Những ngày qua, Lễ trao giải Nghệ sĩ Châu Á Asia Artist Awards 2019 đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Tại đây, không những người hâm mộ sẽ được tận mắt nhìn thấy loạt ngôi sao đình đám của Hàn Quốc xuất hiện tại Việt Nam và những nghệ sĩ của đất nước chủ nhà cũng có cơ hội nhận chiếc cúp Nghệ sĩ Việt Nam được yêu thích nhất do chính BTC Hàn Quốc trao giải.
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ trong “chớp mắt” đã có hàng loạt ca sĩ Việt tự rút tên ra khỏi hạng mục đề cử. Chưa nói đến việc tầm cỡ của lễ trao giải này to lớn và danh giá như thế nào nhưng việc các nghệ sĩ cùng nhau đưa ra lý do giải thích cho việc này đều là không muốn fan tốn tiền vì phải bình chọn bằng tin nhắn sms hoặc do lịch trình cá nhân,… khiến dấy lên một câu hỏi: Từ bao giờ nghệ sĩ lại có phần tỏ ra khá… “đỏng đảnh” với giải thưởng đến thế? Chẳng phải nói xa xôi, chỉ nhìn lại ít năm trước, việc được nhận một chiếc cúp giải thưởng âm nhạc là niềm mơ ước và cũng là khao khát của biết bao nghệ sĩ trẻ.
Vậy thực trạng này đang phản ánh điều gì và vì sao lại như vậy!?
Quá khứ huy hoàng của giải thưởng Vpop một thời
Khó ai có thể quên được thời kỳ đỉnh cao của các giải thưởng âm nhạc Vpop cách đây hơn 10 năm và được coi như một sự tự hào của nghệ sĩ cũng như chính người hâm mộ vào thời điểm đó. Trước hết phải nói đến giải thưởng Làn sóng xanh có “thâm niên” khá kỳ cựu khi được bắt đầu từ năm 1997 và mở màn cho sự phát triển của nhạc trẻ. Có thể nói tới nam ca sĩ Lam Trường cùng ca khúc Tình thôi xót xa đã tạo nên “cơn sốt” mạnh mẽ và tạo dấu ấn khởi đầu để mở cửa cho dòng nhạc thị trường trong thời kỳ phát kỳ phát triển nhạc Việt.
Cũng từ đó, hàng loạt giải thưởng âm nhạc “mọc lên như nấm” nhưng lại không hề làm “bão hòa” giá trị của những chiếc cúp. Từ Cống hiến, Mai vàng, HTV Awards, Yan Music Award, Vpop 20, Pops Awards,... lần lượt được ra đời và vinh danh những đóng góp cho hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ. Có thể nói, giải thưởng âm nhạc cũng như một thứ “quyền năng” làm “bước đệm danh vọng” cho người nghệ sĩ vào thời điểm đó.
Để có trong tay giải thưởng cao quý, người nghệ sĩ cũng chẳng phải “ngồi mát ăn bát vàng” và… “nghiễm nhiên” mà nhận giải. Trái lại, họ phải lao động và cống hiến, “chày da tróc vảy” để hết mình với nghệ thuật. Cũng chính từ việc phải ganh đua hay làm mới bản thân để đạt được giải thưởng đã tạo nên một “liều thuốc” vô giá giúp các nghệ sĩ ngày càng phải chỉn chu để thực hiện sản phẩm của mình sao cho thật chất lượng nhất và gửi gắm đến những “giám khảo” khó tính mà không ai khác chính là khán giả.
“Thành công online” là quá đủ?
Nhận thấy rõ, trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây của Vpop, top trending Youtube đã “công phá” và được nghệ sĩ cũng như người hâm mộ quan tâm hơn cả. Việc đạt được vị trí top 1 trending trên Youtube giờ đây đôi khi còn được người làm nghề quan trọng hơn những chiếc cúp “vô tri vô giác”. Bởi, đây chính là phản ánh sát thực nhất về sự quan tâm và chú ý của khán giả dành cho một sản phẩm âm nhạc. Nếu như chỉ vài năm trước, những chiếc cúp giải thưởng như món quà vô giá mà bất kỳ ai cũng muốn có được trong tay thì hiện tại, con số về lượt view, lượt trending lên xuống như thị trường chứng khoán mới được người người nhà nhà cân đo đong đếm từng chút một.
Còn nhớ mới chỉ đầu năm 2019, một giải thưởng âm nhạc uy tín phát động bình chọn rồi còn công bố cả ngày diễn ra lễ trao giải chính thức. Ấy thế mà chỉ cách lễ trao giải chẳng bao lâu, ban tổ chức bất ngờ đưa ra quyết định sẽ hủy đêm gala và chỉ phát đi thông cáo online về kết quả cũng như gửi cúp đến nghệ sĩ sau. Giải thích về điều này, đại diện ban tổ chức lễ trao giải chỉ cho biết ngắn gọn đó là “gặp phải một số trục trặc” khiến người hâm mộ vô cùng bất ngờ xen lẫn hoang mang. Chẳng những thế, việc nghệ sĩ vắng mặt tại các lễ trao giải cũng chẳng còn hiếm thấy. Không ít sự kiện trao giải thưởng phải “vinh danh chay” vì ca sĩ nhận giải vắng mặt. Câu hỏi đặt ra, nghệ sĩ giờ đây chẳng còn hứng thú với việc lên sân khấu nhận giải và “cảm ơn online” là xong chuyện?
Mới đây nhất, không thể không nhắc đến lễ trao giải Asia Artist Awards 2019, ngay từ thời điểm đơn vị tổ chức gửi lời mời tới các nghệ sĩ Việt đã có cống hiến trong năm 2019 để tham gia danh sách đề cử bình chọn Nghệ sĩ được yêu thích nhất đã có một số nghệ sĩ như Sơn Tùng, Tóc Tiên, Soobin Hoàng Sơn đã xác nhận với BTC không tham gia vào danh sách đề cử từ trước khi diễn ra chương trình bình chọn. Tưởng mọi việc đã “an bài” thì hàng loạt nghệ sĩ nằm trong hạng mục đề cử như Erik, Chi Pu, OnlyC, Lou Hoàng,… lần lượt lên tiếng xin rút tên khỏi danh sách bình chọn.
AAA 2019 là giải thưởng nhằm vinh danh các nghệ sĩ Hàn Quốc nói riêng và các nghệ sĩ Châu Á nói chung đã có những đóng góp, hoạt động nổi bật, có sản phẩm nghệ thuật xuất sắc ở cả hai lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc. Được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 11/2016 tại Hàn Quốc, AAA đã trải qua 3 lần tổ chức và đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức tại nước ngoài với địa điểm đầu tiên ở Việt Nam. Hàng loạt nghệ sĩ Hàn Quốc đã vinh dự nhận được giải thưởng AAA đó là BTS, Wanna One, Seventeen, iKon, Got7, Sunmi, TWICE,… Với những cái tên này cũng đủ để bảo chứng cho sự danh giá của giải thưởng AAA nhưng vì sao các nghệ sĩ Việt lại chẳng mấy mặn mà mà đồng loạt rút lui?
Nói đi cũng phải nói lại, những giải thưởng có thâm niên lâu đời như Cống hiến hay Làn sóng xanh vẫn giữ được sức nóng nhất định của mình. Nếu như Cống hiến có thời gian trải qua 14 lần tổ chức thì Làn sóng xanh sở hữu “số tuổi” là… 22. Với nhịp sống và thời đại phát triển 4.0 mạnh mẽ ở hiện tại, để vẫn trụ vững, kiên cường và có hơi thở, sức sống như vậy quả thực không phải là một điều dễ dàng. Trải qua thời gian ấy, cũng chẳng có ít “sóng gió” ập tới nhưng chính bởi những giá trị mà loạt giải thưởng này mang lại cho thị trường nhạc Việt có lẽ cũng chính là lý do vì sao không thể “quật ngã” dễ dàng. Dù có lẽ đã phải chịu “bão táp” và “bạc đầu” phần nào nhưng những giải thưởng lâu năm này vẫn sẽ luôn nhận được sự tôn trọng nhất định của người nghệ sĩ và khán giả.
Giải thưởng thế nào mới thỏa mãn được sao Việt?
Đầu tiên, chắc chắn phải nói đến tính chuyên nghiệp ngay từ ban đầu của ban tổ chức. Nghệ sĩ cần giải thưởng nhưng cũng không có nghĩa họ dễ dàng thỏa hiệp. Khi nhận thấy tính thiếu chuyên nghiệp, thiếu công tâm hay thiếu minh bạch, họ ngay lập tức sẽ quyết định một cách dứt khoát về việc có hay không tham gia vào một cuộc “ganh đua” để đem về chiếc cúp giải thưởng khi chẳng còn “vui”. Bên cạnh đó, việc tính phí tin nhắn bình chọn của fan khi muốn ủng hộ thần tượng với một cái giá “cắt cổ” cũng sẽ nhận được những phản ứng trái chiều. Bình chọn là ở “cái tâm” chân thành nhất mà người hâm mộ muốn dành cho thần tượng hoặc từ cái nhìn đánh giá khách quan của khán giả cho người nghệ sĩ chứ không phải ở việc ai nhiều tiền thì sẽ thắng thế.
Quay trở lại với lùm xùm nghệ sĩ rút tên khỏi danh sách đề cử gần đây, hẳn đó cũng là việc làm đúng đắn của một người nghệ sĩ khi chẳng màng giải thưởng hay cúp vinh danh mà quan trọng hơn hết là việc bảo vệ cho người hâm mộ của mình. Tuy nhiên, với những người làm nghệ thuật, việc sở hữu chiếc cúp công nhận thành quả cố gắng của mình sẽ chẳng bao giờ là thừa. Không có một lý do gì để có thể phủ nhận tên tuổi của nghệ sĩ sẽ được nâng tầm nhiều hơn khi được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao cũng như tin tưởng trao tặng chiếc cúp giải thưởng. Đó sẽ là “tấm vé” để những người nghệ sĩ thực thụ vững bước hơn trên chặng đường âm nhạc nhiều chông gai. Và cũng hy vọng, với thị trường phát triển như hiện tại sẽ không xảy ra tình trạng “khát” giải thưởng đúng nghĩa để góp phần tạo nên một bức tranh đa màu sắc cho làng nhạc Việt.