Âm Nhạc

Khắc Hưng, đừng vì 1 'đứa con hư' mà đánh sập mọi lấp lánh từ quá khứ

Tuấn Hà
Chia sẻ

"Khôn 3 năm, dại 1 giờ", câu này đưa vào chuyện của Khắc Hưng cùng sáng tác mới vừa trình làng từ anh quả thật... chuẩn không cần chỉnh.

Tôi sẽ bắt đầu bài viết này bằng câu hỏi: “Từ khi nào Khắc Hưng trở thành thương hiệu đáng tin cho việc tạo hit?“. Thắc mắc này dành cho tất cả những ai quan tâm tới chủ đề bài viết và đã vào được tới đây. Cũng sẽ không kịp lập 1 bảng điều tra để có kết quả, nhưng tôi đoán chắc mọi người sẽ bắt đầu từ 2016 với Sau tất cả (ERIK), rồi Ánh nắng của anh (Đức Phúc),… tua nhanh đến hiện tại thì có bài Ghen (ERIK, MIN) tạo trend khắp mọi “mặt trận” hay Đâu chỉ riêng em - sản phẩm kỷ lục trong 1 vài năm trở lại đây về lượt xem cũng như tính lan toả từ Mỹ Tâm,…

MV Sau tất cả (ERIK)

MV Đâu chỉ riêng em (Mỹ Tâm)

Nhiêu đó đủ thú vị để bạn “lội ngược dòng” tìm hiểu về cái tên Khắc Hưng và dễ dàng phát hiện ra không ít bài hát cũng từng khiến bạn nghe đi nghe lại trong 1 khoảng thời gian dài kiểu như: Y.Ê.U (MIN), Ăn gì đây (Hoà Minzy) hay Con đường tôi (Trọng Hiếu),…

1 chàng trai trẻ, bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật chuyên nghiệp từ 2014 cùng đĩa nhạc mang dấu ấn đầu tiên là Khởi hành của Nguyễn Trần Trung Quân. Năm đó, album này được gọi tên ở hạng mục Album của năm giải Cống hiến. 3 năm - Quá ngắn để từ 1 cái tên không ai biết đến trở thành thương hiệu.

Thương hiệu mang tên Khắc Hưng, theo tôi là mang tính bao quát nhiều hơn 1 vài cái tên đình đám cùng thời. Nói là bao quát bởi bạn sẽ thấy Khắc Hưng “bắt tay cực ngọt” với những nghệ sĩ trẻ ERIK, MIN, Đức Phúc,… Nhưng cũng vô cùng ăn ý với các đàn chị như Trần Thu Hà, Thu Minh, Mỹ Tâm,… Nhạc của anh kiểu hàn lâm như Mây bay cuối trời, Mộng ru,… không ít. Mà những tác phẩm mang tính giải trí, đại chúng cao thì cũng luôn luôn ra đều.

Nói dông dài như vậy không chỉ để tìm đáp án đúng cho câu hỏi phía trên, cũng chẳng phải để khẳng định 3 năm qua, sự nghiệp Khắc Hưng “lấp lánh” cỡ nào. Kể ra để rồi nhìn vào cái sản phẩm mới cộp mác thương hiệu của anh. Như cái lò của Huyền Sambi (giờ nghệ danh bỏ đi chữ Huyền để nghe cho chất) cùng Mr. A đang là MV nhận lượt dislike khủng khiếp cùng làn sóng phẫn nộ từ cư dân mạng. Tôi gọi đây là “đứa con hư”, sản phẩm “khôn 3 năm, dại 1 giờ” từ Khắc Hưng.

Mặc dù thế giới ngoài kia có hàng tỷ thứ để so sánh khi nói về độ nóng, tuy nhiên Khắc Hưng chọn cái lò để gọi tên sản phẩm nghệ thuật của mình. Hơi giật mình, nhưng thôi, tôn trọng quyết định cũng như định nghĩa về cái nóng mùa hè 2017 từ anh. Mạn phép gọi tựa đề cho sáng tác mới nhất này bằng cách viết tắt mà chính tác giả nghĩ ra: N.C.L.

Mời bạn nghía qua 1 đoạn Lyric từ “đứa con hư” này của Khắc Hưng.

Đừng bắt em phải ra ngoài đường
Em chỉ cần có bốn bức tường
Một điều hòa và một cái giường
Nếu ra đường chỉ có xác định là

Nóng như cái lò nóng nóng nóng như cái lò

Cứ tiếp tục mà ểnh ương, em cứ việc ở trên giường
Bởi vì anh là thiên đường, thiên đường
Anh sẽ khiến em lả lướt, nơi đâu em ao ước, đêm nay em lạc bước.

Những câu hát thực sự phản cảm và dung tục. Nếu ở tựa đề N.C.L theo kiểu muốn nghĩ sao thì nghĩ, đen tối hay không là do đầu óc bạn, thì đến Lyric quả là không biết tưởng tượng theo hướng trong sáng thế nào? Chưa kể đến việc cụm từ được cho là keyword trong bài cũng chính là tên bài hát được lặp đi lặp lại 1 cách nhạt nhẽo và nhiều phần vô duyên.

MV N.C.L tiếp tục nối dài chuỗi ngỡ ngàng đi kèm thất vọng dành cho Khắc Hưng ở lần tái xuất này. Những hình ảnh quằn quại “nổi da gà” dù chỉ là mô tả khoảnh khắc tiệc tùng tại gia của những người trẻ. Lại nói về những người trẻ trong sản phẩm này thì họ đã trở nên “xấu xí” trong 1 buổi hoan lạc bị đẩy lên quá lố. Những góc máy cận cảnh lấy cảm hứng nhiều từ loạt sản phẩm Âu Mỹ (1 lần nữa) không biết hữu ý hay vô tình mà trở thành thiếu văn minh, biến 1 buổi party trở thành 1 cuộc chơi buông thả.

