Tối 26/1, lễ trao giải âm nhạc lớn nhất thế giới Grammy lần thứ 62 (năm 2020) chính thức diễn ra trong sự chào đón của toàn thể người hâm mộ khắp mọi nơi. Tuy nhiên, kết quả chung cuộc lại không mấy làm hài lòng tất cả, lý do đến từ việc Billie Eilish bất ngờ hốt trọn bộ tứ Big Four (bao gồm Song of The Year (Bài hát của năm), Record of The Year (Bản ghi của năm), Album of The Year (Album của năm), Best New Artist (Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất)) trước những con mắt đầy ngỡ ngàng của khán giả bên dưới. Câu hỏi đặt ra là, liệu Billie Eilish có xứng đáng để hạ gục tất cả những tên tuổi lớn và ẵm trọn bộ tứ Big Four?
Kết quả nào xứng đáng dành cho Billie Eilish?
Điểm lại 4 chiếc kèn danh giá nhất mà Billie mang về nhà, có lẽ Best New Artist là kết quả ít gây tranh cãi nhất. Lizzo dẫn đầu danh sách đề cử năm nay với con số 8, Lil Nas X sở hữu bản hit “hiện tượng” có sức công phá đáng sợ nhất năm, tuy nhiên cả 2 ứng cử viên sáng giá ấy cùng với 4 nghệ sĩ khác là Maggie Rogers, Rosalia, Tank and the Bangas, Yola cũng không phải là đối thủ của Billie Eilish. So với 6 người còn lại, Billie Eilish có thể không sở hữu Bản ghi xuất sắc nhất, Bài hát xuất sắc nhất, hay thậm chí là Album xuất sắc nhất, nhưng cô nàng có được một sản phẩm đầu tay tổng hoà được các yếu tố trên: Những bản hit, một album thể hiện cá tính hoàn toàn nổi trội, và lượng fan đông đảo ở một độ tuổi còn quá nhỏ. Tuy nhiên, nếu không phải Billie Eilish thì Lizzo vẫn vô cùng xứng đáng ẵm chiếc kèn vàng này, 50/50 là điểm số dành cho cả 2 nghệ sĩ tài năng.
Gây tranh cãi nhất chính là hạng mục Record of The Year, hầu hết các trang âm nhạc đều đặt cửa cho Old Town Road (Remix). Nói sơ về “lịch sử” của ca khúc này, vốn dĩ Old Town Road phiên bản gốc chỉ có giọng ca Lil Nas X, được ra mắt từ tháng 12/2018 và chỉ đơn thuần nổi lên trong cộng đồng một ứng dụng điện thoại. Cho đến ít tháng sau đó, sự “góp vui” của danh ca nhạc đồng quê Billy Ray Cyrus trong bản Remix một lần nữa hâm nóng lại bài hát và góp phần đưa cả 2 bản gốc và remix tiến nhanh lên top các BXH. Sự đóng góp của “chú” Cyrus thì rất đơn giản, chỉ hát phần điệp khúc ở đầu và cuối bài nhưng cũng đủ để khiến cho bản thu lại này mang đậm màu “đồng quê” hơn so với bản gốc bị hip-hop trội lên, và cũng có giá trị hơn. Cũng chính vì vậy mà ca khúc gây ra nhiều tranh cãi vì bị cho là không thuộc thể loại đồng quê. Cụ thể, sau khi xuất hiện tại Hot Country Songs thì bất ngờ Billboard quyết định gỡ bỏ ca khúc khỏi bảng xếp hạng này, vì lý do bản nhạc pha trộn âm thanh hip-hop hiện đại và không hội tụ đủ các yếu tố của một ca khúc đồng quê ngày nay. Đó là một rắc rối mà ca khúc gặp phải, tuy nhiên điều đó cũng cho thấy Old Town Road (Remix) đã phá vỡ quy luật thường thấy trong âm nhạc nhưng lại rất được công chúng đón nhận.
Old Town Road (Remix) - Lil Nas X ft. Billy Ray Cyrus
Cần lưu ý rằng, Record of The Year (ROTY) khác với Song of The Year (SOTY) ở chỗ, ROTY đề cao người ca sĩ, producer, kĩ thuật phòng thu, và cả phần mix/master, còn SOTY tôn vinh người nhạc sĩ sáng tác nên một bài hát hay (hay về giai điệu, lời bài hát, thông điệp,… không liên quan đến phần thu âm). Thế nên, với tính đột phá mà Old Town Road (Remix) sở hữu, ca khúc này quả thật xứng đáng hơn bad guy ở hạng mục ROTY.
Về phần Song of The Year, khả năng thắng được chia đều cho Truth Hurts, Norman F*****g Rockwell, bad guy. Tuy nhiên, Truth Hurts từng dính nghi án đạo văn (Lizzo đã phủ nhận cáo buộc này), điều cấm kị đối với một hạng mục liên quan trực tiếp đến chất lượng bài hát. Bad guy cũng gây nhiều tranh cãi ở phần lời bài hát viết về những lệch lạc tình dục của Billie Eilish khi cô chưa tròn 18 tuổi như: “Tôi là loại người quyến rũ cả cha anh”, “Chiếc áo trắng đã chuyển sang màu đỏ, màu máu mũi của tôi” (bạo lực tình dục và cô nàng thì thích điều đó),… Giới phê bình cho rằng ca khúc này vô nghĩa và gây ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ.
Norman F*****g Rockwell - Lana Del Rey
Bad guy - Billie Eilish
Cuối cùng, mặc dù Billie Eilish ngay trên bục giải thưởng đã phát biểu rằng cô nghĩ thank u, next của đàn chị Ariana Grande xứng đáng với Album of The Year hơn nhưng rõ ràng, When We All Fall Asleep, Where Do We Go? vẫn được đánh giá cao. Album làm được những điều quan trọng: Là album debut định hình được cá tính âm nhạc của nữ ca sĩ; mang màu sắc khác biệt giữa thị trường và có bản hit bự trong đó. Không phải ngẫu nhiên mà album đạt điểm số tích cực 82 trên Metacritic, duy chỉ không được lòng 2 Rolling Stones (70) và Pitchfork (72). Thank u, next có phần nhỉnh hơn đôi chút với 86 điểm và đạt điểm số lần lượt 80 - 79 từ 2 “lão già khó tính” trên.
Như vậy, nhìn chung, sản phẩm đầu tay của cô nàng được đánh giá tích cực nhưng lại chưa phải là xuất sắc về mọi mặt. Núi cao thì còn có núi cao hơn, và ở từng hạng mục, Billie đều phải cạnh tranh với những đối thủ một chín một mười, thậm chí có khi còn nhỉnh hơn. Thế nên, trả lời cho câu hỏi bên trên, When We All Fall Asleep, Where Do We Go? thật sự chưa xứng đáng để ẵm cả 4 chiếc kèn vàng danh giá ấy chỉ trong vòng 1 đêm. Nếu chỉ 1 hoặc 2 sẽ là một kết quả hợp lí hơn.
Uy tín của Grammy lung lay như ngọn đèn trước gió
Chính vì thế, việc Viện hàn lâm dành sự ưu ái quá mức cần thiết cho cô nàng sinh năm 2001 này vừa gây bức xúc trong dư luận, vừa khiến chính chủ khó xử và còn một vài hệ quả khôn lường khác. Sự thiếu đa dạng trong danh sách chiến thắng khiến cho chất lượng và tính chất lễ trao giải bị sụt giảm nghiêm trọng, bởi Grammy là nơi phản ánh nền âm nhạc thế giới cả 1 năm vừa qua. 2019 là năm âm nhạc bùng nổ đa sắc màu, ngày càng nhiều nhân tố, sản phẩm mới đặc sắc, đó không phải là “năm của Billie Eilish” hay của riêng bất kì ai, Billie Eilish không đại diện cho cả thị trường âm nhạc như cách mà Viện hàn lâm trao cho cô 4 giải thưởng quan trọng nhất.
Nhìn những biểu cảm trái ngược của chủ nhân giải thưởng khi nghe sướng tên 2 giải cuối cùng so với 2 giải đầu tiên, dễ thấy bản thân giọng ca when the party's over cũng khó xử và khó hiểu. Đang yên đang lành bỗng dưng rinh về nhà bộ tứ Big Four cùng với “hàng tặng kèm” là bao nhiêu mũi rìu dư luận chĩa vào. Các nghệ sĩ tất nhiên, chẳng ai lại lên tiếng bất bình, đạp đổ công sức của một cô gái trẻ chập chững vào nghề và còn mông lung khi nghe sướng tên đến lần thứ 4 cho giải Big Four cuối cùng, nhưng có ai mà không xót xa cho “đứa con tinh thần” của mình chẳng được cưng chiều như chúng xứng đáng. Dần dà, khao khát của họ đối với chiếc kèn vàng cũng ngày càng vơi đi ít nhiều.
Grammy những năm gần đây vướng phải nhiều lùm xùm trầm trọng, nhất là xoay quanh câu chuyện minh bạch trong giải thưởng, khó có thể quên màn tố cáo gây chấn động ít ngày trước từ Cựu chủ tịch Viện hàn lâm Deborah Dugan. Ấy vậy mà Viện hàn lâm vẫn không rút kinh nghiệm để rồi tiếp tục rước thêm rổ gạch đá sau đêm 26/1. Uy tín, hình ảnh của một Grammy thượng đẳng, danh giá năm nào đang lung lay như ngọn đèn trước gió.