Khi một nghệ sĩ làm được điều thị trường đang thiếu, một cách nghiêm túc, họ sẽ có tấm vé ưu tiên, đó có thể coi là một may mắn, vì sẽ rất nhiều người chung tay tình nguyện đẩy bớt đi những lực cản xung quanh họ.
Các hình tượng thành công ở Việt Nam và quốc tế cũng phải có một công thức tương tự như vậy. Không phải tự nhiên Dương Khắc Linh dành thời gian và sự tâm huyết hiếm có cho album We’re still young, dù anh đang bị “delay” nhiều dự án quan trọng và một lịch ngồi giám khảo “khó thở”. Không phải tự nhiên ekip quay hình cùng sản xuất hình ảnh lên một lịch làm việc quay cuồng chỉ 5-7 ngày trước khi MV chủ đề Bye Bye xuất hiện chính thức trên cộng đồng. Và trên hết, khán phòng buổi họp báo chật ních những vị khách mời với số lượng không hề thua kém một minishow đã chứng tỏ sức hấp dẫn tự nhiên, đến từ 4 chàng trai Hà Nội, dù trong số họ không có ai sở hữu ngoại hình thần tượng như kiểu 365 hay V.Music trước đó.
Theo ngôn ngữ của những cậu học sinh đương đại thì We’re still young “sặc mùi” thành thị. Oplus chấp nhận đẩy đến tai nghe của khán giả thị hiếu nghe nhạc Tây phương với khúc thức và màu nhạc kiểu châu Âu dễ nhận biết. Họ có sự mượt mà, tình cảm, hoà quyện của Westlife, nhưng cũng có sự nghịch ngợm, ngầm loạn của One Direction. We’re still young tiếp nối sự khởi đầu từ single No way trước đó của Oplus cùng nhạc sĩ Dương Khắc Linh, một sản phẩm ra mắt ngay sau khi chương trình Nhân tố bí ẩn kết thúc, vốn là một điểm đầu tạo sự khơi gợi vừa phải, nhưng đủ hứng khởi cho 4 track còn lại trong album được sản xuất sau này.
Oplus bị áp đặt hình tượng… già dặn, vốn bị cả 4 thành viên coi như một sự “khắc khổ” hình thức mà đến thời điểm này, họ đủ vị trí và thiên thời, địa lợi để đẩy tung cảm giác đó ra khỏi tâm trí khán giả. Đó là sự khắc nghiệt của một nhóm nhạc kiểu mẫu.
Từ vị trí á quân của Nhân tố bí ẩn 2014, Oplus khi đó phải gò mình vào đường đi nước bước theo một thứ chiến lược dài hơi. Họ cover các ca khúc “ăn khách” trong cuộc thi, và tìm tòi, vỡ bài những ca khúc dành cho đối tượng khán giả có tuổi, như một bước đệm xuất hiện trong các chương trình lớn của thế hệ ngôi sao tên tuổi, có bệ đứng vững. Tấm giấy thông hành đó là điểm khởi đầu, đánh dấu cả một hành trình phải vượt qua. Và thông điệp, không phải khi nào cũng có thể làm thứ mình thích ngay lập tức, sẽ là một bài học nhãn tiền và bổ ích cho tất cả những nghệ sĩ trẻ khác.
Có 2 chi tiết rất thú vị trong thời điểm ra mắt của album We’re still young, đó là sự sốt ruột muốn bung hết ra khỏi những thứ cũ kĩ, quen thuộc của Oplus, và thứ 2, một câu nói ngô nghê, chưa sõi, nhưng đi vào nút thắt câu chuyện của nhạc sĩ Dương Khắc Linh (“chúc Oplus đơn giản có nhiều show, kiếm nhiều tiền”). Tâm lý của Dương Khắc Linh cộng hưởng với Oplus và sản phẩm chung của họ ở cùng cách nghĩ về một màu sắc âm nhạc châu Âu dễ chịu và cả ở sự thực dụng. Nếu Oplus xuất hiện cùng We’re still young ngay khi cuộc thi Nhân tố bí ẩn kết thúc, rõ ràng đó là một thất bại về mặt định hướng, và phí phạm một sản phẩm, nghe chừng là dễ chịu, bóng bẩy kiểu boyband trẻ tuổi, nhưng thực chất lại được đầu tư nhiều công sức và thời gian. Vì khi đó, khán giả sẽ nghĩ, một nhóm nhạc trẻ, hát những ca khúc kiểu Pop, Ballad quen thuộc với cấu trúc trẻ trung, khuôn mẫu quốc tế, sẽ trở thành điều quá… bình thường. Và họ sẽ nghĩ tiếp, nếu Oplus trở thành đại diện của hình tượng “nhân tố bí ẩn”, thì sự khởi đầu của họ, nếu có, với We’re still young sẽ trở nên không ấn tượng, dễ đoán định.
Trước Oplus đến với thị trường từng bước chậm rãi, chúng ta có một MTV khuynh đảo tất cả các “chiến trường” sinh viên và phòng trà, sự kiện. Ở khu vực phía Bắc, một M4U đã từng có thời điểm “vua các bài hit” với sự kết hợp cùng Thuỳ Chi, đã trở thành giai đoạn kỷ niệm khó quên đối với boyband ở thế hệ sau. Và sau đó 365 là hình tượng điển hình của nhóm nhạc thần tượng, định hình khả năng thành công như một sản phẩm thương mại đúng nghĩa, có danh tiếng, nhưng lại luôn bị đặt dấu hỏi về chất lượng chuyên môn trong âm nhạc. Từ một nhân tố bí ẩn về dòng nhạc già dặn, khác lạ những ban nhạc nam “khởi nghiệp” trước đó, cho đến thời điểm dám hát và định hình một không khí thành thị rõ ràng, tự tin, xuyên suốt một chuỗi hành trình, Oplus đã đủ thời gian để cho thấy sự khác biệt, và quan trọng hơn, hình ảnh “ban nhạc kiểu mẫu” với bè phối chỉn chu, thượng tôn giọng hát đã khiến cho We’re still young ra đời kịp lúc, với ý nghĩa bước ngoặt là như vậy.
Trưởng nhóm Nguyễn Quang Minh của Oplus từng có chia sẻ tự nhiên, nhưng mang tính thông điệp đầy ý nghĩa. Đó là khi trên đường vội vàng chuẩn bị đến buổi họp báo quan trọng cho We’re still young, có một sự cố cá nhân làm Minh hoảng loạn, anh định bốc máy gọi cho người đàn anh Lê Minh, trưởng nhóm MTV, một người anh tinh thần thân thiết của Quang Minh. Nhưng sau đó, anh dừng lại, tự mình giải quyết, vì Quang Minh tin rằng, đã đến lúc anh và Oplus tự mình giải quyết những nút thắt bước ngoặt. Đó là một quyết định mạnh mẽ, và cũng là thông điệp tiếp nối với 2 nhóm nhạc trải dài trên 2 giai đoạn, nhưng luôn nhận được sự khâm phục của giới trong nghề với tính chuyên môn cao.
MV Bye Bye của Oplus.
Oplus có một trưởng nhóm Nguyễn Quang Minh tự tin và khéo léo, người anh cả dẫn dắt với nhiều vai trò phải đảm trách, một Đức Tùng hơi… già tính, nhưng đi lên từ xuất phát điểm của một tác giả trẻ có tư duy, và 2 anh em sinh đôi Lâm, Linh luôn im lặng, không phát ngôn, nhưng khi hát, những nốt cao của họ với cách nhấn nhá “nổi da gà” đã thay cho mọi lời muốn nói. Trong bản ballad duy nhất của We’re still young là Chúng ta, do Oplus viết lời, có câu “Rồi trong nỗi cô đơn ta lại quay trở về, xin cho lúc này. Cứ mãi sống trong những giấc mơ, như ngày xưa…”. Điều đó không chỉ đúng cho một góc nhìn của tình yêu, của đôi lứa. Mà còn đúng với chính bản thân Oplus trên hành trình đã bớt phần khắc nghiệt mà họ đang đi. Khi đi qua những nỗi cô đơn và không tìm được sự thấu hiểu, người ta sẽ luôn muốn trở về “giấc mơ ngày xưa”, giấc mơ ban đầu. Đi qua những năm tháng định hình khó khăn về tên tuổi, hơn hết, We’re still young chính là “giấc mơ ngày xưa” được vẽ lại chân thật, gọn gàng của Oplus.