Ngồi xuống đây, nghe tôi kể câu chuyện về những chiếc album năm qua

Ngồi xuống đây, nghe tôi kể câu chuyện về những chiếc album năm qua

Logo Saostar - Special special

Ngồi xuống đây, nghe tôi kể câu chuyện về những chiếc album năm qua

Copy Link
Chia sẻ

Tôi nhớ, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Vũ Cát Tường đã từng nói (đại ý) rằng, với bất kì một người nghệ sĩ nào, việc sáng tạo nhất chính là “lao đầu” vào việc làm nhạc, thực hiện album Và nếu có thể nói về năm 2018 của Vpop, thì chính là việc, các nghệ sĩ Việt đang ngày càng mạnh tay hơn trong việc sản xuất album - một tín hiệu đáng mừng của làng nhạc Việt. Năm 2019 rồi, cùng ngồi xuống đây, và cùng nghe tâm tình xoay quanh chiếc CD be bé xinh xinh, nhưng chứa trong đó cả một thế giới của người nghệ sĩ.

Thị trường âm nhạc Việt Nam có thể xem là một mảnh đất khá kì lạ. Người Việt Nam có yêu âm nhạc không? Có chứ. Dân tộc Việt Nam có thể xem là một dân tộc yêu âm nhạc, từ ngàn xưa cho đến tận thời điểm những dòng này đang được viết ra, đó là một điểu chẳng cần phải chứng minh vì nó như là một phần của cuộc sống con người. Tuy nhiên, nếu ngay tại thời điểm hiện tại, khi được hỏi: “Bạn có sẵn sàng chi một số tiền tương đối để mua một sản phẩm âm nhạc?”, chắc chắn bạn sẽ nhận được những câu trả lời hoàn toàn khác biệt. Để tôi cho bạn một dự đoán về câu trả lời luôn nhé: rất đông người sẽ lắc đầu và bảo không, một bộ phận không nhỏ sẽ phân vân, và sẽ không nhiều người trả lời có. Điều đó có nghĩa là gì? Người Việt Nam vẫn chưa tạo cho mình được ý thức về việc “mua nhạc”, đại đa số vẫn xem việc mua một bài nhạc là một điều hẳn vô lí và trái ngang đến mức họ không tưởng tượng được. Phải rồi, vì âm nhạc nghe xong lại còn ở ngay đấy, chứ đâu có bổ béo gì cho mỗi con người? Họ có thể bỏ tiền ra để mua một li trà sữa một cách không chần chừ, nhưng để cùng với số tiền đó, mua một sản phẩm âm nhạc vẫn là một điều đầy đắn đo.

Ở thời đại nhạc số thống trị, nơi Spotify và iTunes lấn lướt hoàn toàn, việc con người ta bỏ một số tiền kha khá để mua trọn vẹn một album dường như đã là một điều xa xỉ. Ở Việt Nam, khái niệm làm một album trọn vẹn không phải là ưu tiên số một của tất cả nghệ sĩ Việt Nam, vì tính chất đặc thù của khán giả Vpop, các nghệ sĩ Việt chuộng ra mắt các sản phẩm đơn lẻ, tập trung làm MV để quảng bá, sau đó lại tiếp tục với những ca khúc đơn lẻ theo đúng vòng xoay ấy. Đó hoàn toàn không phải là một điều đáng trách, mà ngược lại, đáng khuyến khích để dần dần gầy dựng một nền âm nhạc Vpop có bản sắc và chất lượng. Tuy nhiên, với một nghệ sĩ Việt mà nói, việc ra mắt một album vừa là một điều mạo hiểm, thử thách cũng vừa là món quà tưởng thưởng xứng đáng, một dấu son đáng tự hào.

Năm 2018, ngày càng nhiều các nghệ sĩ đã bước ra khỏi con đường quen thuộc từ trước đến giờ để mạnh dạn thực hiện album. Và nếu nhìn về bữa tiệc âm nhạc được dọn ra vào năm 2018, sẽ là một sự thiếu sót lớn nếu chúng ta không đề cập đến những album đầy chất lượng và tâm huyết, hơn cả một câu trả lời - mà nó là một lời khẳng định,

Có thể xem một trong những dấu ấn mạnh mẽ nhất của năm 2018 trong thị trường Vpop chính là việc các nghệ sĩ đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc ra mắt một album. Thị trường nghe nhạc Việt Nam vẫn chưa thực sự mặn mà với việc mua trọn vẹn một album, đó là điều bất cập mà ai cũng có thể thấy. Các nghệ sĩ Việt vẫn ưa chuộng ra mắt những single nhỏ lẻ chứ chưa thực sự mạnh tay với mảng album phòng thu. Tuy nhiên, trong thời điểm mà khán giả đa số chưa quen với việc bỏ ra một số tiền tương đối để mua album, đã có các nghệ sĩ mạnh dạn thực hiện việc đấy, có thể kể đến album Một mình có sao đâu của Đàm Vĩnh HưngStardom của Vũ Cát TườngDramatic của Bích Phương, một chút gió lạ như Saigon Feel của Hồ Trung Dũng, hoặc “hầm hố” như Ten on Ten của Đông Nhi, đó có thể xem là những album tiêu biểu của năm 2018.

Đàm Vĩnh Hưng nói về album mới nhất của mình: “Trước tiên, tôi phải khẳng định rằng đây là 1 album đúng nghĩa nhất từ trước đến giờ trong suốt hơn 20 năm ca hát của mình. Album này mang một sắc thái tổng thể, đồng nhất về mặt hình ảnh, màu sắc và nội dung ca khúc cũng vô cùng hài hòa với nhau. Nói tóm lại, đó là một tổng thể chung không lẫn vào đâu được. Bấy lâu nay, Hưng hay có các sản phẩm riêng lẻ nghiêng về dòng ballad, rumba hoặc các ca khúc nhạc ngoại lời Việt, tuy nhiên, tất cả đều không được trọn vẹn và thống nhất. Album này là sản phẩm đúng với những gì anh mong muốn: đây là sản phẩm hoàn hảo nhất, sắc thái âm nhạc rõ ràng nhất.”

Và Đàm Vĩnh Hưng mang đến cho chúng ta những gì? Một album trọn vẹn với mười bài hát, một Mr. Đàm rất tươi trẻ, rất mới nhưng vẫn giữ được đúng cái chất “ngông” vẹn tròn của một Ông Hoàng nhạc Việt. Trong Một mình có sao đâu, một lần nữa ta lại thấy được vì sao người đàn ông này lại có một sức sống lâu bền đến thế giữa thị trường nhạc Việt, anh luôn biến đổi không ngừng!

Một mình có sao đâu - ca khúc chủ đề của album.

Nói về đứa con tinh thần của mình- Stardom, Vũ Cát Tường lại có những trăn trở và suy tư riêng: “Thế giới âm nhạc của tôi rất đa dạng, phải là một album thì khi đó mọi người mới biết Vũ Cát Tường như thế nào. Đầu năm 2018, Tường đã ngồi lại và suy nghĩ điều gì đã làm nên cuộc sống của mình ngày hôm nay, như vậy suốt cả tháng sau đó, tôi đã ngồi trên máy tính để làm việc. Trong vòng 3 tháng thì Tường đã hoàn thành các sáng tác trong album. Khi người ta nhìn vào Tường giống như nhìn từ dưới đất lên ban công còn vào sâu trong nhà thì người ta chưa bao giờ được thấy. Album sẽ giúp người hâm mộ có thể hiểu được rằng dù cuộc sống của Vũ Cát Tường từng lạc lối, từng nổi loạn nhưng họ vẫn yêu”. 

