Bắt đầu vào năm 2018 - 2019, thế hệ Kpop gen 4 từng được kì vọng sẽ kế thừa và tiếp tục phát huy hơn thành tựu của các nhóm nhạc đi trước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, khi Kpop vượt khỏi thị phần ở nội địa, các nhóm nhạc Kpop gen 4 lại đang khá đuối sức và một màu.
Nhiều người không khỏi liên tưởng đến BTS ở thời điểm đầu tiên. Mặc dù chỉ đầu tư với kinh phí hạn hẹp, các chàng trai vẫn vươn xa, toả sáng tại sân khấu Grammy. Ở thời kì gen 4, công ty chủ quản luôn chú trọng đầu tư ban đầu, nhưng thành tựu nhận lại vẫn chưa hề tương xứng. Theo một nghiên cứu tại Hàn Quốc, chỉ có 20% nhóm nhạc Kpop gen 4 được cho là thành công. Thế nhưng, những cái tên top đầu cũng không quá ấn tượng, thậm chí là thua xa kì vọng với tiền bối như BTS, BLACKPINK, SEVENTEEN hay TWICE mặc dù họ đã không còn hoạt động đều đặn.
Dù vậy, gen 4 vẫn còn một số nhóm nhạc đang hoạt động tốt, góp phần củng cố địa vị và sức hút của bản thân, tiêu biểu như aespa, New Jeans, IVE, TXT, Stray Kids, ENHYPEN, ATEEZ... Thế nên, có phải chăng công chúng đang quá khắt khe cho thời kỳ này?
Dưới đây là một số ý kiến trái chiều của cư dân mạng về lý do tại sao gen 4 được xem là thế hệ thoái trào, nhàm chán và thiếu sức bật.
Âm nhạc ồn ào, lời nhạc sáo rỗng
Tính từ thời điểm gen 4 mở ra, xu hướng âm nhạc cũng dần thay đổi. Thay vì các ca khúc ballad, những giai điệu nhẹ nhàng dễ nhớ, âm nhạc ở giai đoạn này đa số đều mang hơi hướng ồn ào, lời bài hát không có ý nghĩa, thậm chí có thể nói là sáo rỗng.
Stray Kids từng bị gắn cho cái mác “bảo chứng nhạc ồn” bởi vì instrument bài nào cũng lạm dụng nhạc điện tử. Từ God’s Menu cho tới Thunderous đều không được đón nhận nhiệt tình bởi nhiều người cho rằng quá “ồn” và quá “đau đầu.”
(G)I-DLE từng bị góp ý bởi ca khúc Wife có điệp khúc lặp đi lặp lại: "I cook cream soup, taste is Coco Loco; Want me your wife, but she is mm, mm, mm; I clean your room, it’s so twinkle, twinklе; Want me your wife, but she is mm, mm, mm".
Hay trường hợp ITZY từng khiến cho cộng đồng mạng ngán ngẩm bởi ca khúc Cake lặp đi lặp lại mỗi một từ. Bản phối với nhiều âm thanh điện tử dồn dập, không mang lại ý nghĩa gì đặc biệt.
Y2K bị lạm dụng quá đà
Những năm gần đây, thời trang y2k đã quay trở lại và đặc biệt lan rộng trong năm 2022. Y2k gắn liền với màn debut bùng nổ của New Jeans kéo theo những nhóm nhạc khác đều đi theo “công thức thành công” này. Sự trendy tạm thời dẫn đến màu sắc của các nhóm nhạc bị mất đi, không còn sự tương phản và đa dạng concept như sexy, girl crush hay kẹo ngọt...
Đối với một đại bộ phận fan Kpop, những nhóm theo phong cách y2k hiện tại đang khiến người xem rối mắt, khó phân biệt, thậm chí là nhàm chán.
Những bài hát không quá 3 phút
Nếu như các thế hệ Kpop trước nổi tiếng với những bài hát dài, mạnh mẽ cùng đoạn bridge bắt tai, âm nhạc gen 4 lại ngắn đến lạ thường.
