“Hát nhép” hay lip-sync, từ lâu đã luôn là một vấn đề gây tranh cãi cùng cực giữa khán giả và những người yêu âm nhạc. Đại đa phần đều chỉ trích việc hát nhép, xem đó là một sự lười biếng và thiếu tôn trọng khán giả. Thế nhưng, bạn có biết, có rất nhiều những màn trình diễn đỉnh cao, được ghi lại vào lịch sử âm nhạc đương đại, đều là những màn “hát nhép” một cách vô cùng lộ liễu? Cùng điểm qua về những “cột mốc” đáng nhớ sau:
Michael Jackson - Billie Jean tại Motown 25 năm 1985.
Năm 1985, tại sân khấu kỉ niệm 25 năm thành lập hãng thu âm Motown, Michael Jackson đã xuất hiện và trình diễn bản hit bất hủ Billie Jean. Tại nơi đây, ông đã lần đầu tiên giới thiệu đến với thế giới điệu nhảy huyền thoại -Moonwalk - một trong những điệu nhảy trứ danh “cộp mác” Ông hoàng nhạc Pop. Đây được đánh giá là một trong những sân khấu xuất sắc nhất trong lịch sử làng nhạc thế giới.
Tuy nhiên, một trong những điều thú vị, đây là màn trình diễn “hát nhép” 100% và được chính Michael đã thừa nhận, có thể thấy với hàng loạt động tác vũ đạo phức tạp, đặc biệt là màn “chào sân” của điệu nhảy huyền thoại Moonwalk, MJ đã buộc phải chọn hát nhép để có thể bảo toàn sức lực.
Madonna - Vogue tại MTV Video Music Awards 1990.
Madonna đã công khai hát nhép và lộ liễu đến mức bà… không cần phải dùng đến micro khi trình diễn hit đỉnh cao Vogue tại sân khấu MTV Video Music Awards 1990. Đây được đánh giá là một trong những sân khấu kinh điển nhất của lịch sử thế giới và luôn nằm trong top đầu bảng những màn trình diễn hay nhất tại VMAs, điều đó cũng đủ cho thấy sức ảnh hưởng từ sân khấu này lớn đến mức nào.
Là một sân khấu được dàn dựng công phu với bối cảnh nước Pháp cuối thế kỉ 18, Madonna đã hóa thân thành Vương hậu Marie-Antoinette của triều đình Louis XVI, tái hiện lại cảnh ăn chơi xa xỉ của giới quý tộc Châu Âu đương thời.
Whitney Houston - The Star-Spangled Banner tại Super Bowl 1991.
Màn trình diễn Quốc ca nước Mỹ tại giải đấu Super Bowl năm 1991 của diva Whitney Houston luôn nằm trong danh sách đứng đầu của những màn trình diễn Quốc ca Mỹ hay nhất mọi thời đại. Đây cũng được xem là một trong những sân khấu mà giọng hát Whitney Houston đã đạt đến trình độ thượng thừa, hát vang vọng, sáng và đầy năng lượng. Rất nhiều người Mỹ đã khóc khi nghe ca khúc The Star-Spangled Banner vang lên dưới giọng hát của Whitney Houston.
Tuy nhiên, vì đây là một giải đấu rất lớn, một sự kiện được xem qua trực tiếp trước hàng trăm triệu người Mỹ, BTC đã cho Whitney Houston thu âm trước ca khúc này, và đến khi buổi lễ diễn ra, Whitney đã hát chèn lên bản thu âm có sẵn từ trước. Hình thức này được gọi là playback, một dạng thức cao hơn của “lip-sync”.
Britney Spears - Gimme More tại MTV Video Music Awards 2007.
Không cần phải nói nhiều và nghĩ ngợi nhiều khi nói về Britney Spears, người được mệnh danh là Nữ hoàng của những màn hát nhép, khi gần như trong suốt sự nghiệp ca hát của mình từ năm 1998, số màn hát live của cô nàng mới thực sự là một con số hiếm hoi và làm người khác quan tâm.
Britney Spears “nhép” từ Grammy sang VMAs, từ AMAs sang đến BBMAs, gần như 95% các sân khấu đỉnh cao nhất của Britney Spears đều có bóng dáng của… lip-sync. Tuy nhiên, một trong những màn hát nhép tồi tệ nhất trong lịch sử cũng của chính Britney Spears, vào năm 2007. Một Britney với thân hình đáng lo ngại, hát nhép lộ liễu không khớp với khẩu hình miệng, một loạt động tác vũ đạo lờ mờ và uể oải, thiếu sức sống, cộng thêm hàng loạt vấn đề về đời tư - tất cả đã cùng nhau đánh gục Britney, khiến cho nữ ca sĩ đã òa khóc khi kết thúc màn trình diễn. Tuy nhiê, sau năm 2007, Britney đã thực sự “hồi sinh” từ đống tro tàn, nhưng đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Beyoncé - The Star-Spangled Banner tại Lễ Nhậm chức Tổng thống Barack Obama 2013.
Và cuối cùng, cũng là màn trình diễn Quốc ca Mỹ, nhưng lần này ca sĩ lại là Beyoncé, và sự kiện diễn ra lại là Lễ Nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ của ông Barack Obama vào năm 2013. Cũng cùng với lí do trên giống như Whitney Houston, đây tiếp tục là một sự kiện vô cùng quan trọng, nên để đề phòng tất cả bất trắc, Beyoncé đã chọn biện pháp playback. Phần thu âm trước ca khúc được thực hiện tại một studio gần đó của Quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định Beyoncé tuy sử dụng playback nhưng vẫn khiến cho hàng chục vạn khán giả tại đó phải lặng người trước những nốt cao chót vót, các cú ngân nga, run/ riff đậm chất r&b của nữ nghệ sĩ da màu quyền lực - khiến cả ông Obama cũng phải xúc động. Tuy nhiên, màn playback này lập tức gây tranh cãi trên mọi mặt trận. Sau đó hai ngày, tại một buổi họp báo sự kiện, Beyoncé đã “dằn mặt” tất cả mọi người có mặt trong căn phòng bằng một màn hát live quốc ca tuyệt đỉnh 100%.