Âm Nhạc

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh: 'Tôi khâm phục con trẻ ở sự sáng tao'

Chia sẻ

"Bà xã" của đạo diễn Đỗ Thanh Hải còn bày tỏ niềm khâm phục trước sự sáng tạo của con trẻ. Chị cho biết: "Có những ý tưởng bất ngờ mà người lớn không nghĩ ra, có những câu chuyện tưởng như phức tạp, nhưng nếu nghĩ một cách đơn giản hóa, hồn nhiên theo kiểu con trẻ thì tự nhiên mọi việc rất sáng tỏ"

“Trong hợp xướng khó khăn nhất là tìm được bản phối”

- Gần đây, giảng viên âm nhạc Đặng Châu Anh được nhắc đến nhiều trên báo chí không phải vì chị là vợ của đạo diễn nổi tiếng mà là vì chị cùng dàn hợp xướng thiếu nhi của mình liên tục gặt hái được những huy chương ở các kỳ cuộc thi Hợp xướng quốc tế, chị có chia sẻ gì không?

Nghề của tôi là chỉ huy hợp xướng và xuất phát từ niềm đam mê nghề nghiệp nên tôi quyết định thành lập một trung tâm nghệ thuật về hợp xướng và sư phạm âm nhạc.

Với dàn hợp xướng của tôi, khi muốn phát triển để đạt đến sự tổ chức chuyên nghiệp thì phải có những trải nghiệm, những hoạt động về luyện tập, biểu diễn, cọ sát thi đấu… tất cả đều nằm trong kế hoạch dài hơi, một dự án lớn về phát triển hợp xướng thiếu nhi Việt Nam.

Nghệ sỹ Châu Anh sẵn sàng kể rất nhiều câu chuyện về con nhưng tuyệt nhiên từ chối mọi câu hỏi về chồng.

Nghệ sỹ Châu Anh sẵn sàng kể rất nhiều câu chuyện về công việc, về con, nhưng tuyệt nhiên từ chối mọi câu hỏi về chồng.

- Đối tượng hướng đến là gì, thưa chị?

Ban đầu tôi thực hiện với dàn hợp xướng ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đối tượng là những học sinh chuyên nghiệp, nhưng sau đó, tôi thấy rằng, hợp xướng dành cho cả thế giới tuổi thơ chứ không chỉ ở một số bạn có năng khiếu. Với lẽ đó, tôi cùng các đồng nghiệp tâm huyết đã mở Trung tâm nghệ thuật Sol Art và dàn hợp xướng thiếu nhi cùng tên.

Để chọn ngôn ngữ riêng cho dàn hợp xướng, tôi hướng các em về lòng tự hào, tự tôn dân tộc bằng chính ngôn ngữ đặc sắc, dung dị và tinh tế của âm nhạc truyền thống. Tôi cùng các cộng sự lựa chọn những nhạc sĩ tâm huyết như nhạc sĩ Hoàng Lương để phối ra những bản hợp xướng với hình thức thể hiện phương tây, nhưng sử dụng chất liệu dân gian, đậm chất hồn Việt.

Sau khi dàn hợp xướng Sol Art đã đạt được những thành công cả ở trong nước lẫn quốc tế với những giải thưởng, chúng tôi “tấn công” sang những học sinh không chuyên ở mái trường phổ thông - đó là hàng ngàn học sinh ở hệ thống giáo dục Vinschool. Tại đây, chúng tôi đào tạo giáo viên, cùng họ đưa được dàn hợp xướng đi biểu diễn và đạt được thành tích nhất định như Huy chương vàng, giải Triển vọng tại Hội thi Hợp xướng Quốc tế, tổ chức ở Hội An (Quảng Nam).

Châu Anh nhận mình là người bạn của âm nhạc.

Châu Anh nhận mình là người bạn của âm nhạc.

Dàn hợp xướng Vinschool biểu diễn tại Đức, do Thùy Chi chỉ huy.

- Một tác phẩm hợp xướng phải là sự kết hợp của ngôn ngữ âm nhạc Tây phương cùng những chất liệu dân gian, đậm chất hồn Việt, điều này có gây khó khăn cho chị cùng các cộng sự khi dàn dựng?

Điều khó khăn nhất là phải tìm được bản phối tốt. Sau khi “nhặt” được một chất liệu dân gian đầy cảm hứng thì việc tìm một nhạc sĩ có khả năng kết hợp giữa khí nhạc và hợp xướng rất khó, bởi đa phần các nhạc sĩ tập trung phối khí cho những ca khúc phổ thống như pop, R&B…,

Lâu nay các nhạc sĩ Việt Nam không phối những làn điệu dân gian để trở thành một tác phẩm hợp xướng, bởi lối hát của dân gian thường là hát đồng giọng, có thể hát đơn, hát tốp, hát đuổi nhau nhưng theo ngôn ngữ khác chứ không theo kiểu hợp xướng, cho nên điều quan trọng là làm sao truyền tải được ngôn ngữ vừa mang màu sắc của dân tộc Việt Nam lại hội nhập được với thế giới.

- Bận rộn với vai trò làm vợ, làm mẹ cùng công việc giảng dạy ở khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chị còn đâu thời gian để quán xuyến Trung tâm nghệ thuật Sol Art nữa?

Sol Art là trung tâm nghệ thuật có cả một bộ máy vận hành. Tôi vinh dự được “ở” vị trí giám đốc nghệ thuật, cố vấn chương trình và chủ yếu làm việc online (trực tuyến). Việc sắp xếp thời gian không thực sự khó lắm. Thỉnh thoảng, tôi cũng bố trí thời gian đến đào tạo giáo viên, giám sát chương trình và tham gia các sự kiện của Sol Art.

Nghệ sĩ Đặng Châu Anh với dàn hợp xướng thiếu nhi trong một sự kiện.

Nghệ sĩ Đặng Châu Anh với dàn hợp xướng thiếu nhi trong một sự kiện.

- Để làm được công việc này, người “nhạc trưởng” cần có những phẩm chất gì?

Người “nhạc trưởng” cần có một thẩm mỹ âm nhạc cao, tư duy âm nhạc tốt, chủ động, trách nhiệm, quan trọng nhất phải yêu nghề.

“Tôi học hỏi được ở con trẻ sự hồn nhiên, trong sáng”

- Trong một bài phát biểu gần đây, chị từng nhận mình là người bạn của trẻ thơ, vậy khi tiếp xúc và gắn bó sự nghiệp giáo dục âm nhạc cho trẻ em, chị học hỏi ở các con được điều gì?

Tôi thấy may mắn khi được làm đúng nghề mình yêu thích và phù hợp với sở trường, tích cách, kỹ năng… đã được đào tạo. Làm việc với các bé tôi không chỉ là một nhạc trưởng, nhà sư phạm âm nhạc mà với thế giới trẻ thơ tôi còn là một người bạn. Tôi học hỏi được ở trẻ thơ rất nhiều: sự hồn nhiên, trong sáng, sự lạc quan, niềm vui ở con trẻ, nhiều khi trẻ con rất sáng tạo, có những ý tưởng bất ngờ mà người lớn không nghĩ ra, có những câu chuyện tưởng như phức tạp, nhưng nếu nghĩ một cách đơn giản hóa, hồn nhiên theo kiểu con trẻ thì tự nhiên mọi việc rất sáng tỏ và giải quyết một cách dễ dàng. Tôi khâm phục con trẻ ở điều đó.

q

Đặng Châu Anh chia sẻ: “Tôi học hỏi được ở trẻ thơ rất nhiều: sự hồn nhiên, trong sáng, sự lạc quan, niềm vui ở con trẻ”.

- Khi tham gia hợp xướng âm nhạc, các em thiếu nhi thu được những gì?

Đó là một thẩm mỹ âm nhạc cao, khả năng tai nghe tuyệt vời, sự tinh tế trong việc lắng nghe cuộc sống thông qua ngôn ngữ âm nhạc, bên cạnh đó các em rèn luyện được sự tự tin, kết nối cộng đồng.

Bên cạnh đó, khả năng sáng tạo trong hợp xướng cũng được phát triển, bởi sau khi các bạn nhận tác phẩm mới thì nhà chỉ huy, giáo viên khuyến khích các em tham gia vào quá trình sáng tạo trong bản hợp xướng, trong cách dàn dựng sân khấu…

- Chị từng chia sẻ, dạy trẻ em là một điều rất thích thú, nhưng đó là công việc không đơn giản, chắc hẳn một mình chị không thể kham nổi những công việc này, vậy ai là “cánh tay phải” của chị?

Ở bất cứ dự án nghệ thuật nào thì tôi đều có những “guồng máy” và cộng sự rất thân thiết. Tôi tự nhận mình là người may mắn bởi đi đến đâu tôi cũng có những ê-kíp rất tuyệt vời, nếu không có những đồng nghiệp, những người cộng sự thân tín thì những chương trình không thể nào tốt đẹp được.

Sol Art bên cạnh bộ máy tổ chức thì ở phía nghệ thuật tôi có những học trò cũ đã theo tôi từ khi họ còn là những hợp xướng viên bé xíu như Thùy Chi, Hoàng Hương Mai, Hà Thúy Hằng, Giang Hương, Hải Yến…

Dàn hợp xướng Sol Art biểu diễn

- Khi hợp tác với “đệ tử” - ca sĩ Thùy Chi, chị đánh giá như thế nào về tác phong làm việc của cô ấy?

Thùy Chi là người sống rất tình cảm, chính trực, chân thành, giản dị nhưng sáng tạo vô cùng, là một cá tính nghệ thuật tuyệt vời, nổi lực và đầy cảm xúc. Tôi học được ở Thùy Chi rất nhiều điều và khâm phục em ấy ở sự sáng tạo trong ý tưởng dàn dựng, kỹ năng thanh nhạc.

- Cám ơn những chia sẻ của chị!

Chỉ huy hợp xướng Đặng Châu Anh sinh năm 1972. 

Năm 1997 Đặng Châu Anh tốt nghiệp xuất sắc tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tu nghiệp tại Sydney, Australia. Năm 2006 cô tốt nghiệp thạc sĩ. Từ năm 1997 đến năm 2008 học nâng cao chỉ huy hợp xướng sư phạm âm nhạc tại học viên âm nhạc Malmo, Thụy Điển.

Trong suốt hơn 10 năm, Châu Anh làm giảng viên âm nhạc, chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc tại trường quốc tế Hà Nội - International school.
- Giảng dạy Cảm thụ âm nhạc, chỉ huy dàn nhạc và dàn hợp xướng tại trường Quốc tế Hà Nội (HIS).
- Giảng dạy tại khoa Lý luận sáng tác chỉ huy, dàn dựng và chỉ huy dàn hợp xướng thiếu nhi Nhạc Viện Hà Nội.

Năm 2009, tham gia và đạt huy chương đồng Festival hợp xướng thế giới tổ chức tại Hàn Quốc. Đồng thời, qua lần tham dự này đã chứng tỏ Việt Nam xứng đáng là chủ nhà của World Choir Championships năm 2011.

Ngoài ra, Châu Anh nhiều năm làm MC của các chương trình âm nhạc: Tác phẩm mớiVTV Bài hát tôi yêu. Cô còn tham gia các chương trình VTV với tư cách là biên tập viên, giám khảo âm nhạc: Chung kết Đường lên đỉnh Olympia (nhiều năm), lễ trao giải Trí tuệ Việt Nam, chương trình Người đương thời, Nỗi đau da cam, các chương trình cầu truyền hình Chào xuân của nhiều năm… Gần đây, Đặng Châu Anh là cái tên không còn xa lạ với khán giả truyền hình, đặc biệt là với các em nhỏ trong vai trò là giám khảo nhí nhảnh, hài hước của chương trình ca hát dành cho thiếu nhi.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất