Từ lâu, hình tượng hồ ly tinh có 9 đuôi hay còn gọi cửu vĩ hồ, đã là một hình tượng vô cùng nổi tiếng trong truyền thuyết và thần thoại các nước Á Đông. Dù có rất nhiều dị bản đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam nhưng nhìn chung, chúng ta đều hình dung hình tượng hồ ly tinh là một sinh vật giống cáo, sau rất nhiều năm tu luyện đã hóa thành tinh, mọc ra 9 chiếc đuôi. Trong văn hóa Á Đông, hồ ly chín đuôi thường hóa thân thành các cô gái xinh đẹp, bày trò hãm hại con người, gắn liền với nhiều “điều tiếng” xấu xa.
Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, các quốc gia Á Đông đã dần có cái nhìn cởi mở và đa chiều hơn về hình tượng hồ ly tinh, dẫn đến những tác phẩm có giá trị, nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Trung Quốc
Hình tượng hồ ly chín đuôi nổi tiếng nhất từ trước đến nay chắc chắn phải kể đến nàng Đát Kỷ, vốn là một cô gái tuyệt sắc bị một con cửu vĩ hồ nhập vào thân xác. Nữ Oa phẫn nộ khi Trụ Vương bất kính với mình nên đã phái Đát Kỷ đến mê hoặc nhà vua, dẫn tới sự sụp đổ của nhà Thương. Nhan sắc của nàng Đát Kỷ từ đó thường gắn với định kiến “hồng nhan họa thủy” - người đẹp làm triều đại sụp đổ.
Một trong những hình tượng “cửu vĩ hồ” nổi tiếng bậc nhất ở màn ảnh xứ Trung chắc chắn phải kể đến nàng Tiểu Duy trong bộ phim Họa bì, được thể hiện bởi “đại hoa đán” Châu Tấn. Không chỉ đơn thuần là một loài yêu tinh, Tiểu Duy qua diễn xuất của Châu Tấn khiến khán giả không khỏi cảm động bởi tình cảm nàng dành cho người tình Vương Sinh (Trần Khôn). Cái kết của Họa bì khiến người xem ám ảnh, trở thành một trong những bộ phim điện ảnh Châu Á gây tiếng vang khắp toàn cầu.
Nhật Bản
Truyền thuyết Nhật Bản hay kể đến việc những người đi rừng vào ban đêm thường sẽ gặp một ngôi nhà ấm cúng giữa rừng, có một cô gái xinh đẹp thết đãi rượu thịt làm họ mất đi cảnh giác. Sau một đêm chăn ấm nệm êm, sáng hôm sau thức dậy những người lữ khách sẽ thấy mình đang ở trong một hang động, tất cả những gì đã ăn tối qua đều chỉ toàn là lá cây, đất cát - ấy là lúc họ biết mình đã trúng “quỷ thuật” của hồ ly tinh.
Hình tượng cửu vĩ hồ nổi tiếng trong văn hóa đại chúng Nhật Bản ắt hẳn phải nhắc đến bộ manga “kinh điển” Naruto. Câu chuyện xoay quanh cậu bé Naruto - một cậu bé bị phong ấn trong người một con hồ ly chín đuôi hung hãn để bảo vệ bình yên cho ngôi làng - đã mở ra một thế giới fantasy của các ninja, nơi các trận chiến, hàng loạt câu chuyện đan xen đã diễn ra, tạo nên tuổi thơ của rất nhiều khán giả Châu Á.
Hàn Quốc
Cửu vĩ hồ được gọi là Gumiho trong tiếng Hàn Quốc, được mô tả là loài cáo có thể hoá thân dưới lốt con người, thường là những mỹ nhân xinh đẹp. Chúng sống cách biệt với con người trong những khu rừng rậm rạp, những nơi âm thịnh dương suy. Gumiho có thể sống hàng trăm, hàng nghìn năm, khi cần thiết chúng sẽ ăn gan người để tồn tại.
Ắt hẳn khán giả vẫn chưa quên bộ phim Bạn gái tôi là Hồ ly tinh (Gumiho) từng tạo nên “cơn sốt” truyền hình khắp Châu Á vào năm 2010. Câu chuyện xoay quanh nàng hồ ly 9 đuôi do Shin Min-ah thủ vai chờ đợi suốt 500 năm để tìm ra tình yêu đích thực của đời mình để có thể trở thành một người bình thường. Nàng gumiho này đã phải lòng Cha Dae Woong (do Lee Seung-gi thủ vai) và từ đó, hành trình chinh phục tình yêu để trở thành người thường bắt đầu.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, nền điện ảnh Hàn Quốc cũng đón chào thêm bộ phim Bạn trai tôi là Hồ ly tinh với sự tham gia diễn xuất của Lee Dong Wook, đánh dấu lần xuất hiện hiếm hoi trên màn ảnh của một “chàng” hồ li. Bộ phim hiện vẫn đang được phát sóng và nhận được nhiều phản ứng tích cực của khán giả trong và ngoài Hàn Quốc, trong đó có cả Việt Nam.
Việt Nam
Truyền thuyết về hồ ly chín đuôi ở Việt Nam tương đối đa dạng, xuất hiện rất nhiều lần ở các triều đại khác nhau. Trong sách Lĩnh Nam chích quái, hồ ly chín đuôi cũng được nhắc đến với hình ảnh là con vật hay gây hại cho dân lành, sau đó bị Lạc Long Quân giết chết để trừ hại cho dân. Hồ Tây chính là lăng mộ chôn xác cáo chín đuôi.
Thời đầu Lê sơ, Lê Thái Tổ Lê Lợi cũng từng có truyện thuyết liên quan đến hồ ly tinh. Ấy là khi còn lẩn trốn quân Minh ở Lam Sơn, ông bị truy đuổi gắt gao, bỗng lúc đó ông thấy một cô gái mặc váy trắng chết trôi trên sông, ông chôn cất cô gái tử tế và lẩn trốn tiếp. Đến khi suýt bị quân Minh tìm ra, có một con cáo trắng chạy từ đâu ra làm quân Minh đổi hướng. Lê Thái Tổ cho rằng đó là cô gái đã cứu mình, về sau ông phong cô gái làm thần hộ quốc và cho làm một bức tượng hình một cô gái có nửa thân là cáo chín đuôi, đấy gọi là Hồ ly phu nhân.
Mặc dù sở hữu kho tàng truyền thuyết khá phong phú về đề tài hồ ly, Việt Nam vẫn chưa có một bộ phim truyền hình hay tác phẩm điện ảnh nào nói về đề tài hồ ly, tuy nhiên ở lĩnh vực âm nhạc, ekip của nam ca sĩ Isaac và đạo diễn Kawaii Tuấn Anh có thể xem là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng hình tượng độc đáo này vào sản phẩm.
Khác với các phiên bản thông thường với hình tượng hồ ly đều là nữ, phiên bản Việt Nam lại cho Isaac hóa thân thành một “chàng” hồ ly chín đuôi. Một nghìn năm trước, chàng yêu say đắm một cô gái đã cứu lấy tính mạng của mình trong cuộc chiến. Tuy nhiên, cô gái lại chết đi mà không rõ nguyên nhân khiến chàng đau khổ, dằn vặt suốt một nghìn năm.
Trải qua một nghìn năm sau, chàng trai hồ ly “lưu lạc” đến Việt Nam, trở thành giảng viên Đại học còn cô gái năm xưa đã chuyển kiếp thành một cô sinh viên xinh đẹp. Cả hai gặp lại và tiếp tục yêu nhau như duyên từ trước.
Tuy nhiên, “hồ ly” Isaac đã phát hiện ra việc tiếp xúc giữa người thường và yêu tinh quá lâu chính là yếu tố khiến cô gái này chết một cách đầy uẩn khúc nghìn năm về trước. Vì người mình yêu, “hồ ly” Isaac truyền viên ngọc tu luyện nghìn năm để hồi sinh cô gái trên giường bệnh, còn mình chấp nhận hy sinh, tan biến vào hư vô để người yêu được sống.
Đến đây, khán giả bỗng cảm thấy có một chút tương đồng về góc nhìn về 2 chàng hồ ly của Việt Nam và Hàn Quốc, giữa MV Cất em vào tâm tư với bộ phim Bạn trai tôi là Hồ ly tinh cùng ra mắt trong năm 2020. Thật vậy, câu chuyện của cả 2 sản phẩm đều xoay quanh chàng hồ ly tinh 9 đuôi sống qua nghìn năm, đều đợi người yêu qua nhiều kiếp mới có thể tương phùng. Thậm chí cả hai đều hi sinh ngọc hồ ly, chấp nhận chịu đau đớn về bản thân để người yêu mình được sống.
Mặc dù có nét khá tương đồng về mặt motif nhưng chi tiết và cách kể chuyện của cả hai đi theo những hướng rất khác nhau. Có vẻ như sau một loạt sản phẩm về mỹ nhân hồ ly quá quen thuộc, thì truyền thuyết hồ ly ở thời nay bắt đầu được các nhà biên kịch khai thác mở rộng ra phiên bản của những mỹ nam. Nhìn chung, MV Cất em vào tâm tư của Isaac đã thể hiện sự nỗ lực của lê kip trong việc mang hình tượng hồ ly chỉn chu lên một sản phẩm nghệ thuật của Việt Nam với những kỹ xảo không thua kém phim điện ảnh.
Xem thêm: 'Cất em vào tâm tư': Nước cờ đúng hay sai của Isaac?