Âm nhạc là một trong những ngành công nghiệp rực rỡ, hào nhoáng nhất thế giới. Đó là cảm nhận đầu tiên của bất cứ ai nghe đến hay có tham vọng được chạm tay vào nó. Thế nhưng có bấy nhiêu người biết được đằng sau những ánh hào quang sân khấu ấy là cuộc chiến đầy khốc liệt cả về âm nhạc lẫn “mảng tối” đằng sau. Nếu như ở thị trường V-pop là sự đấu đá ngầm, K-pop là cuộc chiến của những bộ máy quyền lực thì US-UK, nơi mà ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ nhất lại mang đúng bản chất phóng khoáng, tự do của phương Tây: Mặt đối mặt, công khai cạnh tranh lẫn nhau.
Điển hình một vài cặp nghệ sĩ không đội trời chung luôn được “ưu ái” đem lên bàn cân như Taylor Swift - Katy Perry, Miley Cyrus - Selena Gomez, Taylor Swift - Miley Cyrus, Rihanna - Beyoncé. Trong số đó, sẽ có những “vụ án” được tạo nên do chính người trong cuộc thật sự không bằng mặt, bằng lòng nhau, nhưng đó là việc của họ. Vậy mà bên cạnh đó lại có những câu chuyện trở nên viễn tưởng qua sức sáng tạo đầy phong phú của các fandom (hay còn gọi là cộng đồng fan hâm mộ). Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Dưới góc nhìn của một người yêu nhạc, có chăng nên chỉ đánh giá mọi thứ dựa trên âm nhạc và bỏ ngoài lề những yếu tố bên ngoài chi phối mạnh mẽ đến “định kiến” của bạn đối với người nghệ sĩ.
Hãy cùng xem trường hợp của Beyoncé và Rihanna, 2 nữ ca sĩ da màu nổi trội nhất US-UK hiện nay để nhìn nhận về việc so sánh như thế nào là hợp lí hay không.
Trận chiến muôn thuở Beyoncé - Rihanna, từ đâu mà nên nỗi?
Ngọn nguồn của sự việc có lẽ bắt đầu từ khi chồng của Queen B là Jay Z, ông bầu mát tay nhận Rihanna về làm “gà cưng” của mình và đưa tên tuổi của cô nàng ngày càng vươn lên tầm cao mới. Thời gian đó, cặp tình nhân này đang quen nhau, rồi họ chia tay một năm trời trước khi quay lại và kết hôn sau đó. Trong một năm đầy “khoảng lặng” ấy, người trong cuộc không ai nói cũng chẳng ai thưa, vậy mà truyền thông lại đổ mọi tội lỗi cho sự xa cách này lên người mà họ gọi tên là “kẻ thứ ba” Rihanna.
Beyoncé, Rihanna, hai người có một mối liên hệ “gần gũi” như vậy, có cùng màu da, cùng hoạt động trong một lĩnh vực và đó là lý do khiến họ vô tình trở thành “bị cáo”, được đặt lên bàn cân bởi những “thẩm phán” hữu thực vô danh. Cứ cho là có thật một cuộc chiến ngầm đi, thì nên hay không khi đem cuộc chiến từ những mảng tối cuộc sống riêng tư ấy ra ngoài ánh sáng của những giải thưởng âm nhạc, của các bảng xếp hạng, của sự phân ranh giải trí - nghệ thuật giữa hai cô nàng tài năng này, khi mà suy cho cùng, đường hướng họ đi là hai ngã rẽ hoàn toàn khác biệt?
Cụ thể, khác biệt ở đây là như thế nào?
Thứ nhất, về tuổi nghề, Beyoncé chắc chắn là “đàn chị”. Cô hoạt động nghệ thuật trước “cô em” mình đến 15 năm (1990 so với 2005). Và “đàn em” thì không bao giờ có thể vượt được “đàn anh đàn chị”.
Nếu bạn từng nhìn thấy đâu đó hàng loạt sự so sánh giữa Mariah Carey - Ariana Grande thì chắc hẳn, bạn cũng sẽ đồng tình với nhận định này, dù cho sau này Ari có thật sự trở thành một diva nối gót Carey đi chăng nữa. Vì đó vốn đã là một lí lẽ của cuộc sống, lí lẽ này không để đánh giá về mặt chuyên môn, cần nhìn nhận nó ở góc độ của sự khiêm tốn, tôn trọng và cầu thị từ một người trẻ đối với tiền bối thâm niên hơn mình. Chưa kể, bản thân Rihanna từng thừa nhận, Beyoncé là cảm hứng âm nhạc và là lý do để cô bước tiếp trên con đường sự nghiệp của mình.
