Tối hôm qua, sau 6 tháng hoàn thiện, Chi Pu đã chính thức ra mắt công chúng sản phẩm âm nhạc mới nhất của mình - Mời anh vào team em - Với lần tái xuất này, Chi Pu có vẻ như đang đối đầu với làn sóng tranh cãi không hề nhỏ. Nhiều khán giả đã tiêu cực chỉ trích cả đạo đức của nữ ca sĩ khi mang đến một MV táo bạo đến như vậy.
Liệu với lần tái xuất này, những lời chỉ trích nhắm vào Chi Pu có thực sự đúng? Liệu khán giả có đang quá nhạy cảm, khắt khe với nữ ca sĩ của chúng ta? Đề tài này hẳn rất đáng để chúng ta đem ra bàn tròn thảo luận.
Ca khúc với tiết tấu hiện đại, ca từ trẻ trung được chắp bút bởi ca nhạc sĩ - ca sĩ Đạt G, dưới phần phối nhạc của “Phù thủy phối khí” Masew. Thừa nhận một điều rất rõ ràng: chất giọng bẩm sinh của Chi Pu, hay chí ít là trong các sản phẩm gần đây, chưa bao giờ là một lợi thế, tuy nhiên, cô nàng đã biến chính yếu điểm lớn thành một ưu điểm cho ca khúc.
Nếu như ở những ca sĩ có chất giọng thiên phú, phần hát và hòa âm sẽ được tách rời riêng biệt và tìm cách để cả hai hòa hợp nhất có thể với nhau, thì ở phần phối khi cho Mời anh vào team em, Masew và e-kip của anh đã khéo léo coi đây như một chất liệu có 1-0-2 làm nên sự đặc biệt đến riêng biệt của sản phẩm lần này.
MV của ca khúc Mời anh vào team em.
MV lại tiếp nối sự sửng sốt: mở đầu với một khung cảnh đồng quê thanh bình với trang trại cùng những thôn nữ đang chăm chỉ làm việc, tất cả không gian yên bình bị phá vỡ khi một tên sát nhân mặt đầy máu xuất hiện cùng con dao lăm lăm trong tay. Liền sau đó là một loạt các cảnh 16+ của nhân vật nữ chính với chàng nam thần sát nhân, rất nhiều trong đó sẽ khiến khán giả phải há hốc miệng vì “sốc” toàn tập.
Tuy nhiên, các cảnh mà chúng ta vẫn gắn mác 16+, thậm chí 18+, kì thực lại được thể hiện vô cùng sáng tạo, với các hình ảnh ẩn dụ. Sự sáng tạo ở đây đã được đẩy lên đến mức cao độ, khiến cho khán giả thực sự phải “ố á”, thậm chí rất nhiều khán giả đã xem những hình ảnh trên và buông những lời bình luận tiêu cực, thậm chí bị xem là “dơ”. Nhưng kìa, liệu những cảnh mà cư dân mạng đang “ném đá” hăng say ấy, có thực sự là “dơ” hay nó còn mang ý nghĩa nào khác?
Khán giả thấy khó chịu với cảnh Chi Pu liên tiếp đùa nghịch với các loại trái cây căng mọng bởi vì cách mà nữ nghệ sĩ làm có phần hơi khó hiểu. Tuy nhiên, có để ý kĩ thì ta mới thấy: quả đào căng tròn với lớp vỏ bọc màu đen không gì khác ngoài hình ảnh vòng 3. Hình ảnh tình tự đưa nhau trái cà chua để rồi “cắn phập”, tạo nên một sự “đã” đến kì lạ - chính là gợi đến việc ăn trái cấm trong truyền thuyết. Hình ảnh dùng từng ngón tay khuấy phần ruột của trái thanh long lại là một hình ảnh đầy ý nhị và đầy bản năng, càng theo dõi càng dễ khiến khán giả đỏ mặt vì quá hình tượng.
Bên cạnh đó, hình ảnh những chú lợn con ngập tràn xuyên suốt MV vừa tạo nên một bầu không khí đáng yêu, vui tươi. Nhưng cần nhìn nhận sâu xa hơn: lợn chính là một trong những biểu tượng phồn thực nổi tiếng và đặc trưng nhất. Hình ảnh các chú lợn con chạy tung tăng khắp MV không chỉ để khiến người xem phải “ố, á” trước sự đáng yêu mà còn như một lời nhắc nhở ngấm ngầm: “Này, xuyên suốt MV là cả một hành trình của sắc dục và những bản năng thuần túy nhất của con người, không có chỗ cho lãng mạn bay bổng xa xôi”.
Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, Chi Pu sẽ không bị “ném đá” quá dữ dội như thế nếu có những cảnh không đáng có. Những cảnh Chi Pu “lột đồ” mà khán giả lại chấp nhận và bỏ qua một cách kì lạ, thực chất mới chính là những cảnh thừa thãi và làm giảm đi giá trị của những cảnh quay.
Rõ ràng, với một MV dài 4 phút ngập tràn trong các biểu tượng của sắc - dục từng phân cảnh, các cảnh cởi trang phục lại trở nên thừa thãi đến mức lạc lõng. Vì vốn dĩ, những hình ảnh và biểu tượng được đưa ra nhằm mục đích gợi cho khán giả đến vấn đề nhạy cảm ấy, bằng việc cởi chiếc áo mình đang mặc, Chi Pu đã vô tình tạo ra một hiệu ứng ngược, khiến cho những hình ảnh ẩn dụ trở nên thừa thãi, và khán giả đang thích thú với những suy nghĩ ẩn dụ riêng bị “lôi” trở lại hiện thực một cách hụt hẫng. Chi Pu hoàn toàn có thể mặc một bộ đồ y nguyên như thế, với cùng biểu cảm như thế , mà MV vẫn khiến cho khán giả hoàn toàn đỏ mặt, nhưng rất tiếc cô đã không làm vậy. Chi Pu đã làm một việc khá thừa thãi và làm giảm đi không khí cũng như tinh thần mà MV hướng đến.
Nền âm nhạc Việt Nam đang ngày càng phát triển theo hướng đi lên. Sự thật này khó có thể chối cãi. Đi cùng với việc bảo tồn bản sắc của âm nhạc cổ truyền, hàn lâm vốn vẫn đang được các nghệ sĩ giữ vững, thì vẫn rất cần bắt nhịp tốc độ phát triển của thế giới - có thể, chúng ta “hòa nhập” nhưng vẫn không bị “hòa tan”.
Việc bắt kịp các trào lưu âm nhạc này hoàn toàn không phải là một sự đua đòi, bắt chước một cách vô điều kiện, mà nó chính là biểu hiện của sự hội nhập và tiến bộ của nền âm nhạc đại chúng một quốc gia, so với mặt bằng chung của thế giới. Không thể nào khi thế giới đang chuộng các bản hip-hop và chill trong khi làng nhạc Việt cứ dậm chân mãi với ballad ủy mị, hay pop truyền thống không có gì đột phá.
Erotica - một trong những MV có nội dung táo bạo nhất trong lịch sử âm nhạc hiện đại.
I'm a Slave 4 U - bản tuyên ngôn hùng hồn nhất của Britney Spears.
Bad Romance - ca khúc về tính dục đưa Gaga lên tầm siêu sao quốc tế.
Việc thay đổi và bắt kịp xu hướng thế giới vừa thể hiện bản lĩnh của các nghệ sĩ Việt, vừa là một quy luật tất yếu: nghệ thuật và âm nhạc phải chuyển động không ngừng, không thể cứ đứng yên một chỗ không phát triển, “ăn mày dĩ vàng” không khác gì việc tự đào hố chôn mình, cho dù là bất kì nghệ sĩ nào. Và rất nhiều bài học ở làng nhạc Việt cũng như trên thế giới là một minh chứng hùng hồn.
Đầu thập niên 90 của thế kỉ 20, thế giới bàng hoàng khi chứng kiến Nữ hoàng nhạc Pop Madonna cho ra mắt MV Erotica và Justify My Love với những cảnh quay có thể làm những chàng trai gan dạ nhất cũng phải chuyển kênh. Kết quả? Madonna trở thành tượng đài nhạc Pop vĩ đại nhất của thế giới. Hai MV cộng với The Girlie Show Tour đã làm một cuộc cách mạng lớn, nghẹt thở của làng nhạc Pop thế giới. Người ta nói, không có Madonna, các pop girls thế hệ sau mãi mãi sẽ không có được ngày hôm nay cũng không phải là một điều quá khó hiểu.
Cho đến thời đại của những cô nàng “tóc vàng hoe” Britney Spears và Christina Aguilera, cả hai tiếp tục làm cho thế giới sửng sốt với 2 MV “cách mạng”, một lời khẳng định bản thân vô cùng đanh thép, từ bỏ hình ảnh cô nàng teen-pop thuở ban đầu. Xtina với Dirrty, Britney với I'm a Slave 4 U, tất cả là một cuộc “tế thần”, rũ bỏ hoàn toàn những hình ảnh ngây thơ hay nửa mùa, để tiến tới hình ảnh trưởng thành thực sự. Cả hai ca khúc đều được đánh giá là 2 trong số những ca khúc “tuyên ngôn” lột xác ấn tượng nhất của các nghệ sĩ trên thế giới.
Lady Gaga tiếp tục là một biểu tượng tính dục mới của thời đại mới. Ở Gaga, không còn có sự ẩn dụ hay “ngấp nghé”, mà Gaga đề cập thẳng, trực tiếp, trần trụi và không giấu giếm. Không có gì ngạc nhiên khi từ lúc debut cho đến tận vài năm trước, Gaga vẫn liên tục bị xem là bản sao của Madonna. Nhưng không, kể từ Joanne, Gaga đã rẽ sang một hướng quá xa, để đảm bảo không bao giờ bị đặt lên bàn cân so sánh nữa. Từ đó chỉ còn đúng Gaga, chân thật như đúng cái nghệ danh ấy.
Madonna, Britney, Xtina và Gaga là bốn trong số những cái tên đã sử dụng tính dục vào nghệ thuật một cách thành công và mang lại cho họ địa vị như hiện tại. Đó không chỉ là lời gọi mời từ bản năng phụ nữ, mà còn là lời thách thức, là lời tuyên ngôn mạnh mẽ về nữ quyền. Nữ quyền không có nghĩa là phụ nữ phải mạnh mẽ và cứng rắn như đàn ông, mà nữ quyền chính là khi phụ nữ nhận ra được sự quý giá của mình, biết trân quý và biến nó thành vũ khí tối thượng trang bị cho bản thân.
Nói dông dài như vậy để quay về với sản phẩm chúng ta đang đưa ra “bàn tròn” tranh luận từ Chi Pu. Không quá khi khẳng định những điều mà e-kip cô ca sĩ sinh năm 1993 làm được cùng Mời anh vào team em đang tô họa dần một cách rõ ràng con đường tiệm cận với hướng đi mà âm nhạc quốc tế đeo đuổi và đã thành công.
Con đường này không “xinh đẹp”, “gọn gàng”, “vừa mắt” số đông, nhưng nó khác lạ. Sự khác lạ là yếu tố kiên quyết cho một nghệ sĩ giải trí không ngừng trở mình như Chi Pu.
Việc Chi Pu ra một MV mới và nhận được hai luồng ý kiến hoàn toàn trái chiều dường như là một bước đi khá khôn ngoan và có phần quen thuộc. Ít nhất đó là công thức đảm bảo cho tên tuổi của Chi Pu vẫn giữ được nhiệt độ trong làng nhạc hiện tại. Việc đón nhận khen chê là một điều khả dĩ mà bất kì sản phẩm âm nhạc nào cũng phải đối mặt, như một quy luật tất yếu để sản phẩm đó tồn tại trong thị trường. Nếu một sản phẩm được ra mắt mà không hề đón nhận bất kì lời khen - chê, đó mới thực sự là vấn đề lớn!
Tuy nhiên, việc tiên phong là tốt, nếu chỉ suy xét đơn thuần đến chất lượng âm nhạc và sản phẩm, nhưng việc lạm dụng hai chữ “tiên phong” để tạo nên bão dư luận liên tục với tất cả các sản phẩm vừa ra mắt, không thể là một chiến lược lâu dài. Chi Pu có thể “tiên phong” đến khi nào? Bằng việc tạo bão dư luận cho mỗi sản phẩm âm nhạc ra mắt, trước mắt Chi Pu và e-kip đã chiếm thế thượng phong từ khi ra mắt sản phẩm. Nhưng tính về lâu dài, trong năm 2019, 2020 hay vài năm sau, đó là một bài toán khác, với đáp án khác hoàn toàn.
Với lần tái xuất này cùng Mời anh vào team em, có thể đó không phải là một sản phẩm hoàn hảo nhất của làng nhạc Việt trong những năm gần đây, nhưng đó là một sự báo hiệu rất rõ ràng: nghệ sĩ Việt giờ đây đã có tư duy rất hiện đại và bắt kịp trào lưu của thế giới. Nên nhấn mạnh kĩ, đó không phải là một sự đua đòi vô điều kiện, mà là biểu hiện rõ ràng nhất cho việc âm nhạc hiện đại Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp với hơi thở hiện đại, một mặt vẫn giữ được bản sắc và chất riêng của mình.
Chi Pu rõ ràng không ngây ngô, ngược lại cô rất hiểu những quy luật, và đó là cách mà cô giữ được độ nóng cho tên tuổi của mình mỗi lần tái xuất làng nhạc. Và khán giả chính là những người chơi trong chính cuộc chơi mà cô nàng “lắm chiêu nhiều trò” này bày ra. Việc chơi với tư cách một người chơi độc lập và tỉnh táo hay việc để bản thân lạc trong mê cung được bày ra, còn trông chờ ở bản lĩnh khán giả.
Dù muốn, dù không, thì khán giả cũng phải thừa nhận một điều rằng Mời anh vào team em là một sản phẩm âm nhạc sáng tạo, của một nữ nghệ sĩ táo bạo và phá cách Chi Pu, cùng một e kíp sáng tạo thực sự hiểu rõ những việc mà họ đang làm. Việc khen, chê Chi Pu ở đây cần phải giữ một cái đầu công tâm cùng một trái tim nóng, để ủng hộ những việc đáng ủng hộ, đồng thời phê bình những điều đáng để phê bình. Sự phê bình ở đây cần dựa trên một quá trình công tâm, không cảm tính, để những lời phê bình mang tính.
Lời cuối, dù sao chúng ta cũng phải chúc mừng e-kíp của Chi Pu, vì trong “trận chiến” này, cô nàng đã mở tỉ số bằng một màn chào sân vô cùng ấn tượng. Liệu nữ ca sĩ và đội ngũ của mình có thể tiến xa thêm được đến mức nào, hoàn toàn phụ thuộc vào thực lực của Chi Pu, chứ không còn đơn thuần do may mắn và tranh cãi nữa. Ngành công nghiệp âm nhạc đã chứng kiến không ít tên tuổi tự nổi và tự chìm cùng một cách thức, người thức thời là người có thể học hỏi những sai lầm của người đi trước, để tự vạch ra con đường đi cho chính mình.