Ca khúc như Fate của (G)I-DLE chỉ 2 phút 42 giây, Sweet Venom của ENHYPEN là 2 phút 34 giây, Easy của LE SSERAFIM là 2 phút 45 giây. Thậm chí New Jeans của New Jeans chỉ đạt 1 phút 48 giây, hay Bam Yang Gang của BIBI là những ví dụ tiêu biểu của xu hướng nhạc "nhanh" ở xứ kim chi.
Một số cho rằng việc rút ngắn gọn bài hát, cắt bỏ những đoạn bridge khiến cho bài hát trở nên hụt hẫng. Phần còn lại chia sẻ, ở thời đại chuộng thành tích nhạc số, việc những bài hát có thời lượng ngắn hơn sẽ giúp cho việc gia tăng lượt nghe khi streaming trên các nền tảng.
Tài năng bị xem nhẹ hơn nhan sắc
Bước sang gen 4, cộng đồng fan Kpop gần như chấp nhận việc một hay một nhóm hát nhép để không bị ảnh hưởng đến nhan sắc khi trình diễn. Các nhóm nhạc thần tượng ra đời ồ ạt khi chưa được đào tạo kỹ, dẫn đến các thần tượng đẹp trai, xinh gái trên sân khấu nhưng khả năng trình diễn dở tệ.
Trong thời gian đầu lúc vừa mới debut, IVE nói chung và Jang Wonyoung nói riêng đã từng dính vào cái mác “bất tài” khi liên tục hát nhép. Đại bộ phận netizen yêu cầu phía công ty chủ quản phải trau dồi kỹ năng thanh nhạc cho nhóm, đồng thời bài trừ những idol chỉ chăm chút ngoại hình trên sân khấu.
Le Sserafim hồi tháng 4/2024 đã gây chấn động cộng đồng fan khi có màn trình diễn thảm hại tại Coachella 2024. Hầu hết các fan hay thậm chí là công ty quản lý cũng chỉ tập trung đầu tư hình ảnh, còn lại về kỹ năng chỉ có một số ít nhóm được xem là ổn định.
Trông chờ gì vào thế hệ tiếp theo?
Gần đây, những nhóm nhạc tân binh đã bắt đầu debut, mở ra kỷ nguyên mới cho Kpop gen 5. Nhiều dân mạng công nhận họ mang màu sắc riêng cá biệt, riêng biệt hơn.
Một số nhóm nhạc hiện được công chúng đón nhận nhiệt tình như RIIZE, Kiss Of Life, khi cả hai mang hơi hướng của gen 1 và gen 2. Mặc dù chưa có thông báo nào cụ thể về việc phân chia gen nhưng màu sắc của hai nhóm kể trên đang được cho là đại diện cho thế hệ mới.
Còn nhiều tranh cãi, thế nhưng chúng ta vẫn công nhận thần tượng gen thứ 4 đã và đang làm tốt sứ mệnh lan toản văn hoá Hàn Quốc ra thế giới. Những nhóm nhạc top đầu vẫn giữ vững phong độ về doanh số album, world tour... Trong thời kì lạm phát album, các nhóm nam nữ gen 4 còn ghi nhận tăng trưởng và không hề thua kém khi đứng cạnh các tên tuổi cộm cán của gen 3 như SEVENTEEN, BTS hay Twice.
Bên cạnh thời đại y2k chiếm đóng, aespa cũng nổi lên với concept AI - thực tế ảo, ENHYPEN thuần ma cà rồng hay như &TEAM với concept người sói... Nó cho thấy được nhiều nhóm gen 4 vẫn đang đi theo lối tái cấu trúc, tập trung cho màu sắc riêng của từng nhóm, chứng tỏ mình không bị bão hòa theo sự trendy hay thời đại.
Tóm lại, dù chưa có nhiều thành tích ấn tượng như các thế hệ trước, gen 4 vẫn tự thân tạo bước tiến xa hơn cho thị trường Kpop. Đặc biệt với sự khách quan từ yếu tố khó khăn do đại dịch Covid-19, sự vượt khó của các nhóm nhạc gen 4 cũng chứng minh họ "không phải dạng vừa" trên bản đồ âm nhạc thế giới.