Người viết đã từng ví Hà Trần là “dị nhân” trong âm nhạc, bởi khi đó giọng ca Thăng hoa thực hiện album Bản Nguyên với quy trình ngược, khác cách làm nhạc truyền thống (từ phòng thu - khán giả - live), tức là Hà Trần hát live ở sân khấu trước sau đó mới vào phòng thu. Lần này người viết vẫn tiếp tục dùng chữ “dị nhân” với con gái của NSND Trần Hiếu bởi trong đêm nhạc Hà Trần hát Trần Tiến trong chuỗi In the Spotlight ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô vừa qua (30/9), cô cùng nhạc sĩ Hồng Kiên đã phối mới toàn bộ những ca khúc trữ tình, tự sự của chú ruột.
Hà Trần là trung tâm của đêm nhạc, nhưng cô không hát mở màn, thay vào đó là giọng ca Lá cờ - Tạ Quang Thắng. Khi Thắng bước ra sân khấu, vẻ như không nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả, bởi anh là giọng ca RnB còn rất trẻ liệu có phù hợp với chất bụi phủi, phong trần của nhạc sĩ Vết chân tròn trên cát(?). Nhưng không, Thắng đã làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người khi cất tiếng hát đầu tiên trong ca khúc Thành phố trẻ. Chất giọng đẹp, nam tính, lãng tử khiến nhiều người tưởng đâu Thắng là “phiên bản đặc sắc nhất” của Trần Tiến một thời sôi nổi. Ngồi kế bên tôi là nhạc sĩ Giáng Son cũng phải thốt lên “hay” khi xem xong phần trình diễn của đồng nghiệp. Hà Trần cũng nhận định rằng: “Ngày xưa tôi đóng hai vai khi hát nhạc Trần Tiến (hát cả những bài của đàn ông) nhưng giờ có anh men ra men (Tạ Quang Thắng - PV) tôi không còn phải làm nhiệm vụ khó khăn này nữa“.
Nói đến Hà Trần là nói đến sự nghị lực và khác biệt. Hà Trần vốn không phải là một giọng ca thiên phú, âm sắc trong giọng hát không đẹp, giọng yếu, nhưng nhờ sự cố gắng khổ luyện, nỗ lực trau dồi tư duy và kỹ năng thanh nhạc, Hà Trần đã trở thành ca sĩ có kỹ thuật thanh nhạc bậc thầy, một giọng hát đẹp của Hà Nội.
Trong đêm nhạc Hà Trần hát Trần Tiến, nữ ca sĩ sinh năm 1977 đã dẫn dụ cảm xúc của khán giả từ mạnh mẽ, quyết liệt của Rock Đồng hồ, Nhăng nhố, Ra ngõ mà yêu, Ngẫu hứng sông Hồng, Em vẫn như ngày xưa đến sự sâu lắng, trữ tình, tự sự, chiêm nghiệm trong loạt tác phẩm Mẹ tôi, Sắc màu, Quê nhà… Mỗi ca khúc cô cũng biến hóa linh hoạt trong cách xử lý ca từ thêm phần bay bổng. Nếu không phải là người ca sĩ khéo léo, tinh tế thì sẽ không hát được nhạc của Trần Tiến. Vì sao vậy, vì nhạc của ông “mẫn cảm” với thế giới xung quanh; một sợi tóc rơi, một dòng sông, mùa thu, hồ sương trắng cũng có thể làm thành một bài ca.
Hà Trần chia sẻ khi thực hiện tâm điểm âm nhạc thứ 2 hát nhạc Trần Tiến cô khá rụt rè bởi liệu có vượt qua được cái bóng của tâm điểm âm nhạc đầu tiên. “Bây giờ sẽ hát và chơi nhạc thế nào nữa đây?”. Giọng ca 39 tuổi băn khoăn mãi cho đến khi được nhạc sĩ Hồng Kiên tâm sự: “Mỗi tối về nhà anh Kiên trải các bản nhạc lên bàn và ngồi lẩm nhẩm 1 mình, cứ như thế hết 1 tháng. Vợ anh ấy định đưa anh ấy đi bác sĩ (cười lớn). Tuy nhiên, có một ý khá hay anh Kiên bảo rằng khi ngồi nói chuyện với các bản nhạc, nó giống như người bạn của mình. Khi nhạc sĩ hòa âm với tác phẩm đã trở thành bạn của nhau thì rất dễ nhìn ra những góc cạnh đặc biệt, làm cho tác phẩm được vang lên một cách đều đặn và sâu sắc“.
Bản thân nhạc sĩ Hồng Kiên cũng được Trần Tiến khen ngợi hết lời, ông nói: “Tôi không ngờ rằng một cậu nhạc sỹ bằng tuổi con gái đầu của tôi mà tài năng đến thế. Những bản nhạc quen thuộc được Hồng Kiên phối khí lại khiến tôi ngồi dưới nổi hết gai ốc. Đêm nay, nhạc Trần Tiến chỉ “du ca” ở phần trước khi mở màn, còn lại, cả chương trình là một không gian âm nhạc tuyệt vời. Cảm ơn Hồng Kiên đã làm sang trọng nhạc của Trần Tiến”.
Quay trở lại với Hà Trần và âm nhạc của Trần Tiến. Nhạc Trần Tiến không cần vỏ ngôn ngữ hào hoa, sang trọng, mà “phơi sương phơi nắng”, phong trần đầy tính chiêm nghiệm. Như ca khúc Sắc màu - “được tặng riêng” cho Hà chẳng hạn. Tác phẩm được viết vào khoảng những năm 2000, lúc đó Hà “chân ướt chân ráo” vào nghề, chưa có bài riêng. Thấy cháu gái như thế, Trần Tiến có chút áy náy, bảo rằng: “bố viết cho con một bài”.
Giai điệu của ca khúc này thực ra dành cho một bài khác nhưng cái duyên của bài hát chưa tới nên còn lại những nốt nhạc, lời ca bị vứt vào “sọt đựng ngẫu hứng”. Sau đó chú Tiến đi mổ ruột thừa, thì viết bài Sắc màu trọn vẹn và gọi cháu gái để tặng với lời đề từ: “Tặng cháu yêu Trần Thu Hà bài Sắc màu”.
“Lúc đó tôi tuổi đôi mươi, chú tặng cho tôi cả cái chết lâm sàng của chú, tôi bối rối lắm, nhận cũng dở mà không nhận cũng dở, nó quá nặng so với sức của tôi. Nhưng tôi vẫn cố gắng tìm tòi cách hát để ca khúc vang lên đúng nghĩa nhất với tinh thần của một người “chuẩn bị chết” được về với cõi đời này. Tôi nghĩ là tôi bị già trước tuổi bởi âm nhạc của Trần Tiến, may mà nó chưa vận vào người tôi. Lý giải cho mối lương duyên của tôi với nhạc Trần Tiến chính là sự chuyển giao năng lượng. Tôi cảm thấy như chú đã sống hộ tôi một quãng đời, sau đó tất cả những gì chắt lọc trong quãng đời đó, ông viết lên thành bài hát và tôi nạp lại chuyển giao đó và sống với nó“, Hà Trần chia sẻ.
Câu chuyện về ca khúc Rock Đồng hồ cũng thú vị không kém. Khi nhạc sĩ Trần Tiến được Hà Trần mời lên sân khấu giới thiệu về hoàn cảnh, lai lịch cũng như ý nghĩa của ca khúc này, ông không ngại bóc mẽ cháu gái yêu của mình. Ông nói: “Tôi rất ghét nói về bài hát của mình. Bài hát mà cứ phải đi giải thích cho công chúng là bài hát tồi”. Nhưng có lẽ sợ cháu gái giận nên ông đành phải phân trần: “Thôi được rồi, nói thì nói. Ca khúc Chiếc đồng hồ nói về 3 cái kim, anh mỏng và dài nhất là kim giây không ai nhắc đến, người ta chỉ hỏi cái anh ngắn ngủn, béo béo mấy giờ rồi, không ai hỏi mấy giây rồi. Cuộc đời là như vậy. Nhân dân trong những năm tháng đó không ai được để ý, người ta chỉ để ý mấy anh mập mập, béo ú. Đến khi đồng hồ chết người ta mới nhớ đến nhân dân, nhớ đến kim giây“.
Trong đêm nhạc này, ngoài phần biểu diễn của ca sĩ Tạ Quang Thắng còn có sự góp giọng của con trai ca sĩ, nhạc sĩ Y Moan - Ygaria với hai ca khúc về Tây Nguyên Giấc mơ Chapi và Ngọn lửa cao nguyên. Giọng hát và phong cách của Ygaria mang đậm phong cách núi rừng - hào sảng và đầy mạnh mẽ. Hà Trần nói vui rằng: “Chị mà có giọng hát hay như em thì đỡ phải khổ rồi“.
Sau phần biểu diễn của Ygaria, Trần Thu Hà thể hiện một số ca khúc trữ tình có giai điệu sâu lắng Mẹ tôi, Điệp khúc tình yêu, Quê nhà… Khi phần rèm sân khấu khép lại, khán giả ngỡ ngàng: “Ô hết rồi sao”, “sao kết thúc nhanh quá vậy”, sau đó mọi người kháo nhau: “Ra ngoài sảnh nhanh, Trần Tiến đang hát du ca”. Đúng như vậy, Trần Tiến cùng Tạ Quang Thắng, nhạc sĩ Thanh Phương, Đinh Mạnh Ninh, Ygaria… thể hiện chùm ca khúc Chào cuộc đời - Mặt trời bé con - Tạm biệt chim én. Các nghệ sĩ biểu diễn theo đúng phong cách du ca, ngẫu hứng, tưng tửng và phiêu linh.