Trước tiên, người viết muốn rõ ràng một điều rằng đây là bài báo dựa trên quan điểm và góc nhìn cá nhân. Điều chúng ta cần là cùng nhau có 1 góc nhìn khác hơn, sâu hơn về câu chuyện lùm xùm giữa ERIK và ST.319 trong những ngày qua.
Theo dõi những cuộc phỏng vấn hay chia sẻ trên trang cá nhân của 2 nhân vật chính ERIK - Aiden trong thời gian qua, có thể rút ra được lý do quan trọng nhất khiến ERIK quyết dứt áo ra đi: Không thật sự phù hợp với cách quản lý và đường hướng phát triển mà công ty đưa ra, không hài lòng với cách trả lương cũng như mức lương đang nhận được. Cụ thể, tỉ lệ phân chia thu nhập giữa ERIK - ST.319 là 10%:90%. Nếu như lần đầu nghe thấy, con số này có thể khiến rất nhiều khán giả Vpop hoang mang.
Thế nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm!
Các công ty giải trí Hàn Quốc phân chia thu nhập ra sao?
Thông thường, một thần tượng Kpop được đào tạo trong khoảng thời gian vài năm. Tất nhiên, toàn bộ các chi phí trong lúc training (đào tạo) như đi lại, ăn uống, chỗ ở, các khóa học kỹ năng… đều do công ty chi trả. Theo tiết lộ từ báo chí Hàn vào tháng 8/2016, toàn bộ chi phí để cho 1 nhóm nhạc lên sàn dao động từ 30 - 40 tỉ đồng (1.5 đến 2 tỉ won).
Chính vì phải tốn một con số khổng lồ như vậy nên hầu hết các công ty đều không trả lương cho thần tượng tới khi có thể hoàn lại vốn từ gà nhà. Quá trình này mất từ 2-3 năm nếu nhóm đó thành công, còn nếu không thì thật chẳng dám tưởng tượng. Đó chính là lý do vì sao có những trường hợp như trưởng nhóm Solji của EXID, sau 10 năm lận đận mới cầm được đồng lương đầu tiên về nhà! Ngoại lệ chỉ xuất hiện ở các ông lớn như SM, YG, JYP, FNC, DSP - những công ty có khả năng chia thu nhập mà không cần đợi “bù lỗ’’.
Nếu may mắn có “bố làm to” như SM, YG hay JYP, các trai xinh gái đẹp mới được hưởng thu nhập theo tỉ lệ dưới đây ngay sau khi debut, bất kể công ty thu về đủ vốn hay chưa.
Nhìn sâu hơn vào con số 9/1 giữa ERIK và ST.319
Nhìn vào tỉ lệ trên và con số 9/1 giữa ERIK và ST.319, hẳn độc giả sẽ thắc mắc ngược lại về tiêu đề bài báo này.
Phải nhắc lại rằng, nền giải trí xứ Kim chi không phải là sân chơi “mệnh ai nấy chạy” mà đã được xây dựng và định hướng bài bản từ rất lâu. Là ngành công nghiệp với một hệ thống vô cùng gãy gọn, chặt chẽ. Họ có nhiều nguồn thu mà Vpop chưa biết đến bao giờ mới có hoặc còn rất hạn chế: Tiền bản quyền sáng tác ca khúc, tiền thu về từ lượng download trên các trang nhạc số… G-Dragon và rất rất nhiều các idol có khả năng sáng tác khác hoàn toàn có thể sống khỏe chỉ nhờ tiền bản quyền.
Kpop thu nhiều, chi nhiều. Vpop cũng chi nhiều nhưng thu lại chẳng có bao nhiêu! Nghệ sĩ Vpop phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho 1 MV chất lượng, cả tỉ đồng cho 1 album dài hơi. Và khoản thu chính chỉ là tiền chạy show, bởi không phải ai cũng may mắn được các nhãn hàng tìm đến. Hay văn hóa “xài chùa” còn sừng sững ở đó, tiền download, nhạc chuông, nhạc chờ, tiền bản quyền thì cứ mơ đi!
Mô hình nghệ sĩ - công ty quản lý thời điểm hiện tại đang khó có đất sống ở Vpop, thay vào đó là nghệ sĩ - 1 người quản lý cá nhân. ST.319 và trước đó là VAA của Ngô Thanh Vân quả thực là những con người can đảm khi mang mô hình ‘’khó nuốt’’ trên về áp dụng tại Việt Nam. Ước mơ về những con người, sản phẩm chuyên nghiệp hay góp phần thay đổi bộ mặt nền giải trí nước nhà là động lực lớn nhất của họ.
Tóm lại, con số 9/1 nhìn có vẻ “khủng khiếp” nhưng sẽ chẳng thể nào so sánh được với loạt con số 7/3, 6/4 hay 5/5 với hàng tá những khoản thu khổng lồ bao gồm trong đó. Nên chê trách ST.319 với tỉ lệ 9/1 “bóc lột” hay thông cảm vì nguồn tiền kiếm được thì ít ỏi, hạn chế mà lại trả lương cho gà nhà ngay cả khi chưa thu đủ vốn? Đến đây hẳn độc giả đã tự có câu trả lời cho mình.
“Yêu tiền thì đừng làm nghệ sĩ!”
Lời nhắn nhủ nghe có vẻ chua chát nhưng lại là sự thật của OnlyC dành cho ERIK nói riêng và những bạn trẻ đang có ý định theo đuổi đam mê nói chung. Nhất là vào thời điểm ngày càng có nhiều công ty mọc lên, đi theo mô hình của Kpop như hiện nay.
Gần như là người tiên phong tại một thị trường khó khăn, vả lại quy mô của ST.319 chắc chắn không thể nào so sánh nổi với SM, YG hay JYP. Họ hoàn toàn có thể không trả lương cho ERIK cũng như MONSTAR cho đến khi thu lại đủ vốn như hàng tá công ty vừa và nhỏ khác ở Kpop. Nhưng ít nhất họ đã không để cho ERIK phải “chết đói”.
Ngay cả đến những huyền thoại như DBSK, SuJu, BigBang… cũng đều phải trải qua quãng thời gian không có tiền ăn chứ đừng nói đến tiền sống! Chưa kể đến thời điểm còn là thực tập sinh phải sinh hoạt khổ sở, phục vụ tiền bối bên cạnh những giờ tập luyện hùng hục như không có ngày mai. Chẳng có con đường nào trải sẵn hoa hồng ngay từ đầu. Chẳng có thành công nào mà không phải bỏ công sức, không phải hy sinh và đánh đổi. Phần cơm 35k mỗi thành viên MONSTAR đang nhận được hay tiền lương bèo bọt chưa phải là địa ngục, so với Kpop vẫn còn sướng chán! Một điều đơn giản cần phải được xác định ngay từ đầu: Chấp nhận theo mô hình Kpop thì phải bỏ ngay tư tưởng Việt Nam. Bạn không thể chỉ mơ mộng về quả ngọt như xứ người mà bỏ qua những trái đắng họ phải nếm.
Kết:
Sự ra đi của ERIK một lần nữa cho thấy “lỗ hổng” trong nhận thức khi Vpop đang cần nhiều những sự chuyển mình hơn nữa. Tại sao sự chuyên nghiệp cứ mãi lẩn tránh Vpop? Một câu hỏi nhức nhối dành cho toàn bộ những ai đã và đang dành sự quan tâm cho nền nghệ thuật nước nhà chứ không phải con số 9/1 kia!