Âm Nhạc

Danh ca Khánh Ly: Đời sống chưa đủ bộn bề hay sao mà còn hạ nhục nhau trên facebook?

Nguyễn Hà
Chia sẻ

Khánh Ly, cho tới thời điểm hiện nay, là số ít trong những giọng ca xứng đáng được gói gọn trong hai chữ "danh ca" mà không hề xấu hổ khi được xưng tụng từ cả phía người gọi và người được gọi.

Trong lần đầu tiên được hát tại TP. Hồ Chí Minh ngày 2.12 tới đây, nơi mà bà đã từng được biết đến và tạo dựng danh tiếng của nhiều chục năm về trước, Khánh Ly chia sẻ rằng bà cũng có những hồi hộp nhất định. Bà có những hứng khởi bởi lần đầu tiên bà sẽ đứng chung sân khấu với những người nghệ sĩ trẻ vốn chưa từng hát nhạc Trịnh nhiều, ví như Hồ Ngọc Hà chẳng hạn. Thế nhưng, nếu để ngồi hỏi chuyện người nghệ sĩ “thất thập cổ lai hy” này về Trịnh Công Sơn thì e rằng, một ngày là chưa đủ bởi mối thâm tình của họ đã đi vào giai thoại.

Và cũng chính bởi đã đi vào giai thoại nên mọi thứ nếu như có được cũng chỉ là những trang sức dành cho một nhan sắc vốn đã quá lộng lẫy. Một người phụ nữ đã bước qua 3/4 quãng đời, đã đi qua biết bao biến động của đời sống, của dân tộc, đã di chuyển khắp các địa lí, trải qua những miền văn hoá khác nhau như thế, khi hỏi về sự phán xét của đời sống hiện tại hẳn nhiên là một điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Sẽ không có nhiều người đủ sự trải nghiệm như Khánh Ly để thấu hiểu mọi chuyện cũng như chọn thái độ sống với những phán xét ê hề của ngày hôm nay.

img_0487

Ngày 2.12.2016 tới, lần đầu tiên danh ca Khánh Ly sẽ có một đêm nhạc riêng với tên gọi Khánh Ly - Live concert in Sài Gòn tại Sân vận động Quân khu 7.

Chuyện hôm qua, hôm nay còn biết chứ ngày mai ai hay!

- Bà có dùng facebook không thưa bà?

- Tôi không dùng facebook, nhưng có fanpage do con gái quản lí.

- Bà có biết con gái bà sẽ đăng tải những thông tin gì lên đó chứ?

- Tôi biết chứ, và đó thường là lịch biểu diễn của tôi.

- Sở dĩ tôi bắt đầu câu chuyện với bà từ đề tài facebook là bởi như bà thấy, ngày nay, mọi thứ trở nên dễ dàng để bị/ được phán xét. Mọi chuyện từ của chung đến của riêng, từ cá nhân tới tập thể, từ bi thương đến hoan hỉ, tất thảy mọi thứ đều đang ê hề ra đó để nhận được sự phán xét của cái gọi là “cộng đồng mạng”. Bà nghĩ sao về hiện trạng này?

- Bạn à, chắc là mọi người dư thời gian thôi. Nhưng đúng ra, phải dành thời gian để kiếm sống, làm những điều tử tế, chứ cứ dùng facebook để mà đưa ra ý kiến cá nhân, lên án người này người kia là điều đó không nên đâu. Tại vì hãy cứ nghĩ thế này, nếu trường hợp không may của người ta xảy ra với mình thì sao? Đừng nghĩ rằng là không bao giờ chuyện đó xảy ra với mình. Ngày hôm qua biết, ngày hôm nay biết nhưng ngày mai ai hay chuyện gì sẽ xảy ra, thành thử cứ từ từ chờ đi đừng vội vàng lên án ai cả. Vì nếu lên án thì tất cả mọi người đều đáng bị lên án, không ai vô tội đâu.

- Câu trả lời của bà làm tôi nhớ đến câu nói: “Ai là người chưa từng có tội lỗi hãy là người ném đá đầu tiên”!

- Sẽ không ai dám ném cả vì ai cũng có tội. Cuộc đời mà, làm sao mình tránh được những lầm lỡ. Không muốn đâu nhưng mà mình lỡ thôi thì mọi người sẽ tha thứ cho mình. Ai cũng có những sai lầm. Giống như tôi cũng có lúc tôi biết tôi sai chứ. Mình sai thì mình xin lỗi những đứa trẻ, ngay cả với con tôi, nếu tôi làm sai tôi cũng nói “mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi”. Tôi có mất gì đâu.

