Khái niệm “singer-songwriter” (ca sĩ kiêm sáng tác) chỉ những nghệ sĩ có khả năng sáng tác và thể hiện chính các ca khúc của mình. Ở Việt Nam, trào lưu này manh nha khá sớm, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, tuy nhiên mô hình còn nhỏ lẻ, chỉ đến những năm gần đây, khi xuất hiện nhiều cuộc thi âm nhạc như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, The Remix - Hòa âm ánh sáng… và thị hiếu nghe nhạc của công chúng đa dạng hơn thì mới thực sự tạo nên trào lưu. Những ca sĩ kiêm sáng tác 9X với lợi thế là tuổi đời trẻ, sức viết sung mãn, có đam mê muốn sống và gắn bó với con đường âm nhạc.
Những nhạc sĩ gạo cội như Nguyễn Cường, Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Anh Quân… đều có những nhận xét khá tích cực và kỳ vọng vào làn sóng nhạc sĩ trẻ mới xuất hiện. Nhạc sĩ Anh Quân khẳng định: “Thế hệ ca sĩ kiêm nhạc sĩ mới là những người có tư duy hiện đại, nhanh nhạy, tiếp cận nhanh với công nghệ, giỏi ngoại ngữ để nắm bắt những xu thế của thế giới. Thế nên, sẽ không ngạc nhiên nếu trong năm tới đây họ sẽ phủ sóng các kênh âm nhạc”.
“Với sức trẻ, hãy bay nhảy, mạnh dạn khám phá những miền đất mới trong âm nhạc. Tâm hồn, gu thẩm mỹ, thông điệp của họ sẽ trưởng thành theo thời gian”, là nhận định của nhạc sĩ Chờ người nơi ấy dành cho thế hệ singer-songwriter 9X.
Dù được giới chuyên môn đánh giá cao, dành tặng những lời khen có cánh, tuy nhiên xét ở phương diện chiều sâu thì những ca sĩ kiêm sáng tác 9X vẫn khá non nớt, thiếu về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của một tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc, hiện nay có tới 70% ca sĩ chuyên nghiệp không hiểu về nhạc lý, tức là không tự xướng âm khi đọc nhạc văn bản, 30 % còn lại chia đều cho những ca sĩ hiểu về nhạc lý (những người được đào tạo bài bản về thanh nhạc) và những ca sĩ có khả năng sáng tác. Điều này cho thấy, số lượng ca sĩ có khả năng sáng tác quá ít trong thời đại phát triển mẫu nghệ sĩ đa năng.
Không hẳn những singer-songwriter thế hệ trẻ đồng nghĩa với sự non nớt và thiếu kinh nghiệm. Trong V-pop có nhiều ca sĩ kiêm sáng tác dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nhưng họ có vốn sống và những trải nghiệm khá dày dặn. Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường, Mai Khôi, Đức Hùng (Mew Amazing)… là những ví dụ điển hình. Những ca khúc của họ rất đỗi tự sự, thâm thúy khiến khán giả nhiều khi phải “vò đầu suy nghĩ” xem ý tứ của ca khúc là gì, thông điệp truyền tải ra sao…
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, sự thiếu kinh nghiệm vẫn là hạn chế lớn nhất của các ca sĩ kiêm sáng tác 9X. Kinh nghiệm được coi là hệ quy chiếu để đánh giá một năng lực của một người nghệ sĩ, bởi bất kỳ một lĩnh vực hay ngành nghề nào thì thiên tài và óc sáng tạo chỉ chiếm 1%, còn lại là do sự nỗ lực, tích lũy trong quá trình làm nghề. Ca sĩ - nhạc sĩ Châu Đăng Khoa từng khẳng định: “Lợi thế lớn nhất của nhạc sĩ trẻ như Khoa đó chính là tuổi trẻ. Nhưng trẻ cũng thường đi kèm với sự non nớt và thiếu kinh nghiệm, đây cũng là sự hạn chế của nhạc sĩ trẻ”.
Ngoài ra, sự hiếu thắng và “ăn xổi ở thì” cũng là hạn chế mà những ca sĩ kiêm sáng tác cần khắc phục và rút kinh nghiệm. Vì muốn khẳng định bản thân nên nhiều singer-songwriter đã tung ra những bản nhạc dễ dãi với phần ca từ và giai điệu “nhạt như nước ốc”, thậm chí có những bản còn làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Điều này giới nghệ sĩ underground rất hay mắc lỗi. Vì có cá tính âm nhạc phóng khoáng, nên họ có thể tự do tung hoành với ngôn ngữ âm nhạc, đôi khi quá đà tạo nên hình tượng không đẹp trong mắt công chúng. Trong khi đó, những singer-songwriter đa phần xuất thân từ giới underground.
Hạn chế nữa của những singler-songwriter là bút lực không ổn định, chỉ mang tính thời điểm, nghĩa là “bay cao tốc bao nhiêu… thì đáp đất cũng nhanh bấy nhiêu”.
Trong V-pop, những singer-songwriter thuộc dạng này không phải là ít, Yến Lê - cựu thí sinh Giọng hát Việt 2015 là một trong số đó. Tại cuộc thi Giọng hát Việt 2015, giọng ca đến từ Hà Nội lần lượt trình diễn loạt ca khúc do chính mình sáng tác và nhận được phản hồi tích cực từ các huấn luyện viên cũng như khán giả yêu nhạc. Những ca khúc của Yến Lê đa dạng về thể loại từ R&B, dubstep trong ca khúc Don’t Leave Me Alone, Quay lưng đến những giai điệu pop nhẹ nhàng, cảm động của Cho con được thay cha, Cám ơn chân thành.
Yến Lê chia sẻ muốn định hình cho mình phong cách đa năng với việc thể hiện những sáng tác trên hành trình đến với The Voice và cả chặng đường sự nghiệp ca hát trong tương lai. Tuy vậy, sau cuộc thi Yến Lê khá mờ nhạt ở vai trò sáng tác, hầu như giọng ca Quay lưng không trình làng thêm sản phẩm âm nhạc nào “ra ngô ra khoai”. Với The Voice, Yến Lê bay cao bao nhiêu thì hiện giờ cô đáp đất nhanh bấy nhiêu.
MV Quay Lưng của ca sĩ Yến Lê
Cũng trong khuôn khổ cuộc thi The voice 2015, thí sinh Hoàng Dũng - team của HLV Thu Phương cũng có khả năng sáng tác vượt trội. Trong đêm chung kết, anh trình bày ca khúc tự viết mang tên Yếu đuối. Với màn trình diễn này, HLV Tuấn Hưng nhận xét: “Anh thích em về sự chững chạc, vì em có giọng hát bay và anh tin rằng bài hát “Yếu đuối” của em sẽ hot”.
Hoàng Dũng trình diễn ca khúc Yếu đuối trong liveshow chung kết Giọng hát Việt 2015.
Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng Dũng trình diễn ca khúc tự sáng tác. Trong live show trước thềm chung kết, ca khúc Đường đêm cũng là một sản phẩm âm nhạc mang dấu ấn của giọng ca đến từ Thái Nguyên. Hoàng Dũng chia sẻ đã sáng tác được gần 20 ca khúc kể từ khi tham gia The Voice, tuy vậy thời gian này, anh gần như “im thin thít” với vai trò sáng tác nhạc.
Tuổi trẻ tất nhiên sẽ không tránh khỏi những sai sót, hạn chế, nhưng những gì họ thể hiện trong thời gian vừa qua, có thể kỳ vọng họ sẽ mang đến sự tươi mới cho làng nhạc Việt. Như Soobin Hoàng Sơn từng nói: “Một ca sĩ vừa có khả năng sáng tác lại vừa thể hiện được qua giọng hát thì chắc chắn đó là một lợi thế của người nghệ sĩ. Vì người đó sẽ truyền tải rất tốt tinh thần và phong cách của bài hát. Bên cạnh đó, thể hiện ca khúc mình sáng tác còn che được tối đa khuyết điểm của bài hát cũng như kĩ thuật hát. Nói chung người nghệ sĩ có cả hai khả năng này sẽ lợi cả đôi đường“.
Điều quan trọng để đi được đường dài, những singer-songwriter cần có người dẫn đường, sự định hướng và một bệ phóng để có thể phát huy được khả năng hát và sáng tác của mình. Cuộc thi Sing My Song - Bài hát hay nhất có phải sự lựa chọn tốt?
Với mong muốn phát triển gameshow Sing my song - Bài hát hay nhất ở Việt Nam, Cát Tiên Sa (đơn vị chủ quản của hàng loạt chương trình ăn khách hiện nay: Giọng hát Việt, Hòa âm ánh sáng, Nhân tố bí ẩn, The Face, …) đã là đơn vị chính thức đưa chương trình về Việt Nam. Công ty Cát Tiên Sa sẽ sản xuất 10 tập chương trình Sing My Song mùa đầu tiên. Tại Việt Nam Sing My Song - Bài hát hay nhất hứa hẹn sẽ là sân chơi đưa những sản phẩm âm nhạc của thí sinh đến gần với thị hiếu của công chúng, để có thể trở thành “hiện tượng” trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Những thí sinh được lựa chọn vào vòng ghi hình sẽ được Ban tổ chức hỗ trợ đào tạo khả năng, phát hành sản phẩm, xây dựng hình ảnh và bảo trợ truyền thông một cách chuyên nghiệp. Hiện tại, ban tổ chức Sing My Song - Bài hát hay nhất đã chính thức nhận hồ sơ cho vòng tuyển sinh. Các bạn trẻ yêu thích chương trình có thể làm hồ sơ gửi tới BTC từ nay đến hết tháng 10/2016. Theo thông tin từ ban tổ chức, đối tượng dự thi là các bạn trẻ từ 16 tuổi trở lên, là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, chương trình còn mở rộng đối tượng tham dự cho người nước ngoài sinh sống tại Việt hoặc các quốc gia trên thế giới nhưng có khả năng hát tiếng Việt. Hồ sơ đăng ký dự thi gồm: đơn đăng ký, 1 ảnh toàn thân, 1 bài hát tự sáng tác (định dạng file mp3), bản sao CMND/Hộ chiếu (công chứng). Địa điểm nhận hồ sơ là Công ty Cát Tiên Sa - 5B Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM hoặc toà soạn Saostar - 179 Lý Chính Thắng, phường 7, Quận 3, TP.HCM. |