Từ đạo nhạc đến mua beat
Ở Việt Nam, đạo nhạc là vấn đề được công chúng hết sức quan tâm. Với những kiểu biến tướng từ đạo nhạc sang đạo trang phục, hình ảnh/ ý tưởng MV… gây nhức nhối trong thị trường âm nhạc vốn thích chạy theo xu hướng như Vpop. Nhiều cái tên trong làng nhạc trẻ lần lượt được đưa ra mổ xẻ về nghi án “đạo” thời gian gần đây như Sơn Tùng M-TP, Mr.T, Châu Đăng Khoa, Văn Mai Hương…
Trao đổi với nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng, anh nói: “Chỉ trừ khi người sáng tác chủ động hay cố tình sáng tác giống một ca khúc nào trước đó để đạo nhạc… Tuy nhiên cũng có sự vô tình”.
Nhạc sĩ Dấu mưa chia sẻ thêm: “Âm nhạc đương đại của nước ta phát triển rất nhiều năm rồi và có rất nhiều ca khúc. Có lẽ không ai dám tự vỗ ngực mình bảo âm nhạc mà họ tạo ra là không có sự ảnh hưởng hay kế thừa của một ai trước đó. Đôi khi, việc tình cờ giống nhau người sáng tác cũng không hề biết. Đôi khi có 1 vài câu hát, 1 giai điệu hơi giống thì không là vấn đề lắm”.
Đồng quan điểm với Phạm Toàn Thắng, ca sĩ/nhạc sĩ Châu Đăng Khoa dẫn câu nói từng được các văn sĩ Thomas Stearns Eliot, Oscar Wilde, danh họa Picasso để nói về vấn đề đạo nhạc: “Nghệ sĩ non tay bắt chước, nghệ sĩ lão luyện… ăn cắp”. Theo anh việc học hỏi, ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi nhưng người nghệ sĩ phải mang được cái tối, phải biến những điều kế thừa trở nên hay hơn, tốt hơn và hấp dẫn hơn.
Đạo nhạc là hành động phản sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, hành động xài chùa hay mua beat có sẵn trên mạng của một vài nghệ sĩ trẻ cũng đặt ra câu hỏi tương tự. Liệu các ca sĩ pop nên sáng tạo từ đầu hay phát triển trên nền sẵn có không phải của mình.
Đúng luật nhưng kém sáng tạo
Vpop là nền âm nhạc cập nhập xu hướng rất nhanh. Năm 2015, Vpop đang quay cuồng trong các dòng nhạc sôi động, trong đó có nhạc điện tử (EDM). Đây cũng là một trong những nguyên nhân các nghệ sĩ thích việc sử dụng nhịp beat hoặc mẫu âm sample của nghệ sĩ nước ngoài.
Khắc Hưng, chủ nhân của những ca khúc hit như Con đường tôi (Trọng Hiếu), Yêu (Min) chia sẻ: “Tôi thấy việc mua beat nhạc, sample để sáng tác là chuyện bình thường. Theo luật, điều này không có gì sai. Có người bán ắt phải có người mua”.
Phạm Toàn Thắng và Châu Đăng Khoa cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, các nhạc sĩ trẻ này cũng thẳn thắn về việc sử dụng beat nhạc có sẵn để sáng tác nhạc của một vài nghệ sĩ trẻ sẽ làm cho họ lười sáng tạo.
Phạm Toàn Thắng chia sẻ: “Sáng tạo trên một nền tảng có sẵn cũng coi như người đã kế thừa. Nếu nghe nhạc của Coldplay, mọi người sẽ biết nhóm nhạc này sử dụng sample rất nhiều và họ ghi nguồn cũng rất kỹ càng.
Tôi đã sử dụng lại một chút chất liệu bài Hòn vọng phu của tác giả Lê Thương trong khi sáng tác Bốn chữ lắm. Tôi đã sửa đổi làn giai điệu đó một chút để nó dễ thương, trẻ trung dễ thương hơn. Tôi cũng chưa bao giờ phủ nhận việc mình lấy cảm hứng từ sáng tác của nhạc sĩ Lê Thương”.
Khắc Hưng cho rằng việc tự sáng tác hay sử dụng beat nhạc có sẵn là do thói quen làm việc của từng người. Có người phải nghe một thứ sẵn có mới có thể nhào nặn nên cái mới nhưng có người sáng tác dựa trên cảm hứng và kỹ thuật riêng.
“Beat của nghệ sĩ nước ngoài tạo nên rất hay. Lúc đầu dựa vào những thứ sẵn có sẽ khá hấp dẫn nhưng về lâu về dài sẽ không ổn. Nếu ngay từ đầu không phải là sự sáng tạo của mình thì ca khúc đó sẽ mai một đi, không còn giá trị lâu dài”- anh phân thích.
Đạo nhạc chỉ tồn tại trên mạng internet
Sự thịnh hành của nhạc số khiến cho việc mua bán bản quyền tác phẩm dễ dàng, cũng đồng thời khiến người nghe dễ dàng tương tác hơn. Chính vì điều này, các nghi án đạo nhạc thường xuất hiện đầu tiên trên internet và gần như chỉ tồn tại trên mạng.
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa chia sẻ cởi mở về việc anh bị cộng đồng mạng quy chụp là đạo nhạc trong MV Craze mới đây. “Một khán giả bình luận dưới MV của tôi: Mặt anh này giống thành viên Niel trong TeenTop, vũ đạo nhảy cũng giống Teen Top luôn. Nhà vệ sinh thì giống Born Hater của Tablo…”.
Theo nhạc sĩ trẻ này, cộng đồng mạng mang tình yêu rất nồng nhiệt nhưng cũng rất cảm tính. Họ yêu ghét phân minh nhưng lại không có cơ sở để đưa ra những luận điểm chuẩn xác.
Trong bài viết Đạo nhạc và sự hiểu nhầm của Sơn Tùng M-TP đăng trên Zing.vn ngày 15/12, một độc giả bình luận: “Đa số các bạn trẻ Việt Nam hâm mộ, thần tượng các nhóm nhạc nước ngoài. Họ đa phần nghe nhạc Hàn, Nhật nhưng không hiểu lời nhạc như thế nào. Họ chỉ thấy ca sĩ nào ở Việt Nam có nhạc giống với thần tượng của họ là nghi án đạo nhái xuất hiện. Tuy nhiên, chuyên môn đánh giá và trình độ của hầu đa các fan cuồng là con số 0 tròn trĩnh”.
Nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoa có cái nhìn thoải mái hơn, anh nói: “Tôi là nhạc sĩ trẻ, nghĩ thoáng. Khán giả còn “bới móc” nghĩa là sản phẩm còn được quan tâm và đó cũng là đời sống riêng của một ca khúc đang tồn tại trong thị trường âm nhạc”.
Công bằng mà nói, ca khúc không gây ấn tượng với người nghe thì sẽ không bị “soi”. Nhưng nghệ sĩ trẻ cũng cẩn thận trọng với những gì mình đang sáng tạo và cống hiến. Có lẽ, cảm hứng cũng như việc đi tìm những chất liệu thô như cách Khắc Hưng đã làm sẽ mang đến những dấu ấn đậm nét và tránh nguy cơ “dính án” đạo nhạc.