Khi những dòng này được viết ra, thì Orange, nghệ danh của Khương Hoàn Mỹ, vừa mới thắng tại một giải thưởng khó ai có thể nhớ tên, được tổ chức bởi một cơ quan có tên rất hoành tráng tại HongKong. Nhưng rồi, khán giả thử trả lời một câu thật lòng đi nào: có bao nhiêu người sẽ nhớ đến giải thưởng đấy? Orange chính là một bài toán rất lạ của Vpop, một nữ nghệ sĩ mang về cho mình những giải thưởng quốc tế, nhưng những gì cô đã, đang thể hiện tại quê nhà khiến cho khán giả đặt một dấu hỏi rất lớn.
Liệu có là “one-hit-wonder”?
Xuất thân từ sân chơi âm nhạc sinh viên, sự xuất hiện của Khương Hoàn Mỹ trong cuộc thi Nhân tố Bí ẩn cũng vụt thoáng qua với hình ảnh một cô gái xinh xắn, có một chút cá tính âm nhạc cùng giọng hát khá nội lực, đặc biệt là cách nhả chữ và luyến láy rất “Tây”. Tuy nhiên, bước ra từ cuộc thi, sự nghiệp âm nhạc của Khương Hoàn Mỹ chững lại, không có thêm bất kì một bước tiến nào, cái tên như mất hút trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và có chăng, cũng chỉ là một bài bản nhạc nhỏ lẻ trên YouTube hoặc Soundcloud. Mọi thứ tưởng chừng như cứ thế trôi qua, như một đốm sáng le lói và vụt tắt.
Khương Hoàn Mỹ tại Nhân tố Bí ẩn.
Cho đến một ngày đầu năm 2018, khi Người lạ ơi bất ngờ trở thành một hiện tượng, ở một thời điểm hoàn toàn không một ai ngờ đến nhất, thì cái tên Orange bỗng chốc vụt sáng, ngay bên cạnh cái tên Karik. Đến tận lúc này, khán giả bắt đầu tò mò về cái tên Orange, thì họ mới ngả ngữa ra khi biết rằng đấy chẳng phải là một cái tên quá xa lạ. Việc một nghệ sĩ đổi nghệ danh, âu cũng xem là một nước cờ khôn ngoan, như một sự dứt áo ra đi với quá khứ, lột xác thành một con người mới. Nhưng điều đó cũng có nghĩa: mọi thứ đều phải được bắt đầu lại từ con số 0.
Cùng với Người lạ ơi, quả thật cái tên Orange đã tỏa sáng khắp các mặt trận Vpop. Khán giả bắt đầu đổ xô tìm nghe những màn trình diễn trong quá khức của cô, để rồi cũng gật gù: giọng nghe sang đấy, cũng khá nội lực đấy. Nhưng vấn đề ở đây: họ chỉ gật gù, chứ không hề mang đến một xúc cảm nào mạnh mẽ hơn. Gần như suốt một năm 2018, cái tên Orange như bị “cột chặt” vào Người lạ ơi, và đó cũng chính là một con dao hai lưỡi đến bất kì một người nghệ sĩ nào.
Người lạ ơi.
Nghệ sĩ nào có được một ca khúc hit, với mật độ phủ sóng rộng rãi, lại có thể không hạnh phúc? Tuy nhiên, liệu sự thành công và niềm vinh quang ấy có thể kéo dài được đến bao lâu? 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng? Cho cùng lắm là một năm đi, nhưng sau một năm ấy, nghệ sĩ ấy có thể làm gì nữa? Khán giả dù có dễ tính đến như thế nào, nhưng bắt họ thưởng thức đi thưởng thức lại một ca khúc, họ cũng sẽ ngán ngẩm và tự rút lui mà thôi. Đó chính là lúc nghệ sĩ phải thức thời và có bước chuyển mình kịp lúc, vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của bản hit đó, để tiến lên phía trước. Một bản hit quá lớn vừa là bệ phóng tuyệt hảo cho người nghệ sĩ đi tiếp, nhưng cũng là một sức trì rất lớn với những trường hợp không may mắn.
Trên thế giới, hiện tượng này có thể gọi là one-hit-wonder, là một trong những việc mà người nghệ sĩ rất tối kị phải đối mặt. Bạn nhớ ca khúc đình đám cách đầy 4-5 năm về trước Somebody That I Used To Know của Gotye chứ? Đến bây giờ, bạn còn nghe bất kì tin tức nào về Gotye không? Câu trả lời chắc chắn ai cũng biết. Liệu Orange có bị vướng phải “lời nguyền” one-hit-wonder khi ca khúc Tình nhân ơi ra mắt cách đây chưa lâu hoàn toàn không đạt được thành công và sự bùng nổ như mong đợi.
Bên cạnh đó, việc một lần nữa “tái hợp” với Karik - Superbrothers nhằm tạo nên một Người lạ ơi thứ hai trong Tình nhân ơi có vẻ như không đạt được thành công như mong đợi. Phong cách âm nhạc ấy vẫn giữ nguyên như cũ, không có thay đổi nào đáng kể, cùng lắm là bình cũ rượu mới mà thôi. Orange vẫn giữ nguyên phong cách từ thời Người lạ ơi, âm nhạc vẫn dậm chân tại chỗ và không có bước tiến nào rõ rệt.
Tình nhân ơi.
Bên cạnh đó, thứ mà Orange đang thiếu: cá tính âm nhạc. Để gọi tên phong cách âm nhạc cũng như hình tượng theo đuổi của nữ ca sĩ là một điều rất khó, không phải vì nó quá đa dạng để chọn lấy một, mà là do chưa có yếu tố nào đủ nổi bật để gọi tên. Đây quả là một điều đáng để lo ngại.
Những giải thưởng… lạ kì
Quả thật vậy, Orange - Khương Hoàn Mỹ quả thật đang đứng ở một vị thế khá chênh vênh: có trong mình những giải thưởng tạm gọi là mang tầm quốc tế, nhưng thực lực và sức ảnh hưởng ở quê nhà hoàn toàn chưa tương xứng với những giải thưởng ấy. Hoạt động trong nước cũng chưa thực sự nổi bật, đó là một điều mà chúng ta phải nhìn nhận một cách công tâm. Các giải thưởng âm nhạc uy tín trong nước cũng ít thấy cái tên Orange xuất hiện - xin đừng vội nói những giải thưởng trong nước sao có thể sánh bằng nước ngoài, vì chỉ có những giải thưởng âm nhạc trong nước mới là công cụ gần chuẩn xác nhất để phản ánh được bộ mặt âm nhạc của một quốc gia đó mà thôi.
Bây giờ, chúng ta quay ngược thời gian trở lại với MAMA 2018, thừa nhận đây là một trong những lễ trao giải âm nhạc danh giá bậc nhất Châu Á, nhưng đêm mà Orange tham dự là đêm đầu tiên, ít quan trọng nhất trong cả tuần lễ sự kiện. Bên cạnh đó, giải thưởng mà Orange đạt được gần như là giải “huề cả làng” - ai ai cũng được, nhà nhà đều vui - chứ không phải là một giải quan trọng. Best New Asian Artist - Nghệ sĩ mới Châu Á xuất sắc nhất, nghe thì có vẻ kêu đấy, nhưng cùng một lúc có đến 5-6 chiếc cúp được trao cho cùng một hạng mục, cũng không phải là một điều chấn động là bao. Để rồi cuối cùng, công chúng nhớ đến giải thưởng hay chỉ là cú “chụp ếch” trên sân khấu?
Bây giờ nói đến giải thưởng gần đây nhất - thì lại càng khó có thể nhớ tên. Bạn hỏi 100 khán giả Việt Nam, chắc có đến 95 người (hoặc hơn) chưa từng nghe qua giải thưởng trên. Đó là giải thưởng nghe tên rất ấn tượng, xuất hiện trong một buổi lễ có tên dài ngoằng, được tổ chức bởi một cơ quan có cái tên khó nhớ không kém: 3 yếu tố đủ để khán giả lắc đầu ngán ngẩm trước chiếc cúp giải thưởng mang về. Ở đây, ta không phủ nhận nỗ lực của Orange khi đã cất công đến dự, trình diễn bằng tất cả khả năng của mình, đó là điều mà khán giả thấy và hoàn toàn trân trọng. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu giải thưởng ấy có đáng không?
Đã đến lúc chúng ta nhìn thẳng vào một sự thật: các giải thưởng mà Orange đạt được, tuy đúng là mang tầm quốc tế, và hoàn toàn hợp lệ, nhưng ý nghĩa mà nó mang lại không nhiều, nếu không muốn nói chỉ hoàn toàn mang tính hình thức. Liệu rằng chính những giải thưởng phù phiếm trên có đang vô tình áp lên Orange một thế giới màu hồng quá mức, để quên đi vị trí thực tại của mình đang là ở đâu trong làng nhạc Việt. Đã qua lâu rồi cái thời Vpop là sân chơi “cây nhà lá vườn”, khi thời đại công nghệ bùng nổ, Vpop đã dần dà mang dáng dấp của một ngành công nghiệp giải trí thực thụ, chất lượng âm nhạc ngày càng đi lên, số lượng nghệ sĩ ngày càng nhiều, thị hiếu của công chúng ngày càng tăng lên, hoàn toàn có thể khẳng định mặt bằng âm nhạc Việt Nam đang tiến rất nhanh, tiệm cận với khu vực và bước đầu có những tiếng nói quốc tế. Một vài giải thưởng nhỏ nhoi ở các sân chơi quốc tế không đủ để một người nghệ sĩ “sống sót” giữa môi trường có tính đào thải rất cao như vậy.
Loay hoay mãi trong chiếc áo quá rộng
Quả thật như vậy, đó chính là hình ảnh chính xác nhất khi hình dung về Orange của năm 2019. Orange có một giọng hát kĩ thuật, đủ hay và đủ tình cảm để chinh phục khán giả, một ngoại hình sáng sân khấu cũng nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nhưng những gì mà cô đang thực hiện dường như đang quá sức với những hình ảnh mà cô tự gầy dựng nên cho mình, mọi thứ đều mập mờ, không ổn định. Một nghệ sĩ Vpop hoạt động tích cực trong nước chưa chắc thua kém một nghệ sĩ có trong mình vài ba giải thưởng quốc tế nhỏ nhưng chỗ đứng lại không vững chắc.
Khó có thể dựa hoài vào những chiếc bóng không chắc chắn, cho dù chiếc bóng ấy có hào nhoáng và đẹp đẽ đến đâu - chỉ có tự vươn lên bằng chính sức lực của mình mới là cách để đi đến trái tim công chúng nhanh nhất. Và có lẽ Orange biết rất rõ điều trên, chúng ta hãy cùng chờ đợi và hi vọng vào những bước đi trong tương lai của cô gái này. Cô gái còn rất trẻ, đầy đam mê và nhiệt huyết, tin chắc rằng, với một định hướng đúng đắn cùng những gì đã đạt được, cô gái này sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.