Và Stardom có thể xem là một trong những concept album chỉn chu và văn minh bậc nhất của làng nhạc Việt trong vài năm đổ lại đây. Cả album là một câu chuyện tổng thể, cần phải nghe rõ từng bài, theo đúng thứ tự, thì khán giả mới có thể “cảm” được cái mạch nguồn ấy. Với Stardom, Vũ Cát Tường đã thực sự chứng tỏ cho khán giả thấy tài năng, đam mê và cả cái “ngông nghênh” trong nghệ sĩ tính của mình. 10 ca khúc là 10 lát cắt, 10 câu chuyện khác nhau, về những suy tư, trăn trở rất “đời”, không giáo điều, mà đến từ những cảm xúc chan thật nhất của Vũ Cát Tường.

Leader

Trở lại với dự án 10 năm, Đông Nhi lại trải lòng: “Việc sản xuất album như chứng tỏ một dấu ấn nào đó để mình cống hiến và mọi người thì nhìn vào đó và hình dung được tổng thể những gì mình làm. Không giống như một vài single tung trên mạng. Sản phẩm đơn lẻ không phải không có giá trị nhưng không thể tổng hợp như một sản phẩm chính thống. Và nó phần nào làm uổng phí chất xám của cả tập thể. Album có giá trị về mặt thời gian và cảm xúc nhiều hơn. Dự án 10 năm, Nhi mong muốn có 1 album để bản thân giới thiệu với mọi người về hình ảnh, âm nhạc mới để mọi người hình dung năm sau Nhi thế nào. Cũng có những vật phẩm đi kèm để phục vụ fan, thay vì chỉ nghe nhạc thì các bạn có thêm những dấu ấn cá nhân dễ thương.”

Bích Phương, có thể xem là một trong những hiện tượng nổi muộn, nhưng một khi đã chạm đến mức độ nổi tiếng, mức độ phủ sóng của cô nàng không hề kém cạnh với những tên tuổi hot nhất hiện nay. Bích Phương có vẻ là một hiện tượng lạ, rất lạ của Vpop. Rõ ràng, ẩn sau cái vẻ “ngây ngô” làm rụng rời bao con tim ấy, là một bản lĩnh nghệ sĩ đích thực, là một tài năng không phải dễ kiếm cùng một chút may mắn rọi chiếu vừa đủ - tất cả đã thành hình nên cái tên Bích Phương, với một vị trí vững vàng trong trái tim người yêu nhạc Việt.

Dramatic là sự kết hợp của một đội ngũ cực kì ăn ý: Bích Phương - Tiên Cookie - DuongK - Phạm Thanh Hà, vẻn vẹn 7 ca khúc, nhưng là 7 cuộc dạo chơi đầy thú vị trong âm nhạc không giới hạn. Nghe trọn vẹn Dramatic, ta mới thấy cái chất nhạc của album nhiều lúc cứ như đang đùa giỡn và tung hứng trong từng giai điệu, lại nhiều khi bỡn cợt, lắm lúc lại trễ nãi và nũng nịu như chính Bích Phương vậy.

Drama Queen, một trong những sản phẩm gây tranh cãi rất lớn thời điểm ra mắt vì tạo hình có phần 16+ của nữ ca sĩ.

Nói về Hồ Trung Dũng với album độc đáo Saigon Feel, đó lại là một thế giới rất khác, tuy nhiên, trong dư vị của những ngày đầu năm, một chút Jazz lãng đãng cũng là một điều thú vị để cuộc sống lại thêm phần thú vị. Cũng cần biết rằng có những bài hát tốn của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh tầm 1-2 năm để hoàn thành, và có ca khúc mất đến 5 năm để thu âm xong. “Thu âm ở đây không phải chỉ là bước vào phòng thu vài tiếng là xong đâu. Jazz khác pop, pop chỉ cần sự chỉn chu, kĩ thuật và cảm xúc - Jazz cần sự ngẫu hứng một cách tự nhiên. Có những ca khúc tôi phải đem ra ngoài biểu diễn, ở những đám đông nhỏ để tập, rồi lại vào phòng thu, thu xong để đó cốt chỉ để cho “vỡ bài”. Có khi phải vài năm sau, tôi mới quay trở lại phòng thu để tiếp tục thu tiếp.”

Sài Gòn có mùa thu từ dự án Saigon Feel.

Tuy nhiên, nếu nói tất cả các album trên có thể vẽ nên được một bức tranh tổng thể, đủ cho chúng ta hình dung về bộ mặt âm nhạc Việt Nam 365 ngày vừa qua, thì chắc chắn vẫn chưa thể. Việc làm album đã được đẩy mạnh, tư duy làm album đang ngày càng mạnh mẽ trong Vpop, nhưng số lượng vẫn chưa đủ để tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, hay đủ để tạo thành một bức tranh tổng thể khi đặt cạnh nhau.

Đa phần vẫn đi theo con đường cũ, dễ có cơ hội thắng, ít mạo hiểm hơn rất nhiều. Nhưng tôi không xem đó là sự nhút nhát vì bởi lẽ việc ra mắt album với một nghệ sĩ mà nói, cần phải hội tụ đủ nhiều yếu tố, để mang đến một sản phẩm được trau chuốt nhất. Vội vàng, hay chưa “chín muồi”, có lẽ chỉ chuốc lấy sự thất bại mà thôi.

Năm 2018 đã trôi qua với những tín hiệu vô cùng đáng mừng cho làng nhạc, cả về chất lượng và cả số lượng. Đầu tiên, các tên tuổi nghệ sĩ kì cựu trở lại và chứng tỏ cho khán giả rằng: sức sáng tạo của họ vẫn chưa đạt đến giới hạn sau cùng. Các nghệ sĩ trẻ tên tuổi tiếp tục “oanh tạc” thị trường với hàng loạt sản phẩm ngày càng chất lượng về mặt nghe lẫn phần nhìn, và chất lượng ngày càng tiệm cận với khu vực và thế giới. Các hiện tượng mới xuất hiện như những làn gió mới, làm tươi trẻ thêm mặt bằng chung của nền âm nhạc. Ranh giới giữa indie và mainstream không còn trở nên quá gay gắt nữa, khán giả ngày càng dễ dung hòa giữa hai lãnh địa âm nhạc với nhau hơn, một nghệ sĩ indie không ai cấm cản họ bước đến địa hạt mainstream, một nghệ sĩ mainstream cũng thoải mái phiêu du làm những bản nhạc indie để thỏa cái tôi nghệ sĩ. Các nghệ sĩ kì cựu vẫn sẵn sàng đứng chung sân khấu với đàn em, với họ, nghệ thuật đã từ lâu không còn rằn lanh tuổi tác, tất cả mọi rào cản đều được hạ xuống khi có một tiếng nói chung: âm nhạc.

Tất cả các yếu tố tổng hòa lại, tạo nên một bức tranh âm nhạc đa sắc màu của Vpop 2018. Bức tranh đó, đáng mừng thay, gam màu tích cực chiếm đa số, nhưng đâu đó vẫn còn xuất hiện những mảng màu tối. Khán giả Việt ngày càng có xu hướng nghe nhạc văn minh, tiêu chuẩn dần dà cũng bắt đầu cao hơn dẫn đến sự khắt khe khi thưởng thức. Dù mới chỉ manh nha, chưa bùng nổ, âu đó cũng có thể xem là một điều đáng mừng trong tương lai.

Với việc năm 2018, các nghệ sĩ bắt đầu mạnh dạn đẩy mạnh hơn trong việc làm ra cho riêng mình một album chỉn chu từ đầu đến cuối, thì không có lí gì, chúng ta lại không hi vọng rằng sang năm 2019, sẽ có một sự bùng nổ trong việc ra các album chất lượng đến từ dàn nghệ sĩ Vpop, cả cũ lẫn mới.

Bài viết

Minh Khôi

Thiết kế

Tuấn Lê

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp