sự chứ không hề cố định một màu. Đến năm 2016, bắt đầu những ca khúc nặng tính thử nghiệm với cấu trúc phức tạp, giai điệu lạ tai, mới mẻ và mang nhiều thông điệp được công ty quan tâm phát triển. Và Red Velvet chính là một trong đối tượng SM lựa chọn để thăm dò và đo lường tai nghe khán giả.
Tuy nhiên nếu xét về khía cạnh nghệ thuật, những tính toán của SM dành cho nghệ sĩ của mình hay cụ thể là Red Velvet thể hiện được một tầm nhìn lớn, đầy bản lĩnh và vô cùng khôn ngoan. Không thể phủ nhận rằng sự sáng tạo và chấp nhận thử nghiệm là yêu cầu cần thiết với lĩnh vực nghệ thuật. Trước hết, sự thay đổi là cơ sở để nghệ sĩ thể hiện khả năng biến hoá, linh hoạt với nhiều thể loại, khía cạnh nghệ thuật khác nhau chứ không hoàn toàn bị rập khuôn vào một màu sắc cố định. Hơn thế nữa sẽ hạn chế sự nhàm chán, tẻ nhạt đối với những gì cũ kĩ, đơn điệu mà khán giả đã được thưởng thức thấy bấy lâu nay, từ đó gợi mở, đánh vào tâm lý tò mò, sự hứng thú của người hâm mộ trước những sản phẩm của nghệ sĩ, góp phần duy trì được sức hút trong một thời gian dài. Thêm vào đó, sự đột phá đầy táo bạo này sẽ tạo nên được cái tôi nghệ sĩ, khẳng định dấu ấn cá nhân đặc trưng cũng như tư duy âm nhạc khác biệt giữa hàng ngàn cái tên giống nhau đang xuất hiện ngoài kia, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho nghệ sĩ trong việc tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả trong và ngoài nước. Giới chuyên môn từ đó có nhiều cái nhìn tích cực hơn đối với sự nghiệp của một nghệ sĩ chứ không chỉ là những cảm nhận dựa trên phản ứng từ khán giả đại chúng.
Mặt khác, bước đi này gần như mang đầy tính may rủi và không có gì đảm bảo tuyệt đối cho sự thành công. Đối với thị trường âm nhạc Hàn Quốc, lượt nghe, lượt xem, độ phổ biến luôn là thước đo chính xác cho sự thành công của một nghệ sĩ thế nhưng SM dường như đang tự hạn chế thành tích của mình bởi cách định hướng không được lòng đại bộ phận người yêu nhạc - những người yêu thích các giai điệu bắt tai, dễ nghe, dễ thuộc hơn là những ca khúc độc lạ, nhịp điệu rối ren, ca từ yêu cầu sự liên tưởng, nghiền ngẫm sâu xa để hiểu được hết ý đồ muốn truyền tải. Không những thế, khi không thể “ngấm” được ngay từ lần đầu tiếp cận, những fan trung lập hay người nghe nhạc thông thường hiếm khi có động lực để sẵn sàng nghe đi nghe lại nhiều bằng những người hâm mộ trung thành. Bên cạnh đó, lực lượng fandom của Red Velvet cũng chưa thực sự đủ lớn để cải thiện thành tích giúp thần tượng.
Đối với những thể loại âm nhạc kén người nghe, người hâm mộ cần nhiều thời gian hơn để có thể làm quen với chúng. Tuy nhiên, khi thị trường mỗi tháng đều đón nhận hàng loạt những ca khúc mới từ những tên tuổi lớn khác với giai điệu hợp tai mang phong cách thân thiện và tiệm cận với gu thưởng thức bấy lâu nay của người hâm mộ thì liệu họ có sẵn sàng chấp nhận trải nghiệm những điều mới lạ hơn? Vì thế, bước thụt lùi đầy đáng tiếc với RRB hay Zimzalabim của Red Velvet dạo gần đây cũng là điều dễ hiểu.
Bad Boy - Red Velvet.
Nếu như YG hay JYP ngày càng thành công khi mở rộng sự nghiệp gà nhà bằng cách phát triển mọi điểm mạnh dựa theo những gì đã được hoạch định ngay từ ban đầu thì SM lại liên tục đương đầu với nhiều thử nghiệm mới. Thế nhưng khi nhìn vào tình hình hiện tại, nước cờ mạo hiểm ấy lại không những không thể đem lại nhiều bứt phá cho nghệ sĩ mà còn khiến họ có phần chững lại trước nhiều đối thủ khác, thậm chí còn xuống dốc phong độ rõ ràng.
Kết
Nỗ lực sáng tạo, khai phá và phát triển những hướng đi mới là điều nên được hoan nghênh và khuyến khích, đặc biệt đối với những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, để những định hướng mang tính thử nghiệm phát huy tối đa hiệu quả của nó còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tình hình hoạt động, mức độ phổ biến về danh tiếng cũng như vị thế hiện tại là điều nên được cân nhắc để đảm bảo có thể điều khiển được mọi phát sinh. Với Red Velvet, nhóm dường như đang cần có một cú hick và sự bứt phá để bật lên mạnh mẽ giữa một sự nghiệp đang phát triển ở mức lưng chừng, cùng với đó là sự lớn mạnh của fandom để củng cố vị thế trước khi quyết định áp dụng những hướng đi mới mẻ, có phần xa lạ, gần như không “thoả thuận” được với sở thích và nhu cầu từ công chúng. Nếu cứ tiếp tục tình hình không mấy khả quan này, nguy cơ Red Velvet phải nhường lại vị trí cho những đối thủ tiềm năng xung quanh là điều sớm muộn.
Xem thêm: Joy (Red Velvet) chia sẻ cảm nhận khi đọc những bình luận ác ý về 'Zimzalabim'