Quan điểm của tôi trước sau nhất quán (và quan điểm này hình thành từ khi nhạc pop của chúng ta đi theo trào lưu quốc tế về việc phát hành các single) và trong một vài thời điểm có vẻ cực đoan: Tôi tán thành việc các nghệ sĩ phát hành album hơn là thi thoảng lại tung ra một single. Album định vị sự nghiệp như những điểm chốt quan trọng; còn single chỉ có ý nghĩa quảng cáo. Album đòi hỏi công sức nhiều, thời gian lâu, đầu tư tài chính lớn và nghiêm túc; single hầu như cho không, biếu tặng và nếu không hoàn toàn thì cũng là hầu hết, mang tinh thần “đón gió”, bắt mạch thị trường. Không một ca sĩ chuyên nghiệp nào cả đời chỉ có những single (cứ cho là mười bài trong mười năm đi, cũng chẳng có gì để nói về họ); còn nếu họ có trên 4 albums, thì đã có sự nghiệp.
Tôi chưa từng làm việc với nữ ca sĩ Pha Lê, chưa gặp mặt ngoài đời bao giờ, và hôm nay tôi nghe đĩa Quelque Chose Dans Mon Cœur của cô. Một album gồm 9 bài tình ca Pháp cũ, tất cả đều quen thuộc vì đã vang lên từ những phòng khách Saigon trên dàn hi-fi stereo từ mấy thập kỷ trước, đã được hát từ khi tôi còn học trung học và đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt hát lại tại các tụ điểm, phòng trà trong nhiều năm tháng.
Những tình ca Pháp không có tuổi, nay được Pha Lê trình bày lại trên một nền nhạc phối êm dịu, mộc và thanh nhã, như nhạc trong những tửu quán ngoại vi Paris.
Paroles là ca khúc trước kia thế hệ chúng tôi đã dán tai vào loa cassette để chép lời Dalida hát. Dalida thì phát âm giọng Ý, còn Pha Lê phát âm kiểu Việt. “Tu peux bien les offrir…” thành “tu veux”, “le parfum de roses” bị hát thành “roge”, và phụ âm “r” vốn là phụ âm khó trong tiếng Pháp, bị đẩy sâu vào vòm họng thành âm “g”. Cũng không nên khắt khe quá với Pha Lê, vì thật sự muốn phát âm tiếng Tây đẹp và sang, chỉ có thể đạt được bằng cách sống trong một môi trường Pháp cổ điển, dùng tiếng Pháp như lời nói hàng ngày (với dân bản xứ chính hiệu Pháp, không phải dân nhập cư Bắc Phi) và đọc thơ, hát hàng ngày trong vòng mấy mươi năm. Điều này là thử thách quá lớn với Pha Lê; hơn nữa producer cho đĩa này của cô, tôi dám chắc là người không rành tiếng Tây.
Vậy ta sẽ nói về những yếu tố khác.
Magic Boulevard của François Feldman (bị viết sai tựa đề thành “magique” và đúng ra âm “le” phải bị nuốt) qua giọng Pha Lê nghe hơi khô lạnh, chưa đúng tinh thần thơ Pháp - Feldman viết ca từ như thơ. Nhưng đây là một bản thu âm “sạch”, âm thanh rất tốt, Comme Toi của Jean Jacques Goldman là ca khúc dễ, một bản bossa-nova phổ thông chắc gần như dùng để hát karaoke, nhưng đúng là Pha Lê hát hấp dẫn, với những âm nhấn đặc trưng la tinh, nghe thú vị hơn cả bản gốc Goldman hát. Donna của Claude François thì lại càng quen tai hơn, nhưng Pha Lê hát cứng vì một câu tiếng Pháp có những chỗ nối vần/ không nối vần tế nhị thì cô chưa nắm được. Guitar trong bài này đẹp, chơi khôn khéo và ngọt ngào.
Joe le Taxi, bài hát gắn chặt với Vanessa Paradis, là một bài ít người dám hát lại vì cái bóng dáng đặc biệt của Paradis mười lăm tuổi đã phủ kín bài hát rồi. Histoire d’un Amour cũng là ca khúc đặc Pháp mà không ai qua được Dalida. Giờ ta nói về ca khúc được lấy đặt tên album.
Quelque Chose Dans Mon Cœur vốn là bài hát dành cho các thiếu nữ dậy thì, Elsa hát bản gốc. Bố mẹ tôi thấy tôi vẫn quá bé bỏng, mà bạn bè tôi thì lớn nhanh như thổi. Tôi đang ở giữa một điều kỳ diệu lớn đang trỗi dậy và một tuổi thơ sắp kết thúc. Bài này xem vậy chứ khó hát, như Joe le Taxi vậy. Bài học lớn rút ra: đừng cố gắng chọn những ca khúc gắn chặt với một “khí hậu tâm lý” đặc Tây, bạn không sao diễn đạt lại được không khí ấy đâu.
Dù sao đi nữa, Pha Lê đã làm việc nghiêm túc (và tôi đoán là mất nhiều công phu). Và với người nghe đơn thuần, được sống lại một phần kỷ niệm cũ đã là một niềm vui của ngày. Thì ta tận hưởng niềm vui ấy và cảm ơn Pha Lê.
Album Quelque Chose Dans Mon Coeur - Pha Lê
>>Xem thêm: ‘Lệ Quyên làm album Còn trong kỷ niệm để bán’