Thứ hai, về phong cách âm nhạc. Rihanna chọn cho mình phong cách quen thuộc là dancepop, R&B, hip-hop, EDM và thiên về giải trí với nội dung chủ yếu xoay quanh chuyện tình yêu. “Với cả thế giới, Rihanna là Rihanna, với cuộc đời riêng, Rihanna vẫn chỉ là cô gái Barbados mang tên Robyn Fenty mà thôi”. Chỉ khác ở chỗ, cô gái Robyn xứ Barbados này chọn âm nhạc là nơi để truyền tải hết những sụp đổ và sợ hãi, đau đớn của tuổi thơ không mấy hạnh phúc, của cuộc sống trưởng thành đầy va vấp.
We Found Love - Rihanna ft. Calvin Harris
Beyoncé cũng có một vài hit mang hơi hướng nhạc bắt tai như Single Ladies, Crazy in Love, Drunk in Love,… Tuy nhiên, sản phẩm của Bey được đánh giá cao hơn về mặt nghệ thuật, đặc biệt là từ album gần đây nhất: Lemonade. Trầm lắng, gai góc và hiểm hóc hơn bao giờ hết khi được nêm nếm thêm hàng tá gia vị từ chua chát, cay xè, đắng ngắt, ngọt lịm,… để khiến bất cứ thực khách nào cảm thấy nhức nhối không chỉ nơi đầu lưỡi mà còn tận tâm can. Đó là mùi vị của một người đàn bà trưởng thành vào cái ngày lột trần mọi ngóc ngách và hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Là chiêm nghiệm của người phụ nữ da màu từng ngày đứng giữa cuộc đấu tranh sắc tộc, quyền bình đẳng giới.
Beyoncé đã đạt một đẳng cấp nhất định về nghệ thuật. Nói như vậy không có nghĩa là nghệ thuật thì được đánh giá cao hơn giải trí. Miễn là âm nhạc không chỉ để “nghe cho vui” mà trong đó vẫn có chất “nghệ” dung hòa với phần giải trí là đủ in sâu vào tâm trí khán giả về lâu về dài.
Thứ ba, Beyoncé là một ca sĩ nhưng cũng là nhà soạn nhạc đầy tài năng, tạo ra âm nhạc cho chính mình. Rihanna thì không có khả năng sáng tác được nổi trội như Bey. Tuy nhiên, đó đâu phải điều để đánh giá Rihanna kém tài năng hơn Beyoncé? Rihanna có một công thức khác để làm nên tài năng của mình, cô ấy luôn tìm được cách riêng thêm thắt gia vị cho những bản nhạc đã có sẵn, dễ dàng “xào nấu” nó trở thành hit. Thật vô lý nếu phải đem vận tốc của con hổ này so sánh với cái đầu ranh mãnh của con cáo kia.
Cuối cùng, câu chuyện muôn thuở: Giải thưởng và bảng xếp hạng. BeyHive (cộng đồng người hâm mộ Beyoncé) chê Rihanna không có được đến 20 Grammy và cũng không thể sold-out tour diễn như thần tượng mình. Còn Navy (Cộng đồng fan của Rihanna) họ luôn tự hào với con số 14 single đứng No.1 của Riri mà Beyoncé vẫn chưa thể đạt đến. Bảng xếp hạng hay giải thưởng, suy cho cùng vẫn là những cách đánh giá khác nhau với tiêu chí, thang điểm khác nhau. Katy Perry thậm chí tuột mất tất cả các Grammy trong khi Taylor đều đặn ôm kèn vàng về nhà mỗi năm, nhưng “thánh nữ tạo hit” vẫn đẳng cấp không kém khi được đặt cạnh nữ “đối thủ” của mình.
Tóm lại, nếu có so sánh, hãy dựa trên những yếu tố tương đồng nhất định, bỏ qua mọi định kiến để có cái nhìn khách quan, mở lòng và đón nhận âm nhạc bằng cả trái tim. Nghệ sĩ, họ làm âm nhạc cho khán giả nghe, chứ không sống một cuộc sống để khán giả phán xét. Đừng ầm ĩ thay cho người trong cuộc vì đó là quyền riêng tư, thứ duy nhất liên quan đến bạn chỉ là âm nhạc của họ thôi.
Kết
Dưới góc nhìn của người viết, không phải thập niên 80s, 90s mà chính thời điểm hiện tại mới là thời đại phát triển đỉnh cao của âm nhạc thế giới. Trong phúc chốc, bạn có thể vừa lắc lư và nhảy nhót theo nhịp điệu rộn ràng, vui tươi của Work, rồi chỉ một giây sau đã có thể chìm đắm đầy chiêm nghiệm với Lemonade. Và Rihanna cùng Beyoncé là hai đại diện tiêu biểu nhất. Vì tài năng, họ xứng đáng được trân trọng hơn cả.