MV N.C.L

Và với hơn 40.000 dislike (con số này gấp đôi với lượng like) thì có vẻ như sự nhiệt tình định nghĩa cho khán giả cái lò nóng như thế nào từ Khắc Hưng cùng e-kip đang mất nhiều hơn được rồi.Tất cả làm nên 1 sản phẩm lạc lõng, như 1 “đứa con hư” trong danh sách loạt bản hit của Khắc Hưng trước đó. Chẳng hay anh có muốn giải thích gì không? Mà có vẻ như với thái độ dửng dưng của e-kip phát hành khi biết về phẫn nộ từ netizen thì chắc họ cũng chẳng có nhu cầu lên tiếng bào chữa gì đâu nhỉ?

Ngẫm về “đứa con hư” của Khắc Hưng, trong 1 lúc tôi bất giác lỡ quên luôn 3 năm qua anh đã mang tới những gì cho nhạc Việt, cũng như giá trị tinh thần mới mẻ cho nghệ thuật. N.C.L chắc chắn đã là 1 bước ngoặt sai lầm.

Sai lầm từ cách truyền tải tới khán giả thiếu tính nhân văn, đưa yêu tố, lời lẽ xã hội quá nhiều vào ca khúc. Ở những sản phẩm phẩm mang tính đời như thế trước đó (tiêu biểu là Ghen) vẫn thổi “luồng gió tươi mới” nhưng giữ được tính nghệ thuật và không quá đà, phản cảm. Tới N.C.L, có cảm giác Khắc Hưng đẩy mức độ lên cao hơn. Dường như định hướng đây là Ghen 2 nên mọi thứ trở nên táo bạo, dữ dội hơn nhiều từ ca từ đến hình ảnh. Tuy nhiên, tính tiêu cực dường như đã bị đi quá xa khiến cho sản phẩm trở nên phản cảm.

Nếu Khắc Hưng tham vọng rằng, N.C.L sẽ là phép thử để anh định nghĩa về nghệ thuật theo 1 cách khác, ngông cuồng hơn, yêu ghét rõ ràng, “trần trụi” hơn, bắt nhịp với US UK thì có vẻ “nước cờ” này nhầm to. Nếu anh cho rằng, các ca khúc với lời lẽ dung tục xứng đáng cộp mác 18+ sẽ sớm được yêu thích, để tương lai không xa anh hoàn toàn có thể dùng những “đứa con tinh thần” này đanh thép nhắm thẳng vào 1 đối tượng nào đó như các nghệ sĩ quốc tế vẫn thường làm thì có lẽ toan tính này đã sai rồi.

Ở US UK hay 1 số nghệ sĩ châu Á thời gian gần đây, họ vẫn hát về nhức nhối của xã hội, họ vẫn sẽ thẳng thừng dùng âm nhạc chĩa “mũi rìu” về 1 số đối tượng cụ thể và cả thế giới tung hô họ, coi đó là sản phẩm mang cái tôi cá nhân cao cũng như khẳng định cá tính, chất riêng của nghệ sĩ. Tuy nhiên, họ sử dụng nghệ thuật văn minh, thâm thuý, dùng tư duy nhân văn đánh vào bản ngã của đối thủ,… thì đó mới là lúc sản phẩm của họ có tiếng nói thực sự và dù sâu xa mang tính đả kích, đen tối cỡ nào thì suy cho cùng nó vẫn là 1 tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Mỗi sản phẩm âm nhạc của Taylor Swift đều là 1 tác phẩm nghệ thuật khác biệt dù luôn “sặc mùi” thâm thù. MV mới nhất Look What You Make Me Do của cô nhắm thẳng vào “danh sách đen”: Katy Perry, Kanye West, Calvin Harris,…

N.C.L hoàn toàn không có những điều đó ngoài lời lẽ “chợ búa”, nội dung chủ thể hướng tới nhàm chán, cũ kỹ, hình ảnh minh hoạ lố bịch, thiếu tính nghệ thuật. Sản phẩm kiểu này rõ ràng ảnh hưởng nặng nề tới sự tử tế vốn có trong thương hiệu Khắc Hưng - Người từng tạo nên không ít những bản hit có giá trị cũng như chủ nhân của hàng loạt giải thưởng “lấp lánh” suốt 3 năm qua.

Trong nghệ thuật, mỗi người có 1 cách riêng để truyền tải âm nhạc của mình đến công chúng. Họ có quyền bóp, nắn “hình hài” sản phẩm theo ý đồ mà họ cho là đúng. Cũng đồng nghĩa, họ phải chịu trách nhiệm với “đứa con tinh thần” của mình. Nếu như, chủ nhân của N.C.L là 1 người mới tinh trong showbiz, hay có quá khứ dữ dội với danh sách dài kể chẳng hết về những sản phẩm không lành mạnh thì bài viết này đã không ra đời.

Nếu tác giả của N.C.L không phải Khắc Hưng, không phải người vừa dành cú đúp cá nhân Nhà sản xuấtNhạc sĩ của năm tại giải Cống hiến 2016, thì chắc chắn chẳng có bàn tròn thảo luận này, cũng chẳng có câu hỏi:Từ khi nào anh trở thành thương hiệu đáng tin cho việc tạo hit? hay sự tiếc nuối đến đau lòng khi cứ phải nhắc đi nhắc lại về câu chuyện khôn 3 năm, dại 1 giờ.

Thực sự tiếc thay!

Chia sẻ

Bài viết

Tuấn Hà

Thiết kế

Yến Võ, Công Hải

Tin mới nhất