- Bởi vậy mới nói, tha thứ và rộng lượng hình như là điều quá xa xỉ trong đời sống ngày nay, có phải không thưa bà?

- Nhiều khi tại đời sống khó khăn quá, khắc nghiệt quá thành ra mới làm con người ta đến mức như thế. Nhưng mà như thế mới là cuộc đời, chứ nếu đời sống sung sướng không ai lên án ai, núi đá còn nguyên không mất đi cục đá nào cả thì còn nói gì là đời sống. Phải thăng trầm, phải lên xuống mới biết được giá trị của con người.

- Vậy nhưng đời sống cũng cần niềm tin lắm chứ bà?

- Bắt buộc phải có chứ không thì sao mà sống được.

- Nhưng bà có nghĩ đến niềm tin giờ cũng khô khan luôn? Đơn giản chỉ là niềm tin giữa con người và con người thôi!

- Họ không tin có những điều tốt, sự tử tế trên đời. Họ cạn niềm tin hoặc là họ chưa bao giờ có niềm tin, hoặc là chưa bao giờ tin vào điều gì cả. Cũng có thể là cuộc đời của họ là những sự không may nối dài. Hoặc là sự hạnh phúc triền miên đẻ ra trên đống vàng đống bạc không biết thế nào là đau khổ, thế nào là hạnh phúc thì những người đó thường thường rơi vào tình trạng vậy. Họ không tin tưởng điều gì cả.

­- Để cải thiện nó có dễ không nhỉ, thưa bà?

- Tạo niềm tin cho nhau là cách tốt nhất. Tạo niềm tin cho nhau qua âm nhạc thôi bởi ngoài nhạc không có điều gì đưa người ta lại gần nhau được, tôi nghĩ vậy. Một ngàn lời tử tế nói ra không giá trị bằng khi bạn nghe một bài hát nó xoa dịu nỗi đau trong lòng bạn.

Thôi thì hãy tập yêu đi!

img_0471

Ngoài tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly, đêm nhạc còn có các ca sĩ khách mời: Ý Lan, Hồng Nhung, Quang Dũng, Quang Thành và Hồ Ngọc Hà.

- Đó là chuyện của người, còn hành trình sống của bà thì sao nhỉ? Bà đã bao giờ mất niềm tin vào con người/ sự vật/ sự việc gì chưa thưa bà?

- Tôi không mất niềm tin. Có nhiều khi, tôi tin tưởng lòng tốt hay là một cá nhân nào đó rồi nó không được như thế thì tôi chỉ là thoáng buồn thôi. Trừ khi nào mất niềm tin ở mình mới quan trọng, còn ở người khác mình không có quyền o ép, bắt họ phải tạo niềm tin cho mình. Mình chỉ tiếc cho người ta đã không có niềm tin đó. Đời sống mỗi người là mỗi bức tranh, bản nhạc, bài văn, bài thơ, hỉ nộ ái ố ai lạc dục mỗi người đều khác nhau cả.

Tôi không bị ảnh hưởng và sẽ chẳng có gì ảnh hưởng đến đời sống của tôi bởi tôi nghĩ rằng cái gì mua được đều không giá trị. Người lạ, họ không có bổn phận phải tốt với mình bởi họ không phải chồng - cha mẹ - con cái - tri kỉ của mình thì đó là điều dĩ nhiên, tôi chẳng bao giờ để ý. Ai thương thì mình cho rằng đó là may mắn hạnh phúc, ai không thương thì đó là điều dĩ nhiên.

- Tôi có đọc được một bài trả lời phỏng vấn ở lần đầu bà về nước, trong đó bà có nói rằng thế hệ trẻ hát nhạc Trịnh bằng một tâm thế không mắc nợ bom đạn nên đầy sức sống, thanh tân và hồn nhiên. Nhưng số đông những tín đồ của nhạc Trịnh lại luôn cho rằng, nhạc của Trịnh Công Sơn là đền thiêng và bà là người gác đền trung thành, cần mẫn nhất nên không chấp nhận bất cứ sự thay thế nào. Bà nghĩ sao về sự nhận định có phần khắc nghiệt này?

- Thì cũng lần đầu tiên trên bài báo đó, tôi có nói về tình đầu bởi không ai quên tình đầu cả. Tôi là tình đầu của những người yêu nhạc Trịnh, nhưng, không phải tình yêu đó là duy nhất, bởi, sau tình yêu của dành cho tôi còn có những tình yêu khác đến với họ trong đời. Thôi thì hãy tập yêu đi. Bạn thấy đấy, ngoài sông, sóng sau phủ sóng trước. Cây tre già nhường chỗ cho măng mọc, và rồi măng nó cũng thành cây tre. Cứ từ từ đợi thời gian qua.

Phải để người ta có thời gian lớn lên với nhạc khúc đó, lớn lên với sự thông cảm. Không nợ nần chiến tranh không có nghĩa là không có sự thông cảm. Sẽ có một lúc nào đó đọc lại lịch sử, sẽ thấy được có một thời chiến tranh đi qua đất nước chúng ta để thấy rằng, mặc dù tôi không mắc nợ nhưng bố mẹ mắc nợ nên ít nhiều gì trong lòng mình cũng dính líu tới chuyện đó, tới những kinh nghiệm đó. Người nghe nhạc Trịnh cũng thế, nhìn thấy tôi là nhìn thấy kỉ niệm của họ.

Nhưng còn tương lai thì sao, đâu phải ai cũng sống hoài với kỉ niệm. Cũng như tương lai của tôi bây giờ là im lặng và tìm sự bình yên trong im lặng của mình là bởi tất cả mình đã trải qua rồi, hạnh phúc mình đã hưởng, khổ đau đã trải qua, mất mát cũng thế, đến giai đoạn im lặng, bằng lòng với những cái mình có. Mất cũng đã mất rồi, có muốn cũng không lấy lại được. Có cũng có rồi và bây giờ cái có đang qua, thì những người như tôi sẽ qua đi, lớp mới sẽ lên. Những người yêu tôi cũng sẽ qua đi và lớp người mới sẽ lên để yêu ca khúc Trịnh Công Sơn với những giọng ca mới.

Tôi thì tôi thấy hay là bởi vì tôi theo thời gian. Có những cái tôi rất cổ nhưng trong âm nhạc tôi không ấn định, không giới hạn nó. Điều đó là không thể được bởi vì không có quyền đó, phải để nhạc đi tới, những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn hát theo cảm xúc của họ. Mình buồn sao mình cứ bắt người ta phải buồn. Giống như khi tôi mất chồng, không muốn chia sẻ bởi không ai có thể chia sẻ được điều đó, chỉ có thể nhìn nhau và an ủi bằng cặp mắt, không thể nói ra những lời chia sẻ. Những gì nói ra là thừa là dư, là sáo, tôi không cần những thứ đó, chỉ cần đến và ngồi cạnh.

Giờ tôi là cái bóng của chính mình

Được biết, trong Khánh Ly - Live concert in Sài Gòn, Hồ Ngọc Hà sẽ song ca và đệm đàn cho nữ danh ca hát.

Được biết, trong Khánh Ly - Live concert in Sài Gòn, Hồ Ngọc Hà sẽ song ca và đệm đàn cho nữ danh ca hát.

- Trong câu chuyện về tình đầu và tình mới của bà, bỗng dưng tôi nhớ tới những giọng ca đã cố gắng làm mới nhạc Trịnh nhưng bị gọi là “đốt đền”, đó là Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng, bà biết chứ?

- Lại là sự quá đáng, phán xét, lên án hơi quá. Đừng coi ông Trịnh Công Sơn là đền là tượng. Bắt ông làm cái tượng đài đứng ngàn năm như vậy để làm cái gì, tượng đài cũng có lúc đập đổ, dựng lên được thì đạp đổ được. Yêu quý thì để ở trong lòng đi, những cái gì trong trái tim thì không ai làm gì được, nhưng những thứ gì xây lên thì phá được.

Ai ôm được vào trong lòng cả bức tượng để làm khổ nhau làm gì. Đời sống này nặng nề lắm rồi không nhất thiết phải dùng facebook để lên đó chỉ trích, bôi bác, hạ nhục nhau. Có những chuyện không có nói thành có, bi thảm hoá vấn đề. Mọi chuyện nó cũng như tiếng vỗ tay, phủi tay cái là hết.

- Đó là chuyện nghề nghiệp, còn chuyện riêng tư, tôi muốn đưa một hình ảnh của bà ngoài đời thực vào bài viết, đó là hình ảnh bà hút thuốc. Và từ hình ảnh đó, tôi liên tưởng tới hình ảnh cô Hoa hậu hút thuốc và nhận “gạch đá” từ đám đông trên mạng xã hội. Bà, người có cùng sở thích, nói gì về điều này?

- Tôi nói thật nhé, tôi cũng thấy hình ảnh tôi hút thuốc là không đẹp nên ít khi nào có những hình ảnh nào như vậy. Tôi không có hãnh diện gì trong chuyện tôi hút thuốc lá cả dù tôi có quyền làm điều đó ở tuổi của tôi, cũng giống những bà người Huế hút thuốc Cẩm Lệ. Nhưng mà tôi khác và cô bé đó khác. Có lí do nào để hút không? Có nên không?

Một phần gia đình, một phần bạn bè. Có những người làm những việc không đúng nhưng gặp những người bạn không bao giờ nói những điều đó là không đúng cả. Nếu họ cứ nói: “Úi giời ơi đẹp lắm, tốt lắm” thành ra mình tưởng cái đó là đẹp thật, cứ tiếp tục làm thôi. Chưa chắc những người đó yêu mình. Những người yêu mình là những người chỉ trích thẳng: “Này mày làm điều đó xấu lắm, người đàn bà phì phèo điếu thuốc chẳng ra cái đám ôn gì”.

Tôi thích những người đó, những người dám nói thẳng với mình. Tôi cũng bị nói chứ nhưng mà bây giờ tôi nghĩ tôi già rồi và chẳng ai để ý đến chuyện của một bà già. Chỗ nào đông người, tôi đâu dám đưa hình ảnh đó lên, tôi cũng phải giữ chứ. Không vì tôi lớn tuổi hay vì tôi là cái này cái kia hãnh diện phì phèo điếu thuốc trước đám đông. Cũng vì, tôi không nỡ phá vỡ hình ảnh mà mọi người thương tôi.

Mọi người chấp nhận nhưng đừng để họ thấy. Mặc dù mình không hút trước mặt nhưng họ vẫn biết, người ta cũng không nỡ lên án tôi. Người trẻ, những cái gì không nên làm thì đừng làm, tránh đi. Nếu chẳng có chuyện gì thì chẳng nên hút làm gì. Nhưng tôi không lên án, người ta có quyền, yêu hay ghét ở mình thôi. Nếu không chấp nhận được thì đừng yêu. Mặc khác, tôi cũng không hoan nghênh và không khuyến khích.

- Xin phép hỏi bà câu cuối, từ ngày người bạn đời ra đi, tôi thấy bà hình như đi lưu diễn nhiều hơn, phải chăng, bà sợ quay về căn nhà để đối diện với hình bóng người chồng, đối diện với sự quạnh quẽ và cô đơn ở vào tuổi xế chiều?

- Không, bạn không nghĩ là tôi không muốn xa ngôi nhà đó à? Lúc nào tôi cũng muốn ở nhà để lo đèn nhang, không muốn ông ý lạnh lẽo. Mỗi buổi chiều, tôi vẫn chờ chồng về, trước khi đi ngủ cũng nhìn hình để chúc ngủ ngon. Trước khi đi cũng nhìn hình để chào, để nói “em đi nhé!”. Đối với tôi, người bạn đời vẫn ở trong căn nhà đó thôi nhưng mà tôi đi là bởi vì trước đó, thời gian ông ý mới mất, tôi không muốn đi, không muốn hát hò.

Chính Quang Thành đã lôi tôi ra khỏi giấc mơ đó, để đi sinh hoạt cộng đồng, làm “Vòng tay nhân ái”, tiếp nối giấc mơ của chồng, của ông Trịnh Công Sơn. Tôi cũng nghĩ có chết theo được đâu mà nếu còn sống thì đứng sống vật vờ như vậy nhiều khi ông ý cũng không muốn tôi sống như vậy. Tôi là cái bóng của ông Trịnh Công Sơn, là cái bóng của chồng và giờ là cái bóng của chính mình trong căn nhà đó. Thật tình không muốn đi xa nhưng tôi cũng tin rằng đi đâu cũng có ông ý đi theo.

Căn nhà đó là nơi duy nhất tôi muốn về cho tới khi đi theo chồng. Tôi có dặn các con, khi nào tôi đi, bình tro của vợ chồng tôi thả trên rừng, dưới biển, đâu cũng được vì lúc đó mình là cát bụi rồi mà.

- Xin chân thành cảm ơn bà về buổi trò chuyện!

Chia sẻ

Bài viết

Nguyễn Hà

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất