Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Âm nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong cảm nhận của Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam

Đàm Vĩnh Hưng ví nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “tượng đài” của nền âm nhạc Việt Nam đương đại còn diva nhạc nhẹ Thanh Lam coi nhạc sĩ "Cô đơn" là người “sinh ra để viết những bản tình ca”.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ trong chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Khi cùng nữ danh ca đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn rầu, Khánh Ly gặng hỏi: “Còn thương nó không bạn?” - ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó.

Sẵn cây đàn guitar trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”. Đến khi trở về Việt Nam, giọng ca Còn tuổi nào cho em đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. Trước đề nghị đó, ông đã hoàn tất nhạc phẩm đầu tay của mình trong một thời gian ngắn.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bên cây đàn dương cầm.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bên cây đàn dương cầm.

Sinh thời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sáng tác không nhiều, song những nhạc phẩm của ông đều tràn đầy cảm xúc, tự sự như tiếng lòng của những người đang yêu. Những trạng thái Cô đơn, Bơ vơ, Buồn ơi chào mi… được cất lên nhẹ nhàng, lãng mạn và đầy thổn thức.

Có nhiều ca sĩ hát nhạc của Nguyễn Ánh 9, tuy nhiên không phải ai cũng được ông khen ngợi. Ngay cả những ca sĩ trứ danh trong làng nhạc Việt cũng từ bị ông thằng thừng chê bai, dù có người sở hữu giọng hát đẹp và đầy tính học thuật.

Với ông, yếu tố cảm xúc trong giọng hát của người thể hiện mới khiến ông hài lòng và ấn tượng. Chẳng thế mà đến diva Thanh Lam - người có ảnh hưởng không nhỏ đến cách hát của một số ca sĩ đương thời cũng bị ông chê tơi tả. Trong một bài chia sẻ về nhạc Việt nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không ngần ngại nói: “Khi nghe Thanh Lam hát “Cô đơn”, tôi buồn lắm! Hát còn thua một ca sĩ nghiệp dư vì không có cảm xúc, dù giọng đẹp thiệt”.

Hay như “ông hoàng nhạc Việt” cũng bị tác giả Buồn ơi chào mi phân tích, mổ xẻ, chê bai: “Đàm Vĩnh Hưng chỉ được bề nổi vậy thôi, tôi không cho là ca sĩ đúng nghĩa. Tôi chỉ cho Đàm Vĩnh Hưng là một người hát. Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu” và “Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sĩ chính của phòng trà đâu!”, vị nhạc sĩ gạo cội quả quyết.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chê tơi tả Đàm Vĩnh Hưng khi anh hát nhạc của ông. Mặc dù có những phản pháo không hay nhưng sau tất cả Đàm Vĩnh Hưng vẫn dành cho ông sự trân trọng.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chê tơi tả Đàm Vĩnh Hưng khi anh hát nhạc của ông. Mặc dù có những phản pháo không hay nhưng sau tất cả Đàm Vĩnh Hưng vẫn dành cho ông sự trân trọng.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn kể một kỷ niệm vui với giọng ca Biển tình rằng: “Khi Đàm Vĩnh Hưng hát bài “Ai đưa em về” về của tôi, tôi bảo con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm. Tôi không thích, tôi nói thẳng luôn. Đàm Vĩnh Hưng nói nhưng con thích hát nhạc bố… Tôi nói nhưng con không nên hát nhạc của bố thì hay hơn”.

Trước những lời nhận xét này, Mr. Đàm từng viết một bức tâm thư khá dài và đăng trên trang Facebook cá nhân với những lời lẽ vô cùng khó chịu và có ý trách nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. “Nếu đó là những lời chú phát biểu thì thật tiếc cho chú với hình ảnh đẹp dễ thương, hiền lành trong suốt bao nhiêu năm qua chú mải công “giữ gìn” nay tan biến và Đàm Vĩnh Hưng cho đó là hình ảnh của Ngụy Quân Tử thưa chú. Và nếu đúng, thì cũng đã đến lúc chiếc mặt nạ đó phải được tháo xuống bởi chính chú!”, nam ca sĩ viết.

https://www.youtube.com/watch?v=w5RMFpahQ50

Đàm Vĩnh Hưng hát Ai đưa em về của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Tuy vậy, sau khi nhận ra đúng sai phải trái, Đàm Vĩnh Hưng đã đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói chuyện và trực tiếp xin lỗi ông.

Nghe tin vị nhạc sĩ từng có hiểu lầm với mình qua đời vào chiều ngày 14/4, “ông hoàng nhạc Việt” nấc nghẹn: “Là người được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 coi như con cháu trong nhà, tôi thấy mất mát và đau lòng khi nghe được tin chú mất. Tôi đang ở Hà Nội nên không biết nói gì hơn, ngay sáng mai tôi sẽ bay về Sài Gòn để đưa tiễn chú 9“. Đặc biệt, trong đêm nhạc này, anh còn chủ động biểu diễn ca khúc Ai đưa em về - Một trong những sáng tác hay nhất của Nguyễn Ánh 9 để tướng nhớ đến vị nhạc sĩ tài hoa này.

Trong hậu trường, người viết có khơi lại phút bốc đồng của Đàm Vĩnh Hưng khi dùng những lời lẽ nặng nề chỉ trích nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Hỏi lại câu chuyện cũ, những tưởng Mr Đàm sẽ không trả lời hoặc trả lời không đúng trọng tâm, nhưng chưa dứt câu, nam ca sĩ nhanh chóng bộc bạch: “Khi ấy tôi giận ông dữ lắm, bởi từ trước đến giờ ông hiền lành và dễ thương vô cùng. Tôi không nghĩ ông lại nói ra những lời như ấy. Tính tôi vốn nóng nảy, không kiềm chế được cảm xúc nên “bung” ra hết vậy đó. Giờ nghĩ lại thấy mình tệ thật”.

Đàm Vĩnh Hưng nghẹn ngào khi thể hiện ca khúc Ai đưa em về.

Đàm Vĩnh Hưng nghẹn ngào khi thể hiện ca khúc Ai đưa em về.

Anh còn cho biết, kỷ niệm nhớ nhất với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là lần biểu diễn tại hải ngoại, khi ấy Đàm Vĩnh Hưng hát tình ca Ai đưa em về và được chính “cha đẻ” của ca khúc đệm đàn. “Lần đầu biểu diễn nơi xứ người mà được chính bố Chín giới thiệu rồi còn đệm đàn, tôi xúc động lắm. Về đến khách sạn tôi không ngủ được vì quá sung sướng”, nam ca sĩ sinh năm 1971 tâm sự.

Đối với anh: “Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là một “tượng đài” của âm nhạc Việt Nam. Những sáng tác của ông đi vào lòng người nhẹ nhàng, tự nhiên như suối chảy. Ông như con tằm rút ruột nhả tơ”.

Còn với Thanh Lam thì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “người rất lãng mạn, duy mỹ và sinh ra để viết những bản tình ca”. Những bản tình ca của ông không sến súa mà rất đời, thổn thức, dễ chạm vào trái tim người nghe nhạc.

Trong đêm nhạc Hội ngộ tháng 4 (14/4) Thanh Lam hát ca khúc Cô đơn và cúi đầu tưởng nhớ vị nhạc sĩ.

Trong đêm nhạc Hội ngộ tháng 4 (14/4) Thanh Lam hát ca khúc Cô đơn và cúi đầu tưởng nhớ vị nhạc sĩ. Ảnh: Bình Quách

Nữ ca sĩ Hà thành từng có may mắn thể hiện 2 nhạc phẩm của ông là Cô đơnBuồn ơi chào mi. Mặc dù không nhận được lời khen ngợi từ ông, nhưng Thanh Lam luôn muốn đưa sự tươi mới vào các ca khúc trữ tình của Nguyễn Ánh 9. Chị tâm niệm: “Tôi luôn muốn thổi vào âm nhạc tiếng nói của trái tim mình, miễn sao bản thân đã hát bằng tất cả đam mê và sự cảm nhận”.

Thanh Lam hát ca khúc Cô đơn.

Dù chưa có duyên hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhưng ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ, anh là khán giả ruột những nhạc phẩm của ông. Anh nhận xét: “Những ca khúc của bác Chín rất lãng mạn. Đó là những tâm tư tình cảm, những chia sẻ phóng khoáng và là những cảm nhận tinh tế của bác với cuộc đời với con người”.

Thế hệ nhạc sĩ như bác Chín cả trong Nam và ngoài Bắc đều có những tư tưởng lớn xuyên suốt các ca khúc. Những ca khúc viết về con người, nhân tình thế thái hay tình yêu quê hương đất nước… luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim công chúng yêu nhạc. Chúng ta tiếc thương sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bao nhiêu thì cũng trân trọng những nhạc phẩm của bác bấy nhiêu”, “ông hoàng nhạc đỏ” chia sẻ thêm.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh. Ông sinh năm 1939 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Năm 18 tuổi ông bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc.

Những năm 1980 ông cho ra mắt một số ca khúc như Tình yêu đến không giã từ, Mênh mông tình buồn, Cho người tình xa, Cô đơn, Buồn ơi chào mi… Vài năm gần đây, nhạc sĩ không còn sáng tác nhưng ông vẫn chơi dương cầm tại một số khách sạn ở TP HCM.

Năm 2006, Trung tâm Thúy Nga tổ chức đại nhạc hội trực tiếp thu hình Paris By Night 83 chủ đề Những khúc hát ân tình để vinh danh ông cùng hai nhạc sĩ khác.

Năm 2010, chương trình Con đường âm nhạc tháng 11 vinh danh nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã diễn ra tại Nhà hát Quân đội, TP HCM và được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia.

Ngày 20/3, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được đưa đến bệnh viện Hoàn Mỹ TP HCM để cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Tuy nhiên, sau gần một tháng nằm viện, nhạc sĩ hôn mê trở lại và ra đi vào trưa ngày 14